Công tác bảo tồn hổ đang đẩy động vật săn mồi khác ra rìa

BVR&MT – Các cơ quan chức năng Nepal – môi trường sống chính của loài hổ Bengal – đang vô cùng bận rộn khi những đợt gió mùa dự báo ​​sẽ bắt đầu vào tuần thứ hai của tháng 6. Họ phải đốt cháy những thảm cỏ cao mọc quanh năm và nhổ bớt những cây dại đang mọc lên, giúp loại bỏ cỏ khô, tạo điều kiện cho những mầm cỏ non nhiều dinh dưỡng mọc lên, cung cấp nguồn thức ăn cho các loài động vật ăn cỏ như hươu và linh dương – con mồi của hổ trong tự nhiên – từ đó giúp bảo tồn loài hổ ở Nepal.

“Hổ là loài bảo trợ.[1] Nếu môi trường sống của hổ được quản lý tốt, các động vật và thực vật khác trong tự nhiên cũng sẽ được hưởng lợi. Nguyên tắc này được chúng tôi áp dụng một thời gian dài và dường như đang có hiệu quả.” – Ông Ramesh Kumar Thapa, Cựu quản lý Vườn quốc gia Bardiya tây Nepal chia sẻ.

Các nhà bảo tồn cũng khẳng định, phương pháp quản lý môi trường sống với trọng tâm tập trung vào hổ đã đưa Nepal trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có số lượng hổ tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Phương pháp này bắt chước các tập quán truyền thống của người bản địa, đó là phát nương và đốt các bãi cỏ cao để hạn chế sự phát triển của cây và cho cỏ tươi mọc lên.

Tuy nhiên, những gì tốt cho hổ không phải lúc nào cũng tốt cho tất cả các loài trong hệ sinh thái – đặc biệt là những loài động vật săn mồi khác có chung môi trường sống với hổ.

Vườn quốc gia Bardiya là một trong số nhiều khu bảo tồn ở Nepal nổi tiếng với loài hổ.

Phương pháp bảo tồn này tương đồng với những nỗ lực bảo tồn gấu trúc – một loài biểu trưng[1] và cũng là loài bảo trợ ở Trung Quốc. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy, trong các khu bảo tồn gấu trúc, môi trường sống của các loài khác, chẳng hạn như báo hoa mai, báo tuyết, sói xám và sói lửa đã bị thu hẹp đáng kể từ những năm 1960.

Câu chuyện cũng xảy ra tương tự với trường hợp bảo tồn hổ, khi ưu tiên loài hổ, môi trường sống của báo hoa mai, chó sói, sói lửa, cũng như gấu lợn, mèo cá, linh cẩu và chó rừng lông vàng sẽ bị thu hẹp.

“Khi chúng ta tập trung vào bảo tồn hổ, các loài khác đã không được quan tâm đúng mức,” Ông Maheshwor Dhakal, cựu quản lý Công viên Quốc gia Chitwan, hiện là thành viên ban thư ký của Chủ tịch Hội đồng Phát triển Bảo tồn Chure-Terai Madesh, cho biết. “Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy việc phát triển các đồng cỏ để bảo tồn hổ có thể không tốt cho tất cả các loài động vật trong hệ sinh thái, đặc biệt là những loài săn mồi giống như hổ. Ví dụ, báo là động vật săn mồi tương tự như loài hổ. Chúng cũng đang phải đối mặt với tình trạng mất môi trường sống và các áp lực khác do con người gây ra, nhưng phương pháp quản lý đồng cỏ lại không giải quyết được vấn đề của loài báo.”

 

Việc mở rộng môi trường sống của hổ đã đẩy báo hoa mai ra ngoài rìa các khu bảo tồn, tăng nguy cơ chạm trán của loài này với người dân địa phương.

Gấu lợn sống ở vùng bãi bồi Vòng cung Terai trải dài khắp Nepal và Ấn Độ cũng đang đối mặt với tình huống tương tự. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, việc quản lý môi trường sống lấy hổ làm trung tâm trong các khu bảo tồn có thể gây nhiều trở ngại cho công tác bảo tồn các loài gấu lợn dễ bị tổn thương.

“Gấu lợn có những yêu cầu riêng về thức ăn và môi trường sống. Chúng chủ yếu ăn mồi ở trên cây ăn quả.” Vì lý do này, gấu lợn rất khó thích nghi với những thay đổi trong môi trường sống của chúng. “Tập trung phát triển đồng cỏ và môi trường phù hợp với hổ đồng nghĩa với việc thu hẹp nguồn thức ăn cho gấu lợn.”  – Ông Babu Ram Lamichhane, đồng tác giả nghiên cứu nhận định.

Ông Rama Mishra, nghiên cứu sinh tại Đại học Antwerp, đồng sáng lập Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã Nepal cho rằng, khi tất cả nguồn lực bảo tồn đều được tập trung cho loài hổ, các loài động vật họ mèo nhỏ hơn như mèo cá sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Mèo cá cũng có nguy cơ tuyệt chủng nhưng lại cần một môi trường sống khác với hổ.

Báo cáo năm 2018 của Cơ quan Bảo tồn Hổ Quốc gia Ấn Độ và Viện Động vật hoang dã Ấn Độ cũng chỉ ra rằng, môi trường sống của các loài như gấu lợn, linh cẩu, sói lửa, chó sói và chó rừng cũng đang bị thu hẹp. Các chính sách bảo tồn lấy hổ làm trung tâm không cứu được chúng.

Lamichhane tin rằng một số loài như cầy mực và các loài động vật khác chưa được ghi nhận có thể đang ở sống trong các khu bảo tồn của Terai Arc. Như vậy, phương pháp bảo tồn tập trung vào hổ có thể sẽ không thích hợp với yêu cầu bảo tồn các loài này.

Một số nhà bảo tồn và nhà nghiên cứu cho rằng điều kiện tốt cho hổ không phải lúc nào cũng tốt cho các loài động vật khác, chẳng hạn như gấu lười.

Phương pháp hiện tại vẫn chưa tối ưu với loài hổ

Nhiều chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đang tập trung quản lý môi trường sống của hổ. Thế nhưng nghiên cứu này cho thấy các chính sách hiện tại thậm chí có thể không mang lại lợi ích tối ưu cho chúng.

Ông Shyam Kumar Thapa, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Nepal, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng phương pháp đốt đồng cỏ để quản lý môi trường sống cho hổ có thể không mang lại hiệu quả mong muốn.”

Thapa và các đồng nghiệp đã thử nghiệm với các đám cháy ở Vườn Quốc gia Bardiya và nhận ra rằng, sau khi cánh đồng bị đốt cháy, các loài hươu và động vật ăn cỏ khác ăn cỏ vào những thời điểm khác nhau. Một số con ăn ngay lập tức, trong khi những con khác đợi đến mấy tuần sau để cỏ mọc trở lại rồi mới ăn.

Nghiên cứu nhận thấy: “Các đám cháy đơn lẻ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của quần thể hươu ở các đồng cỏ này. Có thể là vì các loài ăn cỏ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau do sự khác biệt về kích thước cơ thể và nhu cầu sinh lý của chúng.”

Nghiên cứu nhấn mạnh, cần phải xây dựng nên một bức tranh với nhiều môi trường sống khác nhau, để phục vụ cho thói quen gặm cỏ của các loài động vật ăn cỏ và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho chúng. Bức tranh này sẽ kết hợp các đồng cỏ ở các giai đoạn phát triển khác nhau, các khu vực có cây cối và nước, và các môi trường sống khác cho các loài động vật chuyên biệt. Điều này cung cấp cho hổ nhiều con mồi hơn. Thapa tin rằng, “một môi trường sống kết hợp như vậy cũng sẽ thích hợp hơn cho các loài khác.”

Giải pháp bảo tồn thay thế cho phương pháp lấy hổ làm trung tâm cần phải bao gồm việc ra quyết định dựa trên dữ liệu về việc quản lý các môi trường sống trong các khu bảo tồn.

“Chúng ta cần dữ liệu về nhu cầu dinh dưỡng của từng loài và cần biết làm thế nào để các loài khác cũng đáp ứng được những yêu cầu này. Khi đã có dữ liệu, chúng ta có thể xây dựng các cách tiếp cận sao cho phù hợp nhất.” – Dhakal nói.

[1] Loài bảo trợ (Umbrella species) là những loài được chọn làm đại diện cho hệ sinh thái của chúng và là trung tâm của các nỗ lực bảo tồn. Bởi vì bảo vệ các loài này có thể trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến việc bảo tồn các loài khác trong hệ sinh thái của chúng.

[2] Loài biểu trưng (Flagship species) là những loài đang trên bờ vực tuyệt chủng, và do đó trở thành “đại sứ hình ảnh”, thu hút sự chú ý của công chúng đến công tác bảo tồn động vật hoang dã.

 

Trúc Mai (Theo Mongabay)