Cuộc chiến Nga – Ukraina mở đường cho năng lượng sạch ở châu Âu

BVR&MT – Một số chuyên gia cho rằng chiến tranh Nga – Ukraina làm xao nhãng sự chú ý tới biến đổi khí hậu nhưng lại thúc đẩy thế giới hướng tới năng lượng xanh sạch hơn.

Nhiều chuyên gia khí hậu cho rằng chiến tranh Nga – Ukraina tác động sâu sắc đến nỗ lực hướng tới mức phát thải ròng bằng không, tuy nhiên, cuộc chiến này vẫn có mặt tích cực.

Những nỗ lực thống trị nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm hạn chế sự can thiệp của châu Âu vào cuộc chiến giữa Nga và Ukrana có nguy cơ phản tác dụng. Châu Âu đang bắt tay vào thúc đẩy năng lượng sạch để có thể giảm hơn 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Anh cũng đề ra chiến lược an ninh năng lượng trong vòng vài ngày, trong đó, nhấn mạnh đến năng lượng tái tạo. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đang tái nỗ lực thông qua các gói đầu tư xanh.

Các công nhân tại công trường xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Phương Tây hiện đang chạy đua để giảm sự phụ thuộc vào hydrocacbon của Nga. (Ảnh: Anton Vaganov / Reuters)

Ông David Blood, người đồng sáng lập Quỹ đầu tư Generation Investment Management, tin rằng cuộc chiến Ukraina sẽ thúc đẩy năng lượng xanh. “Hiện tại đã có bằng chứng cho thấy hydrocacbon không chỉ không bền vững về mặt môi trường mà còn làm suy yếu cấu trúc xã hội, chính trị và kinh tế của thế giới. Cuộc chiến này sẽ là động lực thúc đẩy việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và hướng tới một tương lai trong sạch hơn”. – Ông David nói.

Bà Rachel Kyte, chuyên gia khí hậu của Mỹ, Hiệu trưởng Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, cho hay, cam kết của các nước EU hồi năm ngoái về việc đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 có thể ảnh hưởng đến các tính toán tham vọng của Tổng thống Nga với Ukraina. Mỗi bước tiến tới năng lượng sạch ở châu Âu đều làm giảm sức ảnh hưởng kinh tế của Nga tới các nước EU. Cụ thể, châu Âu nhập khẩu 40% khí đốt từ Nga, riêng Đức là 60%. Nhu cầu này sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2050 nếu các quốc gia châu Âu đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không. “Cách nhìn nhận của Tổng thống Putin về việc khử cacbon, đặc biệt là ở châu Âu, ảnh hưởng như thế nào đối với xuất khẩu năng lượng của Nga trong trung và dài hạn có thể là một yếu tố quyết định tới việc phát động chiến tranh với Ukraina. Theo thời gian, nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm đi. Tuy nhiên, phản ứng của phương Tây với nhiên liệu của Nga lại không nằm trong tính toán của ông Putin.” – Bà Kyte cho hay.

Trong hầu hết các Hội nghị Liên hợp quốc về khí hậu, Nga đóng một vai trò quan trọng nhưng không thể hiện ra bên ngoài. Todd Stern, cựu đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama, người tham gia đàm phán tại COP Paris 2015, cho hay Nga “không cố ném đá vào hội nghị” nhưng hầu như không có đóng góp gì.

Mặc dù vậy, ông Putin không phủ nhận hoàn toàn biến đổi khí hậu, ông lắng nghe các chuyên gia Nga về tác động của việc gia tăng phát thải carbon và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với Nga – một đất nước rộng lớn và thưa dân.

Theo báo cáo toàn diện của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) công bố hồi tháng 2, Nga đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp cao hơn nhiều so với các khu vực như châu Phi cận Sahara, Nam Á và Mỹ. Năng suất một số cây trồng chính của Nga như lúa mì có thể tăng lên. Báo cáo IPCC cho hay, rủi ro lớn nhất mà Nga phải đối mặt là sự tan chảy của các tảng băng vĩnh cửu.

Tổng thống Nga Putin thậm chí còn hy vọng có thể khai thác lợi thế của khủng hoảng khí hậu, chẳng hạn như sự tan chảy của mỏm băng Bắc Cực có thể mở ra các tuyến vận chuyển mới và tạo điều kiện cho việc khai thác dầu khí trở lên dễ dàng hơn. Đáng chú ý, Nga đang thúc đẩy yêu sách lãnh thổ Bắc Cực của mình ngay cả trong tình hình chiến sự căng thẳng với Ukraina.

Ông Paul Bledsoe – cựu cố vấn biến đổi khí hậu của Nhà Trắng – cho rằng Tổng thống Nga không ngại gây ra thảm họa khí hậu cho phần còn lại của thế giới chỉ vì lợi ích bản thân: “Putin hành động với sự thờ ơ với khí hậu và vi phạm mọi chuẩn mực về nhân quyền và chủ quyền quốc tế. Kế hoạch khai thác dầu khí khổng lồ ở Bắc Cực của ông Putin sẽ tàn phá khu vực mong manh và quan trọng đối với sự ổn định khí hậu toàn cầu. Tổng thống Putin đã không làm gì để ngăn lãnh nguyên Siberia tan chảy, khiến giải phóng một lượng khí metan khổng lồ. Ông Putin đã biến Nga trở thành một quốc gia ngoài vòng pháp luật về khí hậu”.

Theo một số phân tích lạc quan, nếu cuộc chiến Ukraina đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo ở EU, Anh và Mỹ, thì nó có thể đánh dấu một bước ngoặt cho nỗ lực khử carbon của cả thế giới. Các nhà vận động cảnh báo, điều ngược lại cũng có thể xảy ra và nhu cầu mở rộng với nhiên liệu hóa thạch có thể khiến mục tiêu duy trì mức nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C trở nên xa vời.

Tuy nhiên, ngay cả khi kết quả đạt được tốt nhất, chi phí nhân mạng và những thiệt hại mà cuộc chiến Nga – Ukraina gây ra sẽ phủ bóng đen lên những nỗ lực của cả thế giới nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu. Các chính phủ đang cố gắng đối phó với mối đe dọa quân sự, cuộc khủng hoảng người tị nạn và các tác động kinh tế của cuộc xung đột Nga – Ukraina gây ra mà quên đi các mối đe dọa đang hiện hữu của khủng hoảng khí hậu.

Thùy Dung (Theo Guardian)