BVR&MT – Đồng bào người Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu) trước đây đời sống khó khăn, thiếu thốn, bà con vẫn giữ nhiều hủ tục lạc hậu. Những năm gần đây, nhờ các nguồn lực hỗ trợ từ chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, người dân nơi đây đã từng ngày đổi thay tư duy, nhận thức, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Gia đình 6 nhân khẩu của anh Chảo Văn Hương, ở bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu) trước đây vốn chỉ trông chờ vào một ít đất nương trồng lúa, ngô, nên đói nghèo đeo đẳng. Mỗi năm, gia đình phải trông chờ vào nguồn cứu trợ gạo giáp hạt của Nhà nước khoảng 3 tháng.
Năm 2018, được cán bộ xã, huyện về vận động, hướng dẫn cách làm kinh tế, gia đình đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ cần mẫn chăm chỉ, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình anh đã có 5ha quế, gần 10 con trâu, bò, hơn 3.000m m2 ao thả cá… với tổng thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
“Năm vừa rồi gia đình tôi tiếp tục đầu tư khoảng 40 – 50 kg cá giống để nuôi. Ngoài nuôi cá, hiện gia đình tôi còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế”, anh Hương nói.
Người Cống ở Lai Châu tập trung nhiều nhất ở 2 xã Nậm Khao, Can Hồ (huyện Mường Tè) và xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn. Tại Nậm Khao, người Cống chiếm hơn 60% dân số, với gần 270 hộ, gần 1.000 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở 2 bản Lãng Phiếu và Xám Láng.
Để cuộc sống của bà con người Cống bớt khó khăn, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Khao đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Từ đó, bà con có thêm điều kiện để giao thương hàng hóa, nâng cao dân trí, bảo vệ sức khỏe, từng bước chăm lo đời sống vật chất và tinh thần.
Ông Lò Văn Thi, trưởng bản Lãng Phiếu, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè cho biết: “Đảng và Nhà nước quan tâm và có lòng hồ thủy điện Lai Châu nên chúng tôi chuyển lên bản tái định cư mới. Cuộc sống bây giờ của chúng tôi đã khá giả hơn so với ngày ở bản cũ nhiều”.
Theo Phó Chủ tịch xã Nậm Khao Lò Văn Hạnh, nhờ tích cực chủ động trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế, nên trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như hộ gia đình ông Chảo Văn Sơn ở bản Xám Láng; hộ ông Khoàng Văn Khừ, Khoàng Văn San, Phéng Văn Lồng ở bản Lãng Phiếu… đưa thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Xã cũng đã hoàn thành 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới…
“Cuộc sống của nhân dân sau khi tái định cư là được sắp xếp dân cư ổn định về chỗ ở. Thứ hai là về kinh tế thì cũng phát triển hơn so với trước khi tái định cư, nhân dân hăng hái tập trung phát triển kinh tế, góp phần phát triển xã nhà cũng như dân tộc Cống nói riêng ngày càng phát triển”, ông Sơn cho biết.
Đến Nậm Khao hôm nay không còn bóng dáng các bản nghèo xưa cũ, thay vào đó là những căn nhà xây kiên cố, với những tuyến đường bê tông phẳng lỳ… Tư duy đổi mới, bà con cũng không còn giữ các hủ tục lạc hậu, mà cùng nhau đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa mới, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.