Công trình hơn 100 tỷ đồng nằm phơi nắng mưa

BVR&MT – Nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2011, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại cửa sông Diêm Hộ, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) là dự án trọng điểm bảo đảm an toàn cho tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh khi mùa mưa bão đến. Công trình đưa vào sử dụng từ năm 2017, nhưng đến nay không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Thành Đồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy, đồng thời là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện cho biết: Tháng 9/2011, UBND tỉnh Thái Bình có văn bản giao UBND huyện Thái Thụy là chủ đầu tư dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại xã Thái Thượng. Đến ngày 10/5/2012, UBND tỉnh ra Quyết định số 1000/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình. Tháng 12/2017, công trình được UBND tỉnh phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án (giai đoạn 1) với tổng giá trị 107,969 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 80 tỷ đồng).

Mục tiêu xây dựng công trình nhằm phục vụ neo đậu tránh trú bão, bảo đảm an toàn trong thời gian mưa bão cho tàu thuyền trong và ngoài tỉnh; đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần cho tàu cá, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt ven bờ, cải thiện điều kiện sản xuất, góp phần ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Khu neo đậu có thể tiếp nhận 104 tàu cá, công suất tối đa của tàu là 300CV đến tránh trú bão.

Dẫn phóng viên “mục sở thị” công trình hơn trăm tỷ đồng nhưng mấy năm qua bỏ hoang vì hầu như không có tàu thuyền vào neo đậu, ông Bùi Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Thái Thụy (đơn vị được giao quản lý khu neo đậu) thừa nhận dự án không phát huy hiệu quả bởi nhiều lý do. Thứ nhất, điểm bất lợi của khu neo đậu Thái Thượng là có địa hình trống trải, không có rừng cây chắn gió bao quanh, tàu thuyền khi đi vào gặp sóng gió rất nguy hiểm. Theo quy hoạch được phê duyệt, phía bờ đông, tây và nam khu neo đậu có hạng mục trồng dải cây xanh chắn gió với chiều dày từ 15-20m.

Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên thời gian đầu phần trồng cây xanh chưa được phê duyệt cùng dự án. Thứ hai, các hạng mục kỹ thuật trong khu neo đậu được xây dựng không phù hợp với thực tế. Cụ thể, các vị trí neo đậu tàu thuyền không có bờ đứng để phương tiện cập bờ, giằng néo tránh va đập, mà xây dựng bờ nghiêng rất chênh vênh, dễ làm vỡ mũi tàu khi có sóng to, gió lớn. Hiện nay, trong khu neo đậu Thái Thượng không có các dịch vụ hậu cần như sửa chữa tàu thuyền, cung cấp xăng dầu, đá lạnh… nên ngư dân không mặn mà vào bến neo đậu.

Chủ tịch UBND xã Thái Thượng Phạm Đức Thiết nêu những bất cập của khu neo đậu mà cho đến nay chưa khắc phục được: Điểm hạn chế lớn nhất là khu vực cửa sông Diêm Hộ dẫn vào khu neo đậu Thái Thượng là cửa bồi, nhiều năm nay không được khơi thông, nạo vét bảo đảm luồng lạch. Khi có mưa bão, nước dâng tàu thuyền có thể đi vào tránh trú, nhưng khi bão tan, nước rút, các phương tiện không ra được, rất dễ mắc cạn. Thời gian qua đã có phương tiện bị đắm, nên ngư dân không dám đưa phương tiện vào tránh trú. Việc vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương không đem lại kết quả, bởi đối với ngư dân tàu thuyền là khối tài sản lớn, nếu xảy ra sự cố thì không ai chia sẻ và chịu trách nhiệm.

Nhiều ngư dân xã Thụy Hải và thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) cho rằng, việc xây dựng khu neo đậu tại xã Thái Thượng gây bất tiện cho sinh hoạt hằng ngày. Từ trước đến nay, ngư dân vẫn có tập quán neo đậu dọc sông Diêm Hộ, hay khu vực nhánh sông cửa cống Diêm Điền và trong cảng cá Tân Sơn. Các khu vực này tương đối an toàn cho tàu bè, đặc biệt là gần nhà người dân sinh sống, đi lại đường bộ thuận tiện, dịch vụ hậu cần cho tàu cá đã có từ trước, nên ngư dân không muốn rời sang khu neo đậu mới tại xã Thái Thượng.

Ông Nguyễn Thành Đồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy khẳng định: Xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại cửa sông Diêm Hộ, thuộc xã Thái Thượng là đúng mục đích và cấp thiết, bởi từ trước đến nay trên địa bàn chưa có khu neo đậu tập trung, trong mùa mưa bão ngư dân tiện đâu đậu đó một cách tự phát.

Trong quá trình đưa vào vận hành công trình, huyện đã nhận thấy những nhược điểm và bước đầu có giải pháp khắc phục. Gần đây huyện đã trồng hàng cây phi lao dọc hai bờ sông để chắn gió, bảo đảm cho phương tiện ra vào khu neo đậu. Để xử lý lòng sông bị bồi lắng, ngay từ tháng 12/2020, UBND huyện đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh cho phép nạo vét luồng vào khu neo đậu Thái Thượng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nhưng đến nay, việc triển khai nạo vét vẫn “án binh bất động”. Ông Đồng lý giải: “Huyện đã xã hội hóa để nạo vét luồng lạch. Nhưng theo quy định, việc nạo vét phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, khảo sát thiết kế, rồi đánh giá tác động môi trường rất phức tạp và phát sinh kinh phí, tiêu tốn thời gian nên chẳng có tổ chức, cá nhân nào muốn làm”.

Xót xa trước nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, thời gian qua, bà con ngư dân tại thị trấn Diêm Điền cũng như một số xã lân cận đã có phản ánh, kiến nghị lên tỉnh, lên huyện yêu cầu có giải pháp tháo gỡ, xử lý tồn tại để đưa công trình vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay những vướng mắc căn bản tại khu neo đậu vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Được biết, để phát huy hiệu quả của dự án, huyện Thái Thụy sẽ tiếp tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thái Bình đồng hành với địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm khắc phục những hạn chế ở khu neo đậu này.