Cướp lộc và đánh nhau: Mặt tối của người Việt?

BVR&MT – Tình trạng cướp lộc tại các lễ hội, khoá lễ hay uống rượu rồi gây gổ đánh nhau trong ngày Tết không còn là hiếm ở nước mình.

Cảnh tranh cướp hỗn loạn không còn xa lạ tại lễ hội Đền Gióng (ảnh zing)

Năm nào cũng vậy, lễ cầu an đầu năm mới tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) cũng thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử đến dự. Dù được cảnh sát, công an, các lực lượng bảo vệ đứng xung quanh canh chừng nhưng khóa lễ nào cũng có những hạt sạn. Hạt sạn lớn nhất và dễ thấy nhất là tình trạng tranh cướp lộc sau khi hành lễ. Đáng buồn trong số những người vào tranh cướp ấy có cả những ông già, bà lão, nam thanh nữ tú và biết đâu họ còn là những cán bộ, công chức nhà nước…

Đã có lần tôi chứng kiến, sau lễ cầu an ở Tổ đình Phúc Khánh, một bà cụ khoảng 70 tuổi cố chen trong đám đông hỗn loạn với được 2 oản phẩm và 1 quả chuối. Sau đó lại cố chen chân thoát được ra ngoài. Đứa cháu đứng phía ngoài thì khản giọng gọi “Bà ơi, thôi đừng lấy lộc nữa”. Thoát ra khỏi đám đông ấy, cô cháu vẫn tỏ ý trách bà vì đã quá mạo hiểm chen vào để tranh cướp lộc. Còn bà cụ thì giành được phần lộc chỉ với một suy nghĩ “Cho may mắn”, còn nói thêm rằng “Chắc cũng chẳng ăn đâu vì nhà còn bao nhiêu đồ ngày Tết”.

Ôi cái tâm lý giành giật, tranh cướp không biết từ bao giờ đã ăn sâu vào tâm lý của người Việt đến vậy. Vừa mới hôm qua, mùng 6 Tết, khai hội đền Gióng (Sóc Sơn – Hà Nội), khi kiệu hoa tre vừa rước vào đến đền Trình, hàng chục thanh niên lao vào cướp để lấy may.

Một con số thống kê khác của Bộ Y tế cũng được nhiều người quan tâm, tính đến chiều tối ngày 1/2 (mùng 5 Tết Đinh Dậu), các bệnh viện toàn quốc đã tiếp nhận gần 4.500 người vào viện do đánh nhau, trong đó có 34 người đã tử vong. So với năm 2016, con số này giảm gần 13%.

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, là tháng của hội hè, thảnh thơi đi đền, chùa để cầu may mắn, bình an, tấn tài tấn lộc. Vậy nhưng, trên dải đất hình chữ S nhỏ bé này, trong mấy ngày tết, mỗi ngày có cả nghìn đám đánh nhau đến chảy máu, mất mạng thì còn đâu cảnh vui xuân, vui Tết. Trong những lễ hội trang nghiêm, hễ lực lượng chức năng sểnh mắt là xảy ra cướp lộc, tranh giành. Những hình ảnh phản cảm ấy không khó tìm, thậm chí đã trở nên quá phổ biến.

Trộm cướp là xấu xa, là đáng lên án. Vậy tại sao, giữa thanh thiên bạch nhật, hàng chục con người, kẻ sĩ có, học vấn cao thấp đều có cả, lại xông vào cướp phá lễ vật dâng cúng thần thánh mà không sợ bị coi là báng bổ và không bị xử lý nghiêm để làm gương cho những kẻ khác. Những hành động ấy chẳng lẽ lại không đáng bị lên án hay sao? Và những kẻ lăn xả vào cướp giật đồ kia họ không sợ Thánh thần sao?

Những hành động phản cảm này đã gây cảm giác “rờn rợn” cho nhiều người khi tham gia các lễ hội. Biết đâu, khi vô tình đứng trong đám đông hỗn loạn ấy mà bị xô đẩy, thậm chí có những kẻ quá khích còn nhảy lên cổ, lên vai người khác để tranh giành lộc lá, thì “chẳng phải đầu cũng phải tai”. Nếu cứ tồn tại tình trạng này, thì lễ hội dần sẽ trở thành nơi tụ hội của những kẻ ngổ ngáo, coi khinh sự tôn nghiêm và truyền thống văn hoá của dân tộc.

Các cơ quan quản lý đã mạnh tay dẹp bỏ những lễ hội phản cảm, đâm chém lợn trâu…. thì cớ sao lại để tồn tại những hành vi hung hãn gây bức xúc trong dư luận xã hội như vậy? Vui tết, chảy hội, du xuân đáng ra phải là những kỷ niệm đáng nhớ, nhưng với cách hành xử của nhiều người như hiện nay thì đó thực sự là niềm kinh hãi, bất an cho toàn xã hội.

Nếu các cơ quan quản lý không sớm chấn chỉnh tình trạng này thì không chỉ trong con mắt người dân mà cả du khách nước ngoài, những lễ hội lớn, nổi tiếng của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên méo mó, kém trang nghiêm. Và mỗi người, nếu không biết cách kiềm chế bản thân mỗi khi có hơi men trong người thì chuyện đánh nhau cộng với cướp lộc sẽ trở nên nổi tiếng hơn những nét đẹp văn hoá nghìn đời của người Việt Nam ta.