Cuộc hội ngộ đầy xúc động của Đoàn điều tra rừng Quỳ Châu, Sông Hiếu (Nghệ An) sau 60 năm: Khắc sâu hai chữ tình người

BVR&MTHơn 60 năm kể từ khi bắt đầu sự nghiệp điều tra tài nguyên rừng tại Quỳ Châu (1962-2022), các thành viên của Đoàn điều tra rừng khu Sông Hiếu – Quỳ Châu đã cùng nhau trải qua thời thanh xuân tươi đẹp, cùng nếm trải những thiếu thốn, khó khăn, gian khổ; vất vả để tiến tới vinh quang. Đến nay những thành viên trong Đoàn điều tra bồi hồi xúc động gặp lại nhau, nhớ về những kỷ niệm niệm ở Quỳ Châu tại Cuộc hội ngộ Điều tra rừng Quỳ Châu, được Tổ chức tại Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam.

Cuộc hội ngộ Điều tra rừng Quỳ Châu được tổ chức bởi chính những tình cảm, tâm huyết của các thành viên đã từng được vinh dự tham gia tại Công trình điều tra Tài nguyên Rừng khu Sông Hiếu – Quỳ Châu (Nghệ An).

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi Trường (https://baovemoitruong.org.vn), G.S Hoàng Hoè, nguyên Phó Đoàn điều tra rừng Quỳ Châu, Sông Hiếu cho biết: “Đoàn Điều tra Rừng Sông Hiếu được nhận Quyết định thành lập của Cục Điều tra thuộc Cục Lâm Nghiệp vào năm 1961. Trong đó, có Đoàn Trưởng là đồng chí Nguyễn Đức Khải, Đoàn Phó là tôi với hơn 300 người cùng tham gia gồm: 30 Kỹ sư tốt nghiệp Khoa lâm học Đại học Nông lâm khóa 1, 2, 3, 4, 5; 150 Trung cấp lâm nghiệp khóa 3, 5, 6, 7… và 120 học sinh phổ thông thanh niên tình nguyện… và công nhân.

Sau năm 1965 hoàn thành công trình Quỳ Châu, Cục Điều tra thuộc Cục Lâm nghiệp đã tuyển mộ thêm và huấn luyện đội ngũ điều tra quy hoạch rừng cả nước phát triển đến 1300 người (năm 1980) hình thành các Phân viện, Đoàn, Đội. Trong vòng 2 năm (1962-1964) tại Quỳ châu Sông Hiếu Đoàn đã tiến hành điều tra quy hoạch rừng với tổng diện tích: 350.000ha, thuộc 4 huyện miền Tây Nghệ An: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Phú Phương. Trong đó, rừng Quỳ Châu có trên 1000 loài thực vật có mạch, nhiều loại động vật hoang dã đã được kiểm kê đánh giá về số lượng và chất lượng gỗ và các chỉ tiêu khác về rừng và môi trường. Đồng thời trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Đoàn đã chia 6 lâm trường, lập quy hoạch phát triển lâm công nghiệp và mở đường sắt vận chuyển gỗ từ Nghĩa Đàn, Cầu Giát dài 30km. Ngoài ra Đoàn còn thực hiện một số nhiệm vụ: Điều tra thiết kế kinh doanh Lâm trường Quỳ Châu với diện tích 45.000ha; vẽ bản đồ địa hình 1:15.000; lập phương án kinh doanh rừng 10 năm theo nguyên tắc kinh doanh rừng bền vững; khai thác, trồng rừng, tái sinh rừng theo nguyên tắc quản lý rừng bền vững lâu dài…

Đoàn điều tra thực hiện công tác Quy hoạch Khu Lâm nghiệp Sông Hiếu được tiến hành trên cơ sở tất cả các số liệu, bản đồ, tư liệu thu thập được tại thực địa và được chỉnh lý tính toán trong thời gian nội nghiệp, đạt độ chính xác cao theo yêu cầu của công tác điều tra rừng và kinh tế xã hội. Đội ngũ cán bộ quy hoạch đã tiến hành khảo sát thực tế  về đường sá, cầu cống,khu khai thác, trồng rừng, xưởng  chế biến. Bản Luận chứng kỹ thuật xây dựng cơ bản Khu Lâm nghiệp Sông Hiếu đã được xây dựng một cách bài bản với sự hỗ trợ, phối hợp của Đoàn Chuyên gia TQ.

Ông Võ Trí Chung, nguyên là thành viên của Đoàn điều tra rừng Quỳ Châu cho bồi hồi nhớ lại thời gian ông cùng đồng đội công tác ở Nghệ An: Điều kiện địa hình rừng núi ở miền Tây Nghệ An khi đó rất hoang sơ nên việc đi lại vô cùng khó khăn. Phương tiện kĩ thuật chưa được hiện đại nên đòi hỏi những người tham gia tác nghiệp phải nghiêm túc, đảm bảo sai số ở mức cho phép để đạt được kết quả tốt nhất. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, anh em trong đoàn cần phải cố gắng, khắc phục rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ. Khi tham gia nhiệm vụ, đoàn chúng tôi bám rừng trong 2 năm rười, gần như không nghỉ phép về nhà phần vì tính chất công việc, phần vì đường xa phương tiện đi lại khó khăn”.

Theo ông Võ Trí Chung, khó khăn là vậy nhưng Đảng và Nhà nước cũng tạo điều kiện với rất nhiều chủ trương, chỉ thị hỗ trợ Đội điều tra Tài nguyên rừng khu Sông Hiếu, Quỳ Châu từ công cụ, kỹ thuật đến lương thực, thực phẩm, chăm lo cho đời sống của anh em cán bộ công nhân trong đoàn… Đến thời điểm hiện tại, khu vực Sông Hiếu đã kế thừa và khắc phục được những điểm yếu về mặt khoa học ngày trước để vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Đoàn điều tra rừng Quỳ Châu đã cùng nhau công tác, ăn uống, sinh hoạt trong 2 năm rưỡi nên trong ký ức của mỗi thành viên đều có rất nhiều kỷ niệm ấn tượng. Trong cuộc hội ngộ, những mảnh ghép ký ức đó dần dần được hiện hữu và hồi tưởng lại. Ông Võ Trí Chung xúc động hồi tưởng: “Đối với chúng tôi – những thành viên của Đoàn điều tra Rừng Quỳ Châu năm ấy thì tất cả những k niệm, những giây phút được học tập, công tác bên đồng đội đều sâu sắc, và trân quý. Điều đọng lại lớn nhất trong tiềm thức của tôi đến thời điểm hiện tại chính là hai chữ “tình người”. Càng đi sâu vào công tác điều tra rừng, cảm nhận được những khó khăn gian khổ, anh em đồng chí lại càng gắn bó và yêu thương nhau. Trong một lần anh em chúng tôi đi điều tra, một đồng chí đã bị trượt chân ngã xuống vực và bị ong vò vẽ tấn công. Chính Đội trưởng của đội chúng tôi mình mình xuống vực để kịp thời cấp cứu và cấp tập vác đồng chí đó lên để cấp cứu”.

Theo T.S Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng, cuộc điều tra rừng Quỳ Châu chính là bước đi đầu tiên, đặt nền móng cho công tác điều tra rừng của ngành nông nghiệp sau này: “Mặc dù điều kiện khoa học kỹ thuật, đời sống sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đội Điều tra rừng Quỳ Châu đã để lại dấu ấn lớn về những kết quả nghiên cứu và nguồn lực tỏa ra các tỉnh thành của ngành lâm nghiệp sau này. Những thế hệ chúng tôi theo ngành điều tra rừng sau coi cuộc Điều tra rừng Quỳ Châu là dấu mốc lớn để kế thừa và phát huy thành quả của thế hệ đi trước”.

Cuộc hội ngộ diễn ra thành công trong không khí ấm áp của những người đồng đội cũ cùng nhau ôn lại kỉ niệm công tác, sinh hoạt tại Cuộc điều tra rừng Quỳ Châu, Sông Hiếu năm ấy. Đây cùng chính là dịp để gắn kết tình cảm truyền thống của những người đã và đnag công tác trong lĩnh vực điều tra quy hoạch rừng.

Thực hiện:  Đình Trà – Tuyết Lan