BVR&MT – Chiều 08/8/2022, Báo Đại biểu Nhân dân đã Tổ chức Tọa đàm “Công nghệ xử lý rác – Lựa chọn nào phù hợp”. Buổi tọa đàm nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, cử tri xung quanh vấn đề này; tạo điều kiện cho các tỉnh, thành, doanh nghiệp tiếp cận và quyết định lựa chọn công nghệ phù hợp để xử lý vấn đề bức xúc hiện nay; góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Thực trạng xử lý rác thải ở Việt Nam
Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Tính cuối năm 2021, trung bình mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải sinh hoạt được thải ra môi trường. Con số này ngày càng phình to và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ ở môi trường mà còn là sức khỏe của người dân. Rác thải sinh hoạt gia tăng có thể trở thành vấn đề “khủng hoảng” môi trường, môi sinh và đang là vấn đề gây đau đầu các nhà quản lý, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
Dưới góc độ nhà đầu tư, Ông Võ Tiến Dũng, Phó TGĐ Công ty CP Halcom Việt Nam đánh giá: “Ở Việt Nam, hiện cũng có nhiều dự án nhen nhóm về phát triển công nghệ xử lý rác. Tuy nhiên, mới có 2 nhà máy chính thức đi vào hoạt động, một nhà máy ở Hà Nội, một nhà máy ở Cần Thơ. Họ cũng mới đi vào hoạt động được nửa năm nên khó đánh giá công nghệ đó có bảo đảm, phù hợp hay không, nhất là với rác ở Việt Nam không được phân loại, không có điều kiện độ ẩm giống như ở các nước khác”.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho rằng về từng công nghệ đều có ưu nhược điểm riêng. Điều quan trọng nhất là chúng ta lựa chọn được công nghệ phù hợp. Ông Hiền mong rằng đến 11.1.2025 việc phân loại rác tại nguồn được áp dụng trên phạm vi toàn quốc sẽ giảm được áp lực về vấn đề xử lý rác thải. “Chúng ta cần có lộ trình dài hơi cho các địa phương chuẩn bị các hạ tầng kỹ thuật liên quan đến thiết kế các điểm thu gom, lưu giữ, vận chuyển và trang bị các phương tiện như 3 loại thùng đựng chất thải theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường”.
Mặc dù, vấn đề về rác tại nước ta đến thời điểm này đã đến ngưỡng báo động đỏ. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta vẫn đang rất lúng túng về công nghệ xử lý, về chính sách và về giá thành.
Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc khẳng định: Theo tôi, đầu tiên, Bộ TN&MT cần phải tìm hiểu, nghiên cứu chính sách rõ ràng. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ, việc phân loại rác tại nguồn là việc cốt yếu và căn bản để xử lý rác thải. Chúng ta không thể đổ lỗi cho thói quen hay do chưa có hạ tầng phù hợp mà chậm lại việc phân loại rác tại nguồn. Việc này cần phải được triển khai sớm nhất có thể. Nếu rác thải không được phân loại thì sẽ không thể trở thành tài nguyên. Vì vậy, chúng ta phải cương quyết giải quyết vấn đề này ở cả việc xây dựng chính sách hay vận động, tuyên truyền cho người dân.
Đi tìm một công nghệ nào để làm sạch lượng rác thải của chúng ta ngay lúc này thì cực kỳ khó khăn. Nhưng công nghệ hay chính sách phù hợp thì có thể trong thời gian ngắn giải quyết được vấn đề rác tồn đọng. Còn về tương lai lâu dài chúng ta vẫn bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn.
Công nghệ có phải “điểm nghẽn” trong xử lý rác không?
Ông Võ Tiến Dũng, Phó TGĐ Công ty CP Halcom Việt Nam cho biết: “Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có nhiều công nghệ phù hợp xử lý rác. Nhưng khó khăn nhất ở đây là cơ chế và giá thành. Ở các nước châu Âu, mất khoảng 45 – 60 USD để xử lý 1 tấn rác. Ở Việt Nam hiện nay, khoảng 390 – 450 nghìn đồng (tương đương 17 – 20 USD)/ 1 tấn rác. Nước ta phải nhập khẩu công nghệ với giá đắt hơn về logistic vì phải vận tải về Việt Nam, nhưng lại xử lý rác với giá thấp hơn. Do đó, vướng mắc ở đây không phải vấn đề công nghệ mà vấn đề là chúng ta lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, môi trường từng địa phương. Trong đó, vấn đề đặc biệt được quan tâm là lượng tài chính chi trả cho công nghệ, khả năng triển khai ứng dụng có khả quan, hiệu quả không”.
Kết luận buổi tọa đàm, Chủ tịch Việt Nam của Hội đồng kinh doanh ASEAN – Ấn Độ Indronil Sengupta nhận định: Hiện tại ở Việt Nam mới có bước đầu tiên công nghệ xử lý rác. Chính vì vậy, chúng ta cần có những hoạt động đầu tư công nghệ xử lý rác hợp lý. Tôi cho rằng, Việt Nam nên lựa chọn công nghệ đơn giản, điều này sẽ giúp giảm thiểu thời gian thích ứng nghiên cứu và sử dụng công nghệ. Việt Nam hiện đang gặp vướng mắc đó là chưa có việc phân thải rác tại nguồn. Điều này có nguyên nhân từ việc chưa truyền thông để thay đổi nhận thức từ người dân. Chúng ta cần có những hành động cụ thể để thay đổi nhận thức người dân trong việc phân loại rác thải từ nguồn, sau đó đầu tư thay đổi cơ sở hạ tầng xử lý rác.
Thực hiện: Quỳnh Anh – Đình Trà