Covid có thể tàn phá khỉ đột?

BVR&MT – Một nghiên cứu mới cảnh báo những cá thể khỉ đột núi ở vườn quốc gia Volcanoes thuộc Rwanda có thể đối mặt với sự sụt giảm dân số trong vòng 50 năm nếu chúng bị nhiễm Covid.

Hiện chỉ còn khoảng 1.000 cá thể khỉ đột núi (Gorilla beringei beringei) trong tự nhiên, tất cả đều nằm trong các khu bảo tồn ở Rwanda, Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo. Mặc dù chúng dễ bị nhiễm Covid-19 vì có chung sinh lý với con người nhưng chưa có ghi nhận nào về đợt bùng phát ở khỉ đột hoang dã.

Khỉ đột núi ở vườn quốc gia Volcanoes, Rwanda. Hình ảnh: youngrobv via Flickr (CC BY-NC 2.0).

Dù vậy những đợt bùng phát giữa những cá thể khỉ đột đất thấp phía tây (Gorilla gorilla gorilla) trong các vườn thú ở Hoa Kỳ và Cộng hòa Séc cho thấy sự lây truyền giữa người và vượn lớn là có thể xảy ra và đáng báo động.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports cảnh báo “điều quan trọng là phải lường trước được tác động tiềm tàng của các dịch bệnh mới nổi như Covid-19 đối với động lực của các quần thể nhỏ các loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng”.

Nghiên cứu do Fernando Colchero từ Khoa Toán học và Khoa học Máy tính của Đại học Nam Đan Mạch đứng đầu thực hiện. Nhóm tác giả đã sử dụng dữ liệu hơn 50 năm về dân số khỉ đột được thu thập từ Trung tâm Nghiên cứu Karisoke ở vườn quốc gia Volcanoes, đồng thời kết hợp dữ liệu đó với các biến số dịch tễ học thu thập được từ các trường hợp nhiễm Covid-19 ở người để dự đoán điều gì có thể xảy ra với khỉ đột ở Karisoke nếu một đợt bùng phát xảy ra.

Nghiên cứu đã tính đến các yếu tố ảnh hưởng đến sự lây lan của Covid-19 do con người gây ra, chẳng hạn như số lượng người lây nhiễm từ người bị nhiễm bệnh, xác suất tử vong sau khi nhiễm bệnh, xác suất phát triển khả năng miễn dịch, và thời gian miễn dịch.

Trong 71% các kịch bản mô phỏng, quần thể khỉ đột giảm mạnh trong vòng 50 năm kể từ khi bùng phát.

Tara Stoinski, Giám đốc điều hành Quỹ Khỉ đột Dian Fossey và đồng tác giả nghiên cứu mới cho biết: “Chúng ta đã biết từ lâu rằng các bệnh về đường hô hấp là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với việc bảo tồn loài vượn. Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, chính phủ Rwanda đã làm việc với vườn quốc gia Volcanoes thực hiện các biện pháp cực đoan để bảo vệ khỉ đột khỏi Covid. Nhưng nghiên cứu này là một ý tưởng giúp chúng ta hiểu thêm về mức độ rủi ro có thể xảy ra”.

Bệnh lây truyền qua người đã ảnh hưởng đến khỉ đột ở vườn quốc gia Volcanoes trước đây. Một đợt bùng phát dịch bệnh đường hô hấp kinh hoàng vào năm 1988, được cho là do bệnh sởi truyền qua người bị bệnh sởi, đã giết chết sáu cá thể khỉ đột và hơn 20 cá thể khác bị ốm. Sự bùng phát được ngăn chặn bằng cách tiêm vắc-xin cho tất cả những con khỉ đột trong nhóm bị nhiễm bệnh – điều này dễ dàng được thực hiện vì sự lây nhiễm chỉ giới hạn trong một nhóm đã được sống hoặc quen tiếp xúc với con người.

Tuy nhiên, theo Martha Robbins, nhà linh trưởng học tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Đức, sẽ không dễ dàng ngăn chặn sự bùng phát Covid-19 bằng cách tiêm vắc-xin cho khỉ đột.

Gia đình khỉ đột ở Vườn quốc gia Rwanda’s Volcanoes. Hình ảnh: Derek Keats via Flickr.

Robbins, người không tham gia vào nghiên cứu, nói rằng chỉ có khoảng 70% trong số 1.060 khỉ đột núi trên thế giới sinh sống với con người nên việc tiêm phòng sẽ cần một nỗ lực rất lớn để tiêm phòng cho các cộng đồng người sống xung quanh môi trường sống của khỉ đột. Điều này sẽ bảo vệ khỉ đột và giúp giảm bớt tác động xã hội – kinh tế mà Covid-19 đã gây ra đối với cộng đồng. “Như với bất kỳ vấn đề bảo tồn nào, một giải pháp cần giải quyết nhu cầu của con người và động vật hoang dã để chúng có thể cùng tồn tại”, bà nhấn mạnh.

Sẽ có tranh luận về việc sử dụng các giá trị dịch tễ học của con người trong nghiên cứu này, đặc biệt là khi khỉ đột vốn có khoảng cách về mặt xã hội, sống trong các nhóm gia đình riêng rẽ và ít tương tác thường xuyên hơn so với con người.

“Mọi người nên nhận ra rằng chúng ta không biết liệu các giá trị của những biến này có giống nhau ở khỉ đột núi hoang dã hay bất kỳ loài vượn lớn hoang dã nào hay không. Ví dụ, khỉ đột hoang dã không bao giờ ở trong không gian kín trong nhà và có kiểu giãn cách xã hội khác với con người. Đặc biệt, sự lây truyền giữa khỉ đột có thể xảy ra nhanh chóng giữa các cá thể sống trong cùng một nhóm xã hội nhưng với tỷ lệ thấp hơn nhiều giữa các nhóm xã hội”, Robbins cho biết thêm.

Stoinski lưu ý rằng sự khác biệt về mặt xã hội giữa các nhóm khỉ đột là điều mà mô hình trong nghiên cứu mới nhất không thể phản ánh chính xác và điều đó có thể có nghĩa là kết quả không tồi tệ như mô phỏng.

“Thực tế thì các gia đình khỉ đột là những đơn vị sống khép kín và việc không tương tác nhiều với các gia đình khác thực sự có lợi cho chúng”, Stoinski hy vọng điều này sẽ phần nào hạn chế sự sụt giảm dân số khỉ đột núi do virus hô hấp nếu điều tồi tệ đó xảy ra.

Linh Vy (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ