COVID-19 tới 6 giờ sáng 22/8: Thế giới trên 23 triệu ca bệnh, 801.546 người tử vong

BVR&MT – Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 221.042 trường hợp mắc COVID-19 và 4.982 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 23 triệu người.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil. Ảnh: THX/TTXVN

 

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 23.071.205 ca, trong đó có 801.546 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 15.674.536 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  61.829 ca và 6.595.123 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 21/8, thế giới có tới 148 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 90 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong tại nhiều nước ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Chú thích ảnh
 Quân đội Brazil phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Minas Gerais, Brazil, ngày 18/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (69.039 ca), Mỹ (45.735 ca) và Brazil (27.233 ca); trong khi đó Mỹ (với 991 ca), Ấn Độ (953 ca), Brazil (935 ca) và Mexico (625 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Chú thích ảnh
  Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Delhi, Ấn Độ, ngày 4/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Tại châu Á, Ấn Độ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 3 triệu bệnh nhân. Trong 24 giờ qua, với 935 ca tử vong mới, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 55.928 ca tử vong.

Sau Ấn Độ, Iran là nước bị ảnh hưởng nhiều thứ hai châu Á với 354.764 ca nhiễm và 20.376 ca tử vong. Tiếp đó là Saudi Arabia với 305.186 ca nhiễm và 3.580 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây của dịch COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 19/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc đã ghi nhận 324 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 16.670. Ngoài ra, có 2 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh xấu đi, chính quyền thủ đô Seoul đã ban hành quy định cấm các cuộc biểu tình trên đường phố có sự tham gia của 10 người trở lên.

Người vi phạm sẽ bị phạt tới 3 triệu won (khoảng hơn 2.500 USD). Chính quyền thành phố cũng sẽ truy tố hình sự đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm Đạo luật Phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo ngày 21/8 đã ghi nhận 258 ca mắc mới tại thành phố này, giảm so với con số 339 ca của ngày hôm trước. Cho đến thời điểm này, tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản đã lên tới hơn 58.500 ca, trong đó có 1.144 trường hợp không qua khỏi.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Trung Quốc đại lục ngày 21/8 ghi nhận thêm 1 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng cộng 22 ca mắc mới đều là những ca “nhập khẩu”, không có thêm ca nghi nhiễm hay tử vong nào.

Giới chức y tế thủ đô Bắc Kinh đã bãi bỏ quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đây là một phần trong kế hoạch nới lỏng các biện pháp chống dịch khi thành phố không ghi nhận ca mắc mới trong 13 ngày liên tiếp.

Chú thích ảnh
 Cảnh vắng vẻ tại một quán cafe ở Sydney, Australia ngày 17/5/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Cùng ngày, bang Victoria, tâm dịch của Australia, đã thông báo thêm 179 ca mới trong 24 giờ qua, thấp nhất trong vòng 5 tuần. Bang này cũng ghi nhận thêm 9 ca tử vong.

Trong bối cảnh tình hình dần cải thiện tại bang tâm dịch và không còn hoặc rất ít ca mắc mới được ghi nhận tại các bang khác, các lãnh đạo doanh nghiệp tại Australia đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại giữa các địa phương để giảm thiểu tác động kinh tế.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại New Zealand đang “nóng” trở lại khi cơ quan y tế thông báo thêm 11 ca nhiễm mới. Thủ tướng nước này Jacinda Ardern thông báo chính phủ sẽ đánh giá tình hình trước khi quyết định về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Chú thích ảnh
 Một điểm lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.132 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 9.680 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các nước khác.

Philippines dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân. Đây chính là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay.

Chú thích ảnh
 Người dân chờ làm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

 

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 9.684 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 141 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 402.519 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 284.644 trường hợp.

Philippines ghi nhận số ca nhiễm cao nhất, với 182.365 ca tại thời điểm này. Tuy nhiên, với 6.500 ca tử vong, Indonesia có số ca tử vong cao nhất khu vực. Philippines ghi nhận 4.786 ca mắc mới trong ngày 21/8, nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh gia tăng là do chủng virus SARS-CoV-2 ở nước này đã biến đổi thành một chủng mới hoạt động mạnh hơn.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một chợ ở Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

 

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia đã xác định một ổ dịch mới tại một nhà hàng tại thủ đô Kuala Lumpur. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) đã gia hạn quy tắc khẩn cấp chống dịch tới ngày 30/9. Đây là lần thứ 5 liên tiếp sắc lệnh này được gia hạn.

Cũng tại Đông Nam Á, Brunei không ghi nhận ca nhiễm mới trong ngày 21/8 và hiện chỉ còn 1 ca đang phải điều trị. Trong khi đó, Singapore đã quyết định tiếp tục nới lỏng hạn chế đi lại thông thường tới Brunei và New Zealand bắt đầu từ ngày 1/9 tới.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng dịch COVID-19 tại Philippines. Ảnh: AFP

 

Trong ngày 21/8, các nhà nghiên cứu Singapore đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhưng gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hơn và kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn ở cơ thể người bệnh.

Biến thể trên, khả năng có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán (Wuhan), thuộc tỉnh Hồ Bắc (Hubei) của Trung Quốc, đã được phát hiện tại một ổ dịch bùng phát ở Singapore từ tháng 1 – 3/2020.

Virus này lây từ người sang người tại một vài ổ dịch ở Singapore trước khi bị “xóa sổ”. Các nhà khoa học cho biết phát hiện có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động bào chế thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
 Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại công viên Sunset ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 13/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Tại châu Mỹ, nước Mỹ vẫn đứng đầu về số ca nhiễm và tử vong, lần lượt là 5.792.007 ca và 179.047 ca. Ngày 21/8, ông Robert Redfield, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận định số ca tử vong do dịch COVID-19 tại nước này sẽ bắt đầu giảm vào tuần tới khi tỷ lệ tử vong trung bình mỗi ngày trong 7 ngày qua luôn ở mức 1.000 ca.

Ông Redfield đưa ra nhận định trên căn cứ số liệu thống kê dịch bệnh thực tế cho thấy mức tăng trung bình số ca nhiễm mới trên toàn nước Mỹ đã giảm trong nhiều tuần.

Tuy nhiên, quan chức CDC này cho rằng cần có thêm thời gian để các biện pháp phòng dịch phát huy hiệu quả trong việc giảm tốc độ lây lan, bao gồm việc tiếp tục khuyến khích sử dụng khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và đóng cửa các cơ sở giải trí – biện pháp được thực hiện ở các bang được đánh giá là “điểm nóng” đại dịch là Arizona và Texas.

Các quan chức y tế đánh giá Mỹ đang bắt đầu kiểm soát được sự bùng phát của đại dịch ở các địa phương phía Nam. Tuy nhiên, tình hình tại khu vực miền Trung chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện.

Chú thích ảnh
 Chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Porto Alegre, Brazil, ngày 13/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Tiếp sau là Brazil với 3.532.330 ca nhiễm và 113.358 ca tử vong. Bộ Y tế Brazil đã ghi nhận thêm 935 ca tử vong và 27.233 ca nhiễm trong 24 giờ qua.

Bang Sao Paulo, miền Đông Nam, đang là điểm nóng dịch bệnh lớn nhất quốc gia Nam Mỹ này với 27.905 ca tử vong. Tiếp sau đó là thành phố Rio de Janeiro, nơi ghi nhận 15.074 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Tại châu Âu, Nga ghi nhận số ca nhiễm cao nhất với 946.976 ca, Tây Ban Nha đứng thứ hai với 404.229 ca, song Anh là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 41.403 ca.

Trong ngày 21/8, Thụy Sĩ đã lần thứ hai trong tuần này ghi nhận số ca nhiễm mới hơn 300 ca. Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ giữa tháng 4. Bộ trưởng Y tế Alain Berset cảnh báo tình trạng người dân lơ là việc tuân thủ các quy định về y tế và giãn cách xã hội sau khi nước này tuyên bố đã kiểm soát được dịch

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Dublin, Ireland, ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong khi đó, Chính phủ Anh cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở quốc đảo này đã vượt mức 1. Tuần trước, tỷ lệ này ở mức từ 0,8 – 1, tuần này đã tăng lên 0,9 – 1,1, tức là trung bình một người nhiễm có thể lây cho 1,1 người khác. Điều này đồng nghĩa với việc mức độ lây lan đang diễn ra rất nhanh.

Từ 0h ngày 22/8, một số địa phương tại Tây Bắc England sẽ phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn làn sóng thứ hai, cụ thể cấm tiếp xúc với người ngoài, cấm đám cưới có trên 20 người tham dự, ngừng dịch vụ vận tải công cộng.

Trong một diễn biến khác, tại Thụy Điển, do số lượng các ca lây nhiễm mới và tử vong giảm nên chính phủ nước này đã thông báo kế hoạch nới lỏng một số quy định từ ngày 1/10 tới, cho phép tăng số lượng người tham gia các sự kiện văn hóa và thể thao, nếu các sự kiện này được tổ chức cùng các biện pháp phòng dịch.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên tình nguyện viên tại Soweto, Nam Phi, ngày 24/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Với gần 600.000 ca nhiễm và hơn 12.600 ca tử vong, Nam Phi hiện là nước bị tác động nhiều nhất của dịch tại khu vực châu Phi. Tiếp theo đó là Ai Cập với 97.025 ca nhiễm và 5.212 ca tử vong. Các nước Nigeria, Maroc, Ghana và Algeria đều đã ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm và hàng trăm ca tử vong trong mùa dịch này.

Ngày 21/8, Hãng hàng không quốc gia Nam Phi (SAA) đã phê chuẩn gói trợ cấp thôi việc tự nguyện cho 3.142 nhân viên trong tổng số gần 5.000 người lao động trong bối cảnh tình trạng tài chính bết bát diễn ra triền miên trong nhiều năm qua và tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đã khiến phần lớn đội bay của SAA không thể cất cánh.

Tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới 8 tháng sau khi bùng phát, có nguy cơ đẩy khoảng 100 triệu người trở lại cảnh nghèo cùng cực. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo số người nghèo đói có thể còn tăng cao hơn nếu đại dịch diễn biến xấu đi hoặc kéo dài.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 13/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

 

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 21/8 cho hay tổ chức này hy vọng rằng cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 có thể chấm dứt trong vòng chưa đến 2 năm tới. Theo ông Tedros, dịch cúm Tây Ban Nha, bùng phát vào năm 1918, cũng đã kết thúc sau 2 năm.

Người đứng đầu WHO nói: “Tình hình của chúng ta hiện nay có nhiều công nghệ hơn, đương nhiên là với nhiều sự kết nối hơn, nên virus (SARS-CoV-2) có cơ hội lây lan một cách thuận lợi hơn… Cùng lúc, chúng ta có công nghệ và hiểu biết để ngăn chặn nó”.

Chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – Tiến sĩ Maria Van Kerkhove ngày 21/8 nhấn mạnh cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về tác động từ những đột biến của virus SARS-CoV-2. Chuyên gia của WHO nói: “Một nhóm chuyên viên đặc biệt đã được thành lập để xác định những sự đột biến… và chúng tôi đang tìm hiểu phương pháp để chúng ta có thể hiểu biết rõ ràng hơn về đột biến và cách hoạt động của chúng”.