BVR&MT – Được sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các cấp, ngành tại nhiều tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp, chương trình nhằm giúp đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) xóa nghèo bền vững. Ở nhiều nơi, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên đã đồng hành cùng bà con trong lao động, sản xuất và cuộc sống, từ đó, giúp người dân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nỗ lực vượt lên
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Con Cuông (Nghệ An) Nguyễn Việt Nam dẫn chúng tôi đến thăm gia đình vợ chồng anh Lang Văn Bình và chị Vi Thị Chính, người dân tộc Thái ở bản Tân Sơn, xã 135 Môn Sơn, huyện miền núi Con Cuông. Chị Chính cho biết: Ban đầu, gia đình được NHCSXH huyện cho vay 15 triệu đồng mua một con bò cái, nay đàn bò có sáu con và gia đình đã trả hết nợ ngân hàng. Từ chính sách dân tộc, anh Bình được hỗ trợ học nghề cơ khí. NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ “Chương trình thoát nghèo” mua máy móc và vật liệu để mở xưởng cơ khí. Đến nay, xưởng cơ khí của anh Bình còn tạo việc làm thường xuyên từ ba đến năm lao động là con em trong bản với thu nhập sáu đến tám triệu đồng/người/tháng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, anh chị đã xây được nhà, mua được máy cày, máy tuốt lúa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, gia đình anh Bình ra khỏi diện hộ nghèo, cuộc sống khấm khá.
Chúng tôi còn được gặp bà Vi Thị Hiệu (69 tuổi), dân tộc Thái là người đầu tiên ở bản Tân Sơn, xã Môn Sơn viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo cuối năm 2018. Bà cho biết, được sự hỗ trợ từ chính sách dân tộc và NHCSXH huyện, bà được vay vốn làm nhà, sản xuất và cho con đi xuất khẩu lao động… Hai ông bà làm một sào lúa, trồng cỏ voi, nuôi hai con trâu cùng đàn gà. Tuy thu nhập chưa cao, nhưng ổn định và khá hơn nhiều gia đình khác, nên ông bà đã thống nhất, viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, để nhường chế độ ưu đãi của Nhà nước cho những gia đình khó khăn hơn…
Huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) có 99% số dân là bà con các DTTS, vì vậy công tác xóa nghèo cho người dân luôn được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. 5 năm qua, toàn huyện đã huy động được gần 330 tỷ đồng từ các nguồn chính sách dân tộc cho công tác xóa đói, giảm nghèo, trong đó, ngân sách trung ương 288 tỷ đồng, ngân sách địa phương 5,3 tỷ đồng và xã hội hóa 36,5 tỷ đồng. Huyện ủy Kỳ Sơn đã ban hành Chỉ thị 17: “Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo” để huy động cán bộ, đảng viên giúp từng hộ người DTTS. Cùng với đó, hệ thống giao thông liên vùng được đầu tư mới, cải tạo nâng cấp, nhất là khi quốc lộ 16 – chạy dọc biên giới từ Thanh Hóa vào đến Kỳ Sơn hoàn thành đã giúp việc đi lại và thông thương hàng hóa được thuận lợi, đời sống của đồng bào DTTS ở dọc biên giới được nâng lên. Từ một huyện có đến 65,5% số hộ nghèo (năm 2015), đến cuối năm 2019, hộ nghèo đã giảm xuống 46,1%…
Tại tỉnh Điện Biên, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) là xã được thụ hưởng các chính sách, chương trình về xóa đói, giảm nghèo như: 30a, 135, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn những năm qua có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Ðến nay, 100% số thôn, bản có đường bê-tông đến trung tâm xã; mỗi năm xã có hàng trăm gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu. Phó Chủ tịch UBND xã Búng Lao, Lò Văn Thức cho biết: Từ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án (mỗi năm khoảng 5 tỷ đồng), Đảng ủy, UBND xã Búng Lao chỉ đạo các đơn vị thực thi phải lựa chọn đầu tư công trình thiết yếu sao cho phục vụ tốt nhất việc sản xuất, phát triển kinh tế của người dân. Cùng với đó, xã tăng cường cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn nhân dân kỹ thuật canh tác mới, chủ động chuyển đổi cây trồng theo chủ trương của huyện, giúp họ chủ động lập kế hoạch phát triển kinh tế gia đình. Bằng cách làm đó, trong giai đoạn vừa qua (từ năm 2016 đến nay), tỷ lệ hộ nghèo của xã Búng Lao đạt mức giảm bình quân từ 5 đến 7%/năm, hiện tại, chỉ còn dưới 16%.
Đến xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông), chúng tôi gặp chị H’Bé ở bon Bu Sop, được người dân biết đến là một tấm gương thoát nghèo điển hình của người DTTS tại chỗ. Hiện gia đình đang sở hữu một nhà xây kiên cố với diện tích khoảng 70 m2, mỗi ha cà-phê cho thu hoạch mỗi năm gần ba tấn nhân, và nhiều dụng cụ, phương tiện phục vụ sản xuất. So với nhiều hộ người đồng bào DTTS, gia đình chị H’Bé đang có mức sống khá, thu nhập ổn định. Chị H’Bé cho biết, do được sinh ra trong gia đình đông con cho nên ngay từ nhỏ chị đã phải chịu nhiều vất vả, tuổi thơ gắn với nương rẫy, cái ăn của gia đình chủ yếu là củ sắn và các loại phụ phẩm từ rừng tự nhiên, bản thân không được học hành đến nơi đến chốn. Đến khi lớn lên và lập gia đình, tài sản duy nhất của hai vợ chồng cũng chỉ là 1 ha đất trống do gia đình tách cho. Không nhà cửa, không có vốn sản xuất, hai người con lại lần lượt ra đời, cuộc sống gia đình lại càng thêm khó khăn hơn. Năm 2015, gia đình chị H’Bé được Nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà, vay vốn phát triển sản xuất theo đối tượng hộ nghèo. Khi đã có nhà ở kiên cố, có vốn sản xuất, gia đình đã tập trung phát triển kinh tế, và chỉ sau bốn năm, chị H’Bé đã thoát nghèo, trả hết nợ. Hiện gia đình chị H’Bé tiếp tục được vay 40 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, với dự định trồng thêm điều, cà-phê để nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương…
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất nước, với dân số hơn 3,2 triệu người, trong đó có hơn 466 nghìn người là đồng bào các DTTS, gồm Thái, Thổ, Khơ Mú, H’Mông, Đan Lai, Ơ Đu… Có ba huyện hưởng lợi từ Chương trình 30a, một huyện hưởng lợi từ Quyết định 275/QĐ-TTg, nơi có hơn 90% số đồng bào DTTS sinh sống; có 94 xã và 193 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi thuộc Chương trình 135… Trong 5 năm qua, ngoài cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch chỉ đạo cùng cơ chế chính sách và nguồn vốn hỗ trợ liên quan. Thông qua các chính sách giảm nghèo từ Trung ương, cơ chế hỗ trợ của tỉnh và cùng với việc đẩy mạnh phong trào “Nghệ An chung tay vì người nghèo”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tết vì người nghèo”, “Quỹ vì người nghèo”; kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ cho người nghèo, người DTTS… Nghệ An đã huy động được 17.661,3 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo trong 5 năm qua (chưa tính đến nguồn lực của nhân dân tự bỏ vốn).
Điều quan trọng trong thực tế hiện nay là hằng ngày, hằng giờ, người dân, cán bộ đảng viên, người làm ăn khá đang cùng sát cánh với đồng bào các DTTS trong lao động bằng việc giúp cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, cầm tay, chỉ việc… để giúp họ vươn lên. Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, Vi Hòe chia sẻ: “Giúp người nghèo, đồng bào DTTS vừa là lương tâm vừa là trách nhiệm”. Chỉ tính riêng các khoản đóng góp tự nguyện của cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan (Huyện ủy, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể, trường học…) trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã mua được gần 100 con bò sinh sản tặng các hộ nghèo. Cũng như vậy, Phong trào 15 hộ phụ nữ có điều kiện làm ăn tốt, giúp một hộ phụ nữ nghèo của Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Đàn bằng cách góp tiền mua con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kế hoạch làm ăn. Hay người H’Mông bản Huội Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, hộ làm ăn khá cho hộ nghèo vay bò sinh sản… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Bùi Đình Long cho biết: Cuộc sống đồng bào miền núi còn khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, do vậy, các chính sách dân tộc có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh việc góp phần giúp tỉnh cũng như các huyện 30A và 275 hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, vấn đề quan trọng từ các chính sách hỗ trợ mang lại, đó là tạo sinh kế cho người dân nói chung trong đó có đồng bào DTTS phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tại tỉnh Điện Biên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Từ nguồn lực đầu tư của chương trình, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo, cận nghèo theo Nghị quyết 13 mà Đảng bộ tỉnh đề ra. Theo đó, đầu năm 2016, toàn tỉnh Điện Biên còn 48,14% số hộ nghèo, cận nghèo thì đến cuối năm 2020 giảm còn 30,67%. Riêng các huyện nghèo 30a, gồm: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Ảng có tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đều đạt hơn 5%. Tính riêng Chương trình 135, trong giai đoạn 2014-2019, toàn tỉnh Điện Biên được hỗ trợ hơn 833 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 428 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học. Nhân dân các DTTS trên địa bàn cũng được tham gia các lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, được hỗ trợ gia súc, gia cầm. Giai đoạn 2016 – 2020, từ nguồn vốn Chương trình 30a, Điện Biên đã đầu tư xây dựng 106 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã; cấp điện nông thôn cho năm huyện nghèo nhóm 1; 32 công trình cho hai huyện nghèo nhóm 2 là Mường Chà và Tuần Giáo. Đáng chú ý, để hỗ trợ đồng bào các DTTS có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để sản xuất theo chuỗi hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, nguồn vốn Chương trình 30a đã hỗ trợ 10.347 hộ tiền mua cây, con giống và phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao… Là huyện được đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện Mường Ảng dành gần 1.300 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông, kênh mương nội đồng; hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật giúp hộ nghèo vươn lên. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đều có tỷ lệ giảm nghèo 6% (trung bình mỗi năm); thu nhập bình quân năm 2020 đạt 32,29 triệu đồng/người. Trao đổi về kết quả triển khai các chương trình, dự án, chính sách đồng bào dân tộc thiểu số tại Điện Biên, ông Giàng A Dình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: Nhờ nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa… có bước chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Trong khi đó, sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, diện mạo tỉnh Đắk Nông thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhất là đồng bào DTTS đã có cuộc sống cơ bản ổn định. Trong giai đoạn 2016 – 2020, các chính sách về giảm nghèo của tỉnh đã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể: cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh là 19,20%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS là 40,38%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ là 53,79%. Đến cuối năm 2019, tổng số hộ nghèo chung toàn tỉnh là 10,52%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS là 24,15%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ là 31,60%… Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS ngày càng giảm là niềm vui chung của nhân dân trong tỉnh và là cơ sở để Đắk Nông quyết tâm hơn nữa trong việc nâng cao đời sống vật chất cho người dân.