Covid-19 và khủng hoảng bảo tồn

BVR&MT – Từ vùng đồng bằng rộng lớn Masai Mara ở Kenya đến các rạn san hô mỏng manh của đảo Aldabra ở Seychelles, công tác bảo tồn một số hệ sinh thái quan trọng nhất thế giới đang đối mặt với khủng hoảng sau sự sụp đổ của du lịch sinh thái vì đại dịch Covid-19.

Đàn sư tử sống ở Kempiana Contractual Park, nằm nghỉ trên đường. (Ảnh: Richard Sowry/Kruger National Park)

Theo các tổ chức phi chính phủ về động vật hoang dã, những tổ chức phụ thuộc vào du khách để có kinh phí cho dự án bảo vệ các loài cực kỳ nguy cấp và sinh cảnh quý hiếm có thể bị buộc phải đóng cửa sau khi gần như toàn thế giới đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại khiến hàng triệu bảng thu nhập từ du lịch đột ngột mất đi.

Trong suốt đại dịch, giới khoa học nhiều lần kêu gọi loài người thiết lập lại mối quan hệ với thiên nhiên nếu không muốn tiếp tục gánh chịu những đợt bùng phát tồi tệ hơn. Nhưng hậu quả kinh tế của lệnh phong tỏa vì Covid-19 dấy lên lo ngại về nạn săn trộm, đánh bắt cá lậu và phá rừng trong khi hàng chục ngàn việc làm trong lĩnh vực du lịch sinh thái trên toàn thế giới có nguy cơ bị mất.

“Ngay bây giờ, trọng tâm toàn cầu là bảo vệ cuộc sống của con người trong đại dịch tàn khốc này. Tuy nhiên, chúng tôi đã chứng kiến tác động kinh tế của đại dịch, đặc biệt ở những khu vực sinh kế cộng đồng phụ thuộc nhiều vào du lịch sinh thái”, Keith Barrett, Giám đốc điều hành khoa học và bảo tồn thuộc WWF UK chia sẻ.

Tại Campuchia, ba cá thể cò quăm lớn cực kỳ nguy cấp đã bị giết lấy thịt vào đầu tháng 4 khi ngành du lịch địa phương suy sụp, theo WCS. Ở Trung Phi, các biện pháp bảo vệ khỉ đột núi trước virus corona khiến doanh thu từ du khách sụt giảm nghiêm trọng. Tháng trước, 12 kiểm lâm bảo vệ vườn quốc gia Virunga ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo – nơi khỉ đột sinh sống đã bị giết.

“Có thể mất nhiều năm những nơi này mới có thể hồi phục hoàn toàn – điều này không chỉ làm tăng nguy cơ người dân phải kiếm sống bằng các cách khác mà còn gây áp lực không bền vững lên tài nguyên thiên nhiên”, Bartlett nói. “Hơn nữa, hiện giờ để giám sát việc chiếm đất và săn trộm bất hợp pháp khó khăn hơn nhiều”.

Kiểm lâm đuổi theo xe máy chở động vật hoang dã bị săn trộm ở Dzanga-Sangha, Bayanga. (Ảnh: Florent ergnes/AFP/Getty Images)

Trong khi nạn săn trộm tê giác, mèo lớn và các loài cực kỳ nguy cấp vẫn tiếp tục trong thời gian phong tỏa, một báo cáo gần đây của Wildlife Justice Commission cho thấy nạn buôn lậu động vật hoang dã đã bị gián đoạn nghiêm trọng do hạn chế đi lại.

Nhưng các nhà bảo tồn lo ngại tình trạng săn bắn bất hợp pháp bùng nổ nếu các tổ chức buộc phải sa thải kiểm lâm bảo vệ động vật hoang dã và dừng các chương trình giám sát. Tê giác đen ở đồng bằng Okavango, Botswana đã được sơ tán sau khi ít nhất sáu cá thể bị những kẻ săn trộm giết chết vào tháng 3.

Giám đốc điều hành Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Kenya Dickson Kaelo cho biết yêu cầu đặt chỗ năm nay cho các hoạt động quan trọng như xem linh dương đầu bò di cư ở Masai Mara đã bị hủy bỏ, khiến các nhân viên bảo tồn ở Kenya gặp nhiều khó khăn.

“Nạn săn trộm voi có thể không leo thang do đi lại quốc tế hiện nay khó khăn và tâm lý tiêu cực đối với các sản phẩm động vật ở Đông Nam Á, nhu cầu về thịt rừng sẽ tăng lên nếu không có ai giám sát hoạt động trong các khu bảo tồn”.

“Săn trộm thú rừng đã tồn tại ở quy mô nhỏ ngay cả trước khi virus corona bùng phát. Với nhiều người Kenya bị mất việc, thịt rừng sẽ hấp dẫn hơn thịt từ người bán được cấp phép. Nếu kiểm lâm không có lương, họ sẽ giám sát hiệu quả các hoạt động của con người trong và ngoài khu bảo tồn bằng cách nào?”

Châu chấu sa mạc phủ kín một thân cây ở Kipsing, Kenya. (Ảnh: Sven Torfinn/AP)

Bảo tồn động vật hoang dã ở Kenya hứng chịu một loạt khó khăn sau nạn châu chấu và virus bùng phát trong đàn vật nuôi ở khu bảo tồn Greater Mara. Kaelo cho biết virus corona sẽ tăng thêm tác động lên việc bảo tồn động vật hoang dã do cộng đồng lĩnh xướng.

“Thành viên các cộng đồng này có thể mất niềm tin vào bảo tồn động vật hoang dã nếu tới đây không có tiền. Ngoài ra, những người sống xung quanh các thiên đường hoang dã vốn trông chờ vào việc bán đồ tạo tác cho khách du lịch tuy có thể kiếm thu nhập từ nghề khác như trồng trọt nhưng họ cũng có thể thổi bùng các cuộc xung đột không hồi kết giữa người và động vật một khi động vật hoang dã xâm lấn và phá hủy trang trại mới của họ”.

Tại Colombia, tổ chức bảo tồn mèo lớn Panthera đã ghi nhận nạn săn trộm tăng đột biến khi hai cá thể báo đốm, một cá thể mèo rừng và một cá thể báo sư tử bị giết trong những tuần gần đây. Tổ chức này đang chật vật chi trả cho các chi phí hoạt động cơ bản khi nguồn đóng góp cạn kiệt hoặc bị trì hoãn.

Tiến sĩ Esteban Payán, Giám đốc chương trình báo đốm trong khu vực lo ngại về nạn chiếm đất bất hợp pháp và đốt rừng có chủ ý khi kiểm lâm bị buộc phải ở nhà.

“Nỗi sợ hãi hậu đại dịch tồi tệ nhất của tôi là một khi ra ngoài, chúng tôi sẽ tìm thấy hàng loạt héc-ta đất canh tác mới được rào chắn mà bạn không biết đất đó của ai hoặc chuyện gì đang xảy ra. Nạn phá rừng xảy ra tràn lan ở Colombia ngay tại Amazon. Điều đó làm tôi lo lắng hơn là săn trộm. Tại sao? Do quy mô, diện tích, tốc độ phá rừng và hỏa hoạn. Tất cả hủy hoại sinh cảnh. Và có sinh cảnh mới có báo đốm”.

Mèo rừng bị những kẻ săn trộm giết ở Colombia. (Ảnh: Handout)

Global Fishing Watch ghi nhận tình trạng đánh bắt cá sụt giảm đáng kể trên khắp thế giới, với số giờ đánh bắt giảm hơn 37% từ ngày 11/3 đến cuối tháng 4 so với hai năm trước. Nhưng sụt giảm trong du lịch sinh thái đã ảnh hưởng đến bảo tồn các hệ sinh thái biển quý giá nhất thế giới.

Tiến sĩ Fanny Douvere, điều phối viên UNESCO về chương trình hải dương cho 50 di sản thế giới bao gồm Rạn san hô Great Barrier, Quần đảo Galápagos và các vịnh hẹp ở Tây Na Uy cảnh báo về hậu quả suy thoái. “Chúng tôi đặc biệt lo lắng về những địa điểm phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ du lịch để có tiền cho một số hoạt động. Ví dụ, tại Seychelles, đảo san hô Aldabra không chắc chắn có thể tiếp tục được giám sát hay không vì việc này hoàn toàn trông vào nguồn doanh thu từ du lịch. Ngay khi nguồn thu du lịch giảm xuống, rất nhiều địa điểm, hoặc ít nhất là một phần của địa điểm đó không thể tiếp tục công tác bảo tồn”.

Thế Anh (Theo Guardian)