Công viên hòa bình Salween – niềm hy vọng bảo tồn của Myanmar

BVR&MT – Hòa bình là điều hiếm có ở Myanmar nhưng ở vùng núi rừng phía đông xa xôi giáp với Thái Lan, người Karen bản địa đã biến vùng chiến sự thành một công viên hòa bình với trung tâm là một trong những con sông cuối cùng chảy tự do trên thế giới: sông Salween.

Công viên Hòa bình Salween được ca ngợi là mô hình bảo tồn không dựa nhiều vào khoa học phương Tây mà tập trung nhiều hơn vào truyền thống văn hóa bản địa về kiếm thức ăn hoang dã, cấm săn bắn và canh tác thân thiện với rừng. Để ghi nhận, Giải thưởng Môi trường Goldman mới được trao cho chủ tịch và người sáng lập công viên Paul Sein Twa – người gọi nơi nàylà “Quyền tự quyết của người bản địa và bảo vệ cộng đồng di sản văn hóa và thiên nhiên”.

Công viên hòa bình được thành lập hơn hai năm trước, là viên ngọc quý trên vương miện của quyền tự quyết về sinh thái. Công viên có diện tích gần gấp đôi VQG Yosemite với quyền kiểm soát rừng phần lớn nằm trong tay các ngôi làng hoạt động theo luật truyền thống.

Phần lớn chiến lược bảo tồn – và nguồn gốc của kế hoạch thành lập công viên hòa bình – là từ Sein Twa và một nhóm các nhà hoạt động đã thành lập Mạng lưới Hành động Xã hội và Môi trường Karen (KESAN) cách đây 19 năm với mục đích bảo vệ cả môi trường và văn hóa người Karen ở Myanmar.

Sein Twa chia sẻ: “Hầu hết chúng tôi đều là những sinh viên trẻ chịu tác động từ cuộc xung đột. Chúng tôi đã chứng kiến đất đai bị tàn phá và vì thế muốn bảo vệ cộng đồng, môi trường và cách sống của chúng tôi. Chúng tôi muốn làm sống lại các phương thức truyền thống về quản lý đất đai và môi trường tự nhiên”.

Ban đầu, điều đó có nghĩa là điều tra hoạt động khai thác gỗ lậu, tạo ra các khu bảo tồn nhỏ trong phần đất do người Karen nắm giữ, và thiết lập rừng cộng đồng cho những người phải di dời do chiến tranh. Một lệnh ngừng bắn vào năm 2012 mang lại không chỉ cơ hội mới cho bảo tồn mà còn cả những mối đe dọa mới. Sein Twa nói: “Lệnh ngừng bắn tạo ra cánh cửa rộng mở cho các nhà đầu tư từ bên ngoài vào chiếm đất. Những người khai thác gỗ, thợ mỏ đào vàng và kỹ sư thủy điện, cả từ Trung Quốc và Thái Lan muốn đến đất của chúng tôi”.

Đó cũng là khi nhóm của Sein Twa hình thành ý tưởng về một công viên hòa bình: “Chúng tôi đã xem xét quy mô bị đe dọa rồi quyết định không thể chỉ bảo vệ những khu vực nhỏ [như khu bảo tồn thiên nhiên hoặc rừng cộng đồng]. Chúng tôi cần phải làm việc ở quy mô cảnh quan để bảo tồn các khu rừng, những ngọn núi và những dòng sông của tổ tiên. Nhưng chúng tôi cũng muốn có một cách tiếp cận bản địa từ dưới lên để bảo tồn dựa trên truyền thống của chúng tôi”.

Vì vậy, thay vì mời chuyên gia nước ngoài đến để tạo ra một vườn quốc gia theo phong cách phương Tây, nhóm của Sein Twa tự tổ chức các cuộc họp tại 348 ngôi làng trên những ngọn đồi có rừng bao phủ ở quận Mutraw – nơi sinh sống của khoảng 70.000 người. Dần dà, họ soạn thảo được điều lệ chi tiết cho một công viên cam kết bảo vệ “sự toàn vẹn về sinh thái và văn hóa của những vùng đất được coi là lãnh địa của tổ tiên”. Khi đưa ra một cuộc trưng cầu dân ý, điều lệ được 75% người dân ủng hộ và được công bố vào tháng 12/2018 với các đại diện cộng đồng chiếm đa số trong ủy ban cai quản công viên được bầu tại một đại hội đồng toàn công viên ở làng Day Bu Noh bốn tháng sau.

Với hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm và tài trợ từ Rainforest Trust (Na Uy), các cộng đồng hiện đã lập được bản đồ cho công viên, phân định quyền sở hữu của cộng đồng và ghi lại đa dạng sinh học của công viên. Công viên Hòa bình Salween bao gồm 27 khu rừng cộng đồng và ba khu bảo tồn động vật hoang dã nhưng phần lớn trong số 1,4 triệu mẫu đất nằm trong 132 quyền sở hữu đất theo luật tục truyền thống sử dụng đất của người Karen kết hợp văn hóa, tâm linh và bảo tồn (được gọi là kaw).

Cộng đồng người Karen vẽ lại ranh giới đất tổ tiên trong công viên. (Ảnh: KESAN)

Hệ thống kaw được củng cố bởi niềm tin duy linh của hầu hết người Karen, phân chia đất đai thành các khu đất thiêng, khu chôn cất, rừng được bảo vệ, khu làm nương rẫy, vườn rừng, vườn cây ăn trái, ruộng lúa nước… Kaw cũng “duy trì những điều cấm kỵ về những thứ như nơi nào và những gì mọi người có thể săn bắn và nơi có thể trồng trọt”, Sein Twa giải thích. “Khoảng 70-80 % công viên hòa bình nằm dưới sự quản lý của kaw cộng đồng”.

Về mặt tâm linh, kaw nằm dưới sự kiểm soát của nhóm giáo sĩ được thế tập gồm những nhà lãnh đạo tinh thần nam giới – những người “giao tiếp với các linh hồn hộ mệnh”, Sein Twa giải thích. Nhưng trên thực tế, những gáo sĩ này làm việc theo các quyết định dân chủ do dân làng đưa ra. “Chúng tôi lãnh đạo theo tập thể. Theo mọi nhẽ, chúng tôi là những người trông coi đất đai. Chúng tôi không sở hữu mà coi sóc đất đai”.

Theo nhà hoạt động xã hội lâu năm ở Đông Nam Á kiêm giám đốc chiến dịch thuộc NGO International Rivers Pai Deetes, hệ thống kaw cũng lâu đời không kém gì tộc người Karen nhưng điều lệ của công viên hòa bình là lần đầu tiên các quy tắc của kaw được hệ thống hóa và viết ra dựa trên cơ sở chống đập NGO. Dù rằng những người lãnh đạo tinh thần là nam giới, phụ nữ thường là trung tâm của việc ra quyết định trong làng cũng như duy trì các truyền thống văn hóa và nghề thủ công bao gồm cả nông nghiệp. “Công viên Hòa bình Salween là một trong những quy trình dân chủ nhất của chính phủ tôi từng thấy. Sự tham gia của công chúng, từ dân làng và nông dân, phụ nữ và thanh niên, thật đáng kinh ngạc. Mọi người đều tham gia, kể cả trẻ em. Họ được dạy về quy trình này trong trường học”.

Theo hệ thống kaw, nông dân thường du canh. Sein Twa cho biết các gia đình được giao đất rừng để phát quang rồi trồng trọt và họ chuyển khoảnh mỗi năm để rừng phục hồi. “Sau 10 năm họ có thể trở lại. Nhưng họ chỉ có thể làm điều này hai lần. Sau đó một gia đình khác tiếp quản”. Hệ thống vừa bảo vệ rừng vừa “ngăn chặn mọi ý tưởng về quyền sở hữu đất của cá nhân”.

Việc du canh trong các khu rừng nhiệt đới thường bị giới bảo tồn bêu xấu là “đốt nương làm rẫy” và bị cho là nguyên nhân chính gây ra phá rừng. Nhưng hiện nay nhiều nhà sinh thái học cho rằng đó có thể là một cách canh tác bền vững trong rừng. Chắc chắn, nhiều thế kỷ trồng trọt của người Karen ở miền đông Myanmar đã bảo vệ thành công một trong những khu vực hoang dã cuối cùng còn sót lại ở Đông Nam Á, nơi có nhiều loài sinh vật với tầm quan trọng toàn cầu.

Một cuộc khảo sát sử dụng bẫy ảnh do KESAN thực hiện năm 2017 đã phát hiện hổ, báo, voi, gấu ngựa và gấu chó, bò tót hoang dã, voọc xám và sói lửa…, tất cả đều nằm trong số 17 loài động vật có vú bị đe dọa sinh sống trong và xung quanh công viên hòa bình. Nhóm tác giả nghiên cứu kết luận rằng “quyền quản lý của người Karen, bao gồm cả những điều cấm kỵ được kế thừa về mặt xã hội nhằm bảo vệ các loài bị đe dọa khỏi bị săn bắn, chịu trách nhiệm trực tiếp cho sự tồn tại của đa dạng sinh học trong khu vực”.

Không chỉ trở thành công cụ quan trọng trong việc cứu một số khu rừng nhiệt đới quan trọng nhất của lục địa Đông Nam Á, công viên hòa bình còn là trung tâm của một cuộc chiến bảo tồn khác để đảm bảo trạng thái không bị xây đập của sông Salween. Con sông này bắt nguồn từ Tây Tạng rồi chảy suốt hơn 2000 km qua Thái Lan và Myanmar trước khi đổ vào Ấn Độ Dương, là sông lớn có dòng chảy tự cuối cùng trong khu vực. Salween đã sống sót khỏi nhiều đề xuất đập dọc theo chiều dài sông.

Một phụ nữ Karen dùng lưới truyền thống bắt cá trong công viên. (Ảnh: KESAN)

Với Myanmar, Deetes cho biết mối đe dọa lớn nhất hiện nay là dự án đập thủy điện Hatgyi trị giá 2,6 tỷ USD do chính phủ Myanmar lên kế hoạch hợp tác với tập đoàn xây dựng quốc doanh khổng lồ Sinohydro của Trung Quốc xây dựng để bán điện cho nước láng giềng Thái Lan. Con đập này được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1998 và việc xây dựng trên một loạt các ghềnh thác ở lãnh thổ Karen dự kiến bắt đầu từ năm 2007. Nhưng việc người Karen lên tiếng phản đối, cùng với áp lực quốc tế bảo vệ sông Salween mà cho đến nay con đập vẫn chưa thể xây dựng và địa điểm xây đập hiện cũng nằm trong công viên hòa bình.

Bất chấp sự bất đồng về quyền tự quyết và quyền đất đai, các nhà bảo tồn người Karen vẫn duy trì mối liên kết không chính thức với những cơ quan phi quân sự trong chính phủ Myanmar và hy vọng vào một kết quả hòa bình. “Chúng tôi không thương lượng với họ”, Sein Twa nói. “Chưa đến lúc thích hợp cho việc đó. Nhưng có các kênh vận động qua quốc hội, chúng tôi cũng gặp giới chức lâm nghiệp tại các hội nghị”.

Những người khác cũng nhìn thấy một con đường tiềm năng dẫn đến hòa bình ở Myanmar. Stephen Grey thuộc tổ chức phi chính phủ International Alert viết trong một báo cáo năm 2019 cho Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh rằng “quản lý lâm nghiệp mang lại cơ hội xây dựng hòa bình” ở nước này. Quản lý lâm nghiệp “tạo cơ hội để công nhận các quyền, thông lệ và trách nhiệm quản lý của các dân tộc thiểu số [bằng cách] thúc đẩy những sáng kiến quản lý tài nguyên thiên nhiên nhỏ hơn, có thể mở rộng và do người Karen lĩnh xướng thay vì các dự án phát triển hoặc bảo tồn quy mô lớn”.

Nhật Anh (Theo 360 Yale Environment)