Cuộc sống mới của đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên

BVR&MT – Đồng bào người Cống là một trong những dân tộc ít người của tỉnh Điện Biên, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa nằm dọc theo tuyến biên giới Việt – Lào.

Thực hiện Quyết định 1672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, ngày 28/02/2012 UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành và phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2011 – 2020. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Cống đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% (năm 2012) xuống 56% (2017).

Chú thích ảnh
Một góc bản làng của người Cống. Ảnh: dantocmiennui.vn

Tại tỉnh Điện Biên, đồng bào người Cống hiện có 215 hộ với 1.045 nhân khẩu, sinh sống rải rác ở 5 bản của ba xã trên địa bàn ba huyện, gồm: bản Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ), bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé), bản Huổi Moi, Si Văn và Púng Bon, xã Pa Thơm ( huyện Điện Biên).

Hiện các bản mà dân tộc người Cống sinh sống, đường giao thông được xây dựng mới và nâng cấp theo tiêu chí giao thông loại C mặt cấp phối và bê tông, đảm bảo giao thông đi được 4 mùa. Đa số các bản đều có lớp học kiên cố, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học.

100% học sinh trong độ tuổi đến trường được đi học và thụ hưởng các chính sách về giáo dục. Hệ thống điện nước dần trải khắp ở các bản. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được tăng cường, toàn bộ trẻ em sơ sinh và phụ nữ mang thai được hỗ trợ về dinh dưỡng. Các bản đều có nhân viên y tế thôn bản được đào tạo.

Bên cạnh đó, trang phục và nhạc cụ dân tộc của đồng bào người Cống được khôi phục lại. Hiện các bản đều có nghệ nhân truyền bá văn hóa dân tộc và đội văn nghệ thôn bản phục vụ nhân dân, đồng thời tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, công tác khuyến nông khuyến lâm được chú trọng. Các mô hình sản xuất được triển khai, hướng dẫn và tạo điều kiện cho người dân học hỏi, nhân rộng.

Bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên có gần 50 hộ, trên 220 nhân khẩu đồng bào dân tộc Cống. Những năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây đã có những chuyển biến tích cực. Ngoài trồng lúa, người dân đã biết trồng thêm hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thả cá, tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ dân.

Đặc biệt, từ khi điện lưới được kéo đến bản, cuộc sống tinh thần của người dân đã nâng lên. Các nhà đã có ti vi, đài radio, mọi thông tin, chính sách của Nhà nước được bà con nắm bắt. Con đường vào bản được xây mới sạch sẽ, nhiều gia đình đã đầu tư mua xe máy để tiện giao thương. Ông Lò Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm cho biết, trước đây, đồng bào người Cống ở bản Púng Bon chủ yếu tự cung tự cấp, cơm không đủ ăn, thiếu đói quanh năm.

Được sự quan tâm của Nhà nước, người dân đã tự sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt thêm để tăng thu nhập. Bản sắc văn hóa của đồng bào dần được phục hồi, Tết Hoa của người Cống được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần làm sống lại giá trị văn hóa của đồng bào.

Ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho hay: Thực hiện đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên”, tỉnh đã chọn và triển khai thực hiện nhiều công trình dân sinh thiết thực, về cơ bản đáp ứng nguyện vọng của người dân, góp phần giải quyết khó khăn về giao thông, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hiện nay, người dân đã dần ổn định sản xuất và sinh hoạt, các bản không còn hiện tượng du canh, du cư. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện, tỷ lệ nghèo giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, thực hiện đề án, do kinh phí hạn hẹp, một vài công trình thiết yếu vẫn chưa được triển khai. Một bộ phận người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên. Bên cạnh đó, địa bàn thực hiện dự án ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn phân tán rộng ở ba huyện, trong khi cán bộ thực hiện đề án chủ yếu là kiêm nhiệm, số lượng mỏng chưa chuyên sâu trong việc tổ chức quản lý dự án, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện kế hoạch vốn giao.

Cũng theo ông Giàng A Dình, Đề án được phê duyệt từ năm 2012, đến nay một số nội dung không còn phù hợp với thực tế, một số nội dung đã có các chính sách khác hỗ trợ. Vì vậy, trong những năm tiếp theo, tỉnh cần xây dựng các nội dung hỗ trợ khác phù hợp hơn với nguồn lực lớn để đầu tư, hỗ trợ tập trung; cần loại bỏ một số công trình không còn phù hợp tại thời điểm hiện tại để tập trung cho các công trình khác, bổ sung các danh mục công trình có hiệu quả hơn; tập trung bổ sung, hoàn thiện các chính sách về tuyên truyền tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật…