Công ty Nam Thái mua đất với giá 50triệu đồng/mẫu để đắp đê ở Đông Hưng (Thái Bình)?

BVR&MT – Bạn đọc Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường cho rằng tại đoạn đê thuộc thôn Hậu Trung, xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình, đang có hàng nghìn m3 đất được doanh nghiệp khai thác trái phép để mang đi đắp đê. Được biết, hoạt động này đã từng bị  Hạt Quản lý đê điều Đông Hưng xử phạt nhưng vẫn tồn tại.

Ngang nhiên sử dụng hàng nghìn m3  đất lậu để đắp đê?

Người dân tại thôn Hậu Thượng, khu vực được cho là đang có hoạt động khai thác đất trái phép là đoạn bãi bồi, nằm sát tuyến đê Trà Lý, do hộ ông Nguyễn Văn Phú đấu thầu với xã Hồng Bạch từ nhiều năm trước, thuộc hành lang thoát lũ, đảm bảo an toàn cho đoạn đê đi qua xã Hồng Bạch.

Theo đó, ghi nhận thực tế thì cho thấy, đoạn bãi bồi trên đã và đang bị “xẻ thịt” nghiêm trọng, gây nguy cơ mất an toàn cho đê điều và đang có  nhiều dấu hiệu về hoạt động mua bán tài nguyên trái phép, xâm hại an toàn công trình đê điều, thủy lợi.

Có thể dễ dàng nhận thấy là những lượt xe từ mặt đê vào “ăn” đất của doanh nghiệp thi công tuyến đê hoàn toàn không có che chắn, liên tục hoạt động có dấu hiệu quá khổ, quá tải. Xe chở đất đến điểm đắp đê thường xuyên kéo theo phía sau là vệt bụi mù của đất, phát tán xung quanh, bay xuống khu vực dân sinh.

Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi Trường www.baovemoitruong.org.vn đã có buổi làm việc trực tiếp với Hạt Quản lý đê điều Đông Hưng. Ông Đào Mạnh Hùng – Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Đông Hưng cho hay: Mới đây, ngày 3/11/2021 Hạt có tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính số: 06/BB-VPHC đối với Công ty TNHH Nam Thái (đơn vị thi công tuyến đê nêu trên) về việc đào đất ngoài bãi đê sông Trà Lý và yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên dường như Công ty Nam Thái phớt lờ biên bản này, tiếp tục tiến hành lấy đất để đắp tuyến đê trên.

Đến ngày 12/11/2021 Hạt Quản lý đê điều Đông Hưng tiếp tục ra biên bản số: 07-BB/VPHC xử phạt đối với Công ty TNHH Nam Thái với lỗi hành vi nêu trên.

Chính quyền bất lực hay có sự tiếp tay cho doanh nghiệp?

Phóng viên được với gia đình ông Nguyễn Văn Phú thì được biết: “Công ty TNHH Nam Thái mua đất với giá 50 triệu đồng trên diện tích khoảng một mẫu. Họ đưa máy múc vào lấy đất đi đắp đê và hình thành lên ao để gia đình nuôi trồng thuỷ sản”. Ông Phú này cho biết thêm: “Việc mua bán này UBND xã Hồng Bạch có biết, và ông Chủ tịch xã Hồng Bạch còn động viên ông để tạo điều kiện cho doanh nghiệp” (?)

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch UBND xã Hồng Bạch. Trả lời câu hỏi có hay không việc phía UBND xã làm cầu nối cho doanh nghiệp và người dân mua bán trái phép tài nguyên đất? thì ông Thịnh né tránh câu trả lời và cho rằng “đó là mua bán hoa màu trên đất”.

Khi phóng viên đề nghị được phối hợp tìm hiểu về việc hồ sơ, giấy tờ khi doanh nghiệp lấy đất đi đắp đê liệu có hợp pháp? Ông Thịnh cho hay: “doanh nghiệp có về địa phương đề cập vấn đề này”. Ngoài ra, sau những lấp lửng hoặc né tránh nhiều câu hỏi, ông Chủ tịch UBND xã không cho biết gì thêm.

Theo các quy định của pháp luật, công trình đê điều là công trình sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, vật liệu thi công, xây dựng phải đảm bảo đầu vào có hóa đơn chứng từ đầy đủ, hợp lệ. Nhưng không hiểu vì sao ông Chủ tịch xã Hồng Bạch lại không nắm được điều này? Liệu nghi vấn của dư luận về việc bất chấp pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp mua bán tài nguyên trái phép là có cơ sở?

Vậy, câu hỏi đặt ra là ở đây có lợi ích nhóm không? Và vì sao một công trình của Nhà nước được đầu tư bài bản, mà việc lấy đất lậu để thi công công trình này trong một thời gian dài mà các cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền lại không hề hay biết? Và nếu căn cứ theo hoạt động xử phạt của Hạt Quản lý đê điều huyện Đông Hưng đối với việc khai thác đất của Công ty TNHH Nam Thái, thì đâu là “điểm tựa” để giúp cho đơn vị này có thể sai phạm? Ông Chủ tịch UBND xã Hồng Bạch có thực sự “vô can” trước trách nhiệm quản lý của mình?

Xuân Kiên