Cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trước dịp tết Nguyên đán

BVR&MT – Thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa sôi động và đa dạng nhất trong năm. Để hàng hóa, thực phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng trước thủ đoạn tinh vi của các “gian thương”. Cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa xây dựng Kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa dịp cuối năm.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19 người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống để mua sắm hàng hóa thiết yếu như: gạo, dầu ăn, thực phẩm tươi sống…Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị từ trước, cùng với các chính sách điều tiết và bình ổn giá, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhanh chóng được ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hàng, tăng giá bất hợp lý, hàng hóa, lương thực, thực phẩm cung ứng trên thị trường vẫn khá dồi dào.

Phần lớn giá cả hàng hóa ổn định như những ngày chưa bùng phát dịch. Nhưng trước dịp tết nguyên đán cổ truyền, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người trở nên đa dạng, phong phú các chủng loại, lợi dụng tình hình đó các “gian thương” tung vào thị trường các mặt hàng, thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh nhằm trục lợi.

Trước tình hình trên, để nhân dân trong tỉnh đón Tết vui tươi, an toàn, ngày 26/11/2021, Cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch số : 1848/KH – CQLTT “ Cao điểm tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”.

Trong các nội dung thực hiện kế hoạch thì Tập trung kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm được ưu tiên, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩn chế biến từ động vật. Đặc biệt phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm đường phố.

Phối hợp với cơ quan Y tế tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh chất hỗ trợ chế biến, phụ gia thực phẩm, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn; các loại thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng có nhu cầu cao phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, với địa bàn rộng, thủ đoạn tinh vi của “ gian thương” đánh vào tâm lý ham rẻ, hàng ngoại của người tiêu dùng, nhằm nâng cao nhận thức, cảnh giác các thủ đoạn, các mặt hàng kém chất lượng trên thị trường. Cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các kênh thông tin đại chúng như:  Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin kịp thời về diễn biến tình hình thị trường, cung cầu giá cả hàng hóa, kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, một số vụ điển hình về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên đưa tin những vụ việc điển hình, những thủ đoạn, những loại hàng hóa  vi phạm về ATTP trên trang web của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa “thanhhoa.dms.gov.vn”.

Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng Quản lý thị trường đã lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tới các tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thường xuyên những vụ việc điển hình về Thường trực BCĐ 389 tỉnh để báo cáo BCĐ 389 quốc gia; đồng thời, đưa tin trên chuyên mục “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả – bảo vệ người tiêu dùng” của Đài phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa.

Thức Bá