Công nghệ không phải yếu tố quan trọng nhất của đô thị thông minh

BVR&MT – Để phát triển đô thị thông minh cần tích hợp nhiều vấn đề như hành lang pháp lý, nguồn lực về tài chính, con người và đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân.

Chiều ngày 15/4, Tọa đàm “Đô thị thông minh – Từ chính sách đến thực thi” đã diễn với với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp.

Tọa đàm bàn về cơ hội, thách thức của các thành phố tại Việt Nam trong việc triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950); cũng như khuyến nghị chính sách để mô hình này phát huy hiệu quả trong nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực và tận dụng cơ hội chuyển đổi số, kinh tế số.

Không có mẫu hình chung cho đô thị thông minh

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng khẳng định phát triển đô thị thông minh là một trong những xu hướng tất yếu tuy nhiên thực tế vẫn chưa có một khái niệm hay mẫu hình chung cho việc xây dựng đô thị thông minh.

“Đô thị thông minh chúng ta nghe nhiều, thế giới cũng nói nhiều, nhưng đây vẫn là vấn đề mới của cả thế giới và Việt Nam. Chúng tôi đã học tập kinh nghiệm về đô thị thông minh của các nước, mỗi nước có cách tiếp cận đô thị thông minh khác nhau.

Như Tokyo, New York, London, các thành phố đô thị thông minh của thế giới, đã qua quá trình đô thị hóa, đang ở quá trình tái thiết đô thị, chỉnh trang đô thị, tiềm lực kinh tế, trình độ hạ tầng của họ đã khác. Đó là vì sao chúng tôi đặt ra phát triển đô thị thông minh nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam”, ông Trung cho biết.

Ông Lê Hoàng Trung cũng cho biết, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan, đô thị ở Việt Nam được phân định thành nhiều loại: đô thị là thành phố trực thuộc trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn. Do đó việc phát triển đô thị hay phát triển đô thị thông minh phải tùy vào từng đô thị, từng cấp độ với nhu cầu, đặc điểm phát triển của từng địa phương mà có định hướng khác nhau.

Cách thức tiếp cận của các địa phương có thể không phải theo một mẫu hình chung mà tiếp cận theo điều kiện, trình độ phát triển của họ, có thể địa phương khó khăn phát triển bằng sáng kiến chứ không phải đầu tư về công nghệ. Công nghệ là một trong những công cụ giải quyết vấn đề, nhưng cuối cùng tất cả phải xoay quanh con người thông minh, xã hội thông minh, công nghệ hỗ trợ để giải quyết vấn đề đô thị.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng Lê Hoàng Trung chia sẻ tại tọa đàm.

Đánh giá về tiến trình xây dựng đô thị thông minh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho rằng cơ bản trên thế giới không có đô thị nào thông minh toàn diện, mà chỉ có đô thị thông minh từng phần, từng đô thị chọn thách thức, giải pháp của họ, làm sao phát triển tiềm năng lợi thế.

“Các thành phố già cỗi như London, Tokyo muốn tái thiết đô thị thông minh nhằm đối mặt với dân số già, biến đổi khí hậu… Hay như Ấn Độ đặt ra mục tiêu 100 thành phố thông minh, có thành phố chỉ giải quyết 1 vấn đề, có thành phố giải quyết về rác thải, có thành phố xử lý không khí ô nhiễm… Vì vậy chúng ta không thể đặt mục tiêu đô thị thông minh theo hướng tổng hòa tất cả”, ông Trung chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Trung cũng khẳng định đô thị thông minh cũng có tính hai mặt tuy nhiên thực tế là mặt trái chưa được nhìn nhận một cách đúng mức. “Chúng ta đầu tư về công nghệ nhưng công nghệ có thể thay đổi, có thể mất nhiều kinh phí nếu lựa chọn sai công nghệ. Thứ hai, xây dựng đô thị thông minh cũng có nghĩa là phải xây dựng kho dữ liệu mà dữ liệu liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật. Nếu thu thập dữ liệu đầy đủ nhưng không có cơ chế, biện pháp kiểm soát, để thất thoát lộ lọt cực kỳ nguy hiểm khi phát triển đô thị thông minh…”

Chia sẻ về thực trạng phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, ông Trung cho rằng đô thị thông minh là vấn đề mới và dù đã có chủ trương định hướng nhưng chưa có văn bản pháp luật, công cụ thể chế để quy định, hỗ trợ thúc đẩy các địa phương, nhà đầu tư phát triển đô thị thông minh.

“Qua theo dõi của chúng tôi, nhiều đô thị của chúng ta đang chạy theo phong trào, các tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ lập đề án xong, nhưng không biết nguồn lực nào để phát triển, đề án có thể vẽ nhiều bức tranh, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Với đô thị Việt Nam, chúng ta sẽ lựa chọn vấn đề ưu tiên, ví dụ Phú Quốc chọn du lịch thông minh, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế cũng làm tốt…

Khó khăn nữa là dữ liệu, nếu đô thị thông minh không có dữ liệu đầu vào để phân tích thì sẽ không có đô thị thông minh. Tuy nhiên, dữ liệu chúng ta thống kê theo hệ thống, theo chu kỳ, báo cáo, bị chậm so với quá trình hoạch định chính sách, thực hiện hỗ trợ ra quyết định… Chúng ta đang bắt đầu triển khai chuyển đổi số để xây dựng dữ liệu, nhưng hiện tại cách thức làm giàu kho dữ liệu đang thiếu hụt”, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho biết.

Giải pháp mới là yếu tố quan trọng nhất

Cũng chia sẻ tại sựu kiện, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cách tiếp cận chung về đô thị thông minh đó là khả năng giải quyết các vấn đề về kinh tế, văn hóa, giáo dục, môi trường, giao thông… một cách tốt nhất, phù hợp nhất, mang lại cuộc sống tốt nhất cho người dân, mọi nhu cầu, dịch vụ được tiếp cận dễ dàng. Do đó, đô thị thông minh không có điểm đến, không có mô hình chuẩn áp dụng cho tất cả các thành phố bởi nhu cầu của mỗi địa phương là khác nhau và vấn đề thì luôn luôn phát sinh.

Bàn về yếu tố cốt lõi của đô thị thông minh, ông Hiếu đặt vấn đề: “Phải chăng thành phố thông minh, đô thị thông minh là áp dụng công nghệ, dựa trên nền tảng công nghệ? Tôi cho rằng, công nghệ là không thể thiếu nhưng trong bối cảnh ngày nay, nhưng giải pháp mới là quan trọng nhất chứ không phải là hạ tầng hay công nghệ. Bởi chính yếu tố giải pháp mới giúp giải quyết vấn đề và quyết định tính thông minh của đô thị, chỉ khi có biết giải pháp thì mới biết hạ tầng để làm gì, công nghệ để làm gì.

Do đó thậm chí thực tế có nhiều đô thi thông minh được thiết lập ngay cả khi chưa có yếu tố công nghệ hay hạ tầng mới”, ông Hiếu khẳng định.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Hiếu chia sẻ tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Minh Đức, Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội, Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho rằng bàn về đô thị thông minh, cần đặt vấn đề ở hai cái góc độ.

“Thứ nhất là góc độ quản trị xã hội, là công cụ công nghệ thông tin để vận hành chính quyền đô thị. Thứ hai là ở góc độ xã hội dân sinh, thì chính công cụ thông minh sẽ tạo ra một đô thị thông minh, trong đó có những công dân thông minh.

Giữa hai công cụ: quản trị xã hội và dành cho người dân – doanh nghiệp, chúng ta phải đi bằng cả hai chân, thiên lệch về một bên nào đó đều không ổn”, ông Đức chia sẻ.

Bên cạnh đó, để tiến tới một đô thị thông minh, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng cần tích hợp rất nhiều vấn đề như hạ tầng về mặt pháp lý, nguồn lực về cả mặt tài chính lẫn con người và đặc biệt là sự hưởng ứng và ủng hộ của người dân.

“Câu chuyện đô thị thông minh là một con đường dài, vì vậy không thể đợi phải hoàn thiện thể chế, đợi đầy đủ nguồn lực tài chính, con người, rồi ý thức của công dân thông minh hơn mới triển khai xây dựng mà chúng ta phải “vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa thực hiện vừa hoàn thiện. Tôi tin rằng với một xã hội trẻ và năng động như ở Việt Nam thì triển khai mô hình đô thị thông minh là rất tiềm năng”, ông Đức khẳng định.

Phải để đô thị thông minh thành hiện thực xã hội

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn chia sẻ: “Chúng ta cần nhìn nhận việc phát triển đô thị thông minh là một phong trào hay là một hiện thực của xã hội là một câu hỏi mà doanh nghiệp và nhất là nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như tôi luôn trăn trở”

Cho rằng việc xây dựng một đô thị thông minh không phải chuyện một sớm một chiều và để người dân có một cuộc sống tốt hơn, ông Bắc cho rằng “chúng ta buộc phải bắt đầu làm từ bây giờ, từ cụm dân cư cho đến các khu đô thị mới, chúng ta buộc phải xây dựng tốt cơ sở hạ tầng rồi mới tính tới phát triển đô thị thông minh.

Ông Bắc cũng đặt câu hỏi: “nếu chúng ta chỉ xây dựng chính sách vĩ mô mãi, vậy thì khi nào chúng ta mới thực hiện?”. Do đó ông Bắc đề nghị Bộ Xây dựng cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoạch định ra những tiêu điểm để hình thành đô thị mới, đô thị thông minh. Và khi ban hành thì chính sách đó có thể đưa vào cụ thể để doanh nghiệp có thể áp dụng được ngay.