Cứu hộ 7 cá thể hổ con

BVR&MT – Ngày 1/8/2021, Vườn quốc gia Pù Mát đã được Phòng Cảnh sát Môi trường, Công An tỉnh Nghệ An đề nghị tiếp nhận cứu hộ 7 cá thể Hổ từ một vụ buôn bán và vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Vườn đã phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) nhanh chóng đến hiện trường để kịp thời chăm sóc, cho uống sữa và cứu hộ 7 cá thể Hổ con. Sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển giao, 7 cá thể Hổ con và đoàn cứu hộ đã được các Chiến sỹ Công an tỉnh Nghệ An trực tiếp hộ tống đến Trung tâm cứu hộ VQG Pù Mát để chăm sóc, kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe.

7 cá thể hổ đang được các nhân viên chăm sóc.

Sau khi được uống sữa, các cá thể đã dần phục hồi sức khỏe và bắt đầu chơi đùa cùng nhau. Cứ 4 giờ (không kể ngày hay đêm) các cán bộ chăm sóc sẽ cho các bạn Hổ uống sữa 1 lần. Các cá thể Hổ này sẽ được cho uống toàn bằng sữa mèo nhập khẩu, và dần dần sẽ được chuyển sang cho ăn thịt động vật. Các bác sỹ thú y cũng sẽ kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm virus và vi khuẩn để chữa trị cho cả 7 cá thể. Ngoài ra chúng sẽ được bổ sung thuốc, sản phẩm để tăng canxi và được khuyến khích tham gia các hoạt động chời đùa vận động nhằm giúp phát triển tốt xương khớp.

Ông Trần Xuân Cường cho biết, cá thể hổ cuối cùng chụp được ngoài tự nhiên ở Việt Nam chính là tại Vườn quốc gia Pù Mát vào năm 1999. Hơn 20 năm nay, không còn chụp được bất kỳ bức ảnh Hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam. Vì vậy Trung tâm cứu hộ tại VQG Pù Mát không có các thiết kế và cơ sở vật chất để cứu hộ các cá thể Hổ trưởng thành. Mặc dù vậy, VQG Pù Mát vẫn thống nhất phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) quyết định lựa chọn giải pháp tức thời là cứu hộ 7 cá thể Hổ trên để giữ lại cơ hội được sống sót của chúng, đồng thời cố gắng chăm sóc khỏe mạnh cho 7 cá thể Hổ trê. Sau đó sẽ đề xuất các cơ quan chức năng để chuyển giao cho đơn vị thích hợp và có đầy đủ điều kiện, cơ sở vật chất để chăm sóc Hổ.

Theo nghiên cứu từ WWF vào năm 2016 thì Việt Nam chỉ còn dưới 5 cá thể hổ ngoài tự nhiên, Hổ sinh sống ở các vùng biên giới miền Trung và Tây Bắc của đất nước. Thống kê từ Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV thì Việt Nam có tổng số 302 con hổ đang sống trong điều kiện nuôi nhốt tại 21 trang trại đăng ký, vườn thú hoặc trung tâm cứu hộ. Việc buôn bán hổ cho các trang trại và phục vụ nhu cầu sử dụng của con người là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của Hổ ngoài tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm SVW, người vừa nhận được giải thưởng về môi trường Goldman năm 2021 (giải thưởng được ví như giải Nobel Xanh) cho biết: ‘’Do không còn cơ hội cứu hộ Hổ ngoài tự nhiên, nên không có Trung tâm cứu hộ nào ở Việt Nam có thể cứu hộ 7 cá thể hổ con nói trên tại thời điểm hiện tại. Việc Trung tâm SVW trực tiếp thực hiện cứu hộ và hỗ trợ các trung tâm cứu hộ khác ở Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận 7 cá thể hổ con nói trên cùng Vườn quốc gia Pù Mát đã cho thấy chúng tôi luôn sẵng sàng mang đến giải pháp tốt nhất để giúp chăm sóc và cứu hộ kịp thời cho động vật hoang dã.
Cũng theo ông Thái, mặc dù sẵn sàng cứu hộ tạm thời để chăm sóc khẩn cấp cho các cá thể Hổ con để chúng có thể sống sót. Nhưng chúng tôi sẽ đối diện với những khó khăn về kinh phí chăm sóc nếu cứu hộ lâu dài, và không có cơ sở chuồng trại khi các cá thể hổ này lớn. Trong khi trên thế giới chưa có trường hợp nào cá thể hổ được sinh ra trong nuôi nhốt, hoặc lớn lên bằng nuôi nhốt mà được tái thả về tự nhiên. Do Hổ là loài cần có bản năng săn mồi rất nhanh để tồn tại ngoài tự nhiên, nên việc sinh ra và lớn lên trong môi trường nuôi nhốt khó có thể đáp ứng được yêu cầu đó. Ngoài ra, việc các cá thể Hổ đã quen với người, có thể đẫn đến mối đe dọa với cộng đồng sống gần nơi tái thả chúng, không ai dám mang tính mạng con người ra làm phép thử.

Vậy tương lai nào cho 7 cá thể Hổ nói trên? Ông Thái cho biết thêm: Đầu tiên là phải cứu hộ và chăm sóc cho các bé Hổ khỏe mạnh. Theo tính toán của SVW, mỗi tháng sẽ cần số tiền khoảng 100 triệu đồng gồm tiền sữa, thức ăn, thuốc thú y, công chăm sóc, và các tháng sau đó số tiền sẽ tăng lên. Vì thế Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam – SVW kêu gọi mọi người cùng đóng góp để tài trợ cứu các bé hổ thông qua website của Trung tâm: https://www.svw.vn/vi/donate-now/. Tiếp đến, VQG Pù Mát, SVW và các cơ quan chức năng sẽ tìm một cơ sở chăm sóc đủ điều kiện về phúc lợi để có thể chăm sóc, cứu hộ lâu dài cho các bạn Hổ, nhằm phục vụ mục đích giáo dục và nâng cao nhận thức.
Sử dụng các sản phẩm từ Hổ và nhân nuôi Hổ trong các trang trại đang là nguyên nhân dẫn đến các quần thể Hổ bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Việc cứu sống và đưa các bạn Hổ về nơi chăm sóc lâu dài như Vườn thú sẽ giúp nhân cao nhận thức của người dân về Hổ, qua đó gián tiếp thúc đẩy công tác bảo tồn Hổ ngoài tự nhiên. Chúng tôi cũng mong muốn có thể tái thả về tự nhiên, nhưng mong muốn này chưa thể thực hiện được, do Hổ nuôi nhốt đã mất tập tính hoang dã, quen con người và đặc biệt việc tái thả Hổ cần có một chiến lược dài hạn và kế hoach phục hồi con mồi cho Hổ trong thời gian dài, Ông Trần Xuân Cường nhấn mạnh.

Sơn Tinh

Thông tin tóm tắt vụ bắt giữ:

Theo nguồn tin ban đầu, cơ quan công an xác định hai đối tượng khai tên là Trần Trung Hiếu (SN 1984g, trú tổ dân phố 3, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Lai (SN 1967, trú thôn Khí Tượng, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Hai đối tượng vận chuyển động vật trên xe ô tô 7 chỗ màu trắng, mang biển kiểm soát giả 37A-032.58 từ thị trấn Hương Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đi qua địa bàn Nghệ An để tiêu thụ.
Sau khi bị tổ công tác Trạm CSGT Diễn Châu yêu cầu dừng xe, hai đối tượng phóng xe bỏ chạy. Trong quá trình tuy đuổi, đối tượng cố tình đâm xe vào xe của lực lượng chức năng để gây cản trở và cố gắng trốn thoát. Đối tượng Nguyễn Văn Lai cho biết, 7 cá thể hổ con này được một người Lào (không rõ tên) thuê vận chuyển ra địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An).

Tags: ,
CHIA SẺ