Cảnh quan được hiểu là các khu vực địa lý đa chức năng, nơi các bên liên quan và lợi ích của họ được kết nối thông qua các mối quan hệ về cả khía cạnh sinh thái, kinh tế và xã hội, ví dụ như các tài nguyên thiên nhiên trong cảnh quan và các nhóm phụ thuộc. Trong những cảnh quan này, lợi ích của các bên liên quan không phải lúc nào cũng bổ trợ cho nhau mà còn luôn ẩn chứa những mâu thuẫn và xung đột. Quản trị cảnh quan, do đó, thể hiện ở việc cân bằng được lợi ích của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định cũng như xác lập được các nguyên tắc cốt lõi trong quản lý bền vững tài nguyên trong phạm vi cảnh quan.
Để đạt được phát triển cảnh quan bền vững, điều quan trọng là cần hiểu được một cách thấu đáo các quá trình quản trị đang được tổ chức, thực hiện như thế nào và quá trình này sẽ ảnh hưởng tới các quyết định cũng như hành vi của các bên liên quan ra sao.
Trong những năm gần đây, khá nhiều các tổ chức đã dành sự quan tâm và phát triển các sáng kiến quản trị cảnh quan tổng hợp. Những sáng kiến này thường hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản trị thông qua tìm hiểu và cải thiện các nguyên tắc vận hành và quá trình ra quyết định; đồng thời xác định các điều kiện, yếu tố ảnh hưởng tới những thay đổi về tình trạng cảnh quan để từ đó xây dựng các kế hoạch giám sát, đánh giá và chia sẻ học hỏi. Hướng đến mục tiêu này, Tổ chức Tropenbos Quốc tế (Tropenbos International) và Nhóm các Đối tác Nông nghiệp Sinh thái (EcoAgriculture Partners) mới đây đã phát triển một phương pháp: Đánh giá quản trị cảnh quan: Cách tiếp cận có sự tham gia (Assessing Landscape Governance: A Participatory Approach).
Đây là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho việc phân tích quản trị cảnh quan có sự tham gia. Áp dụng phương pháp này ở những thời điểm khác nhau, từ xác định bối cảnh cơ sở cho đến khi kết thúc hoạt động can thiệp, hoàn toàn có thể giúp xác định được các thay đổi trong quản trị cảnh quan. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp thúc đẩy đối thoại và đàm phán giữa các bên liên quan về các vấn đề quản trị cảnh quan, từ đó xác định được một chiến lược toàn diện cải thiện hiệu quả quản trị.
“Các sáng kiến về cảnh quan hiện nay đã dành rất nhiều thời gian và nguồn lực để tập trung cải thiện các quy trình quản trị cho cảnh quan, nhưng thường chúng lại chưa đánh giá được liệu những thay đổi này có tạo ra kết quả họ muốn hay không “, Louise Buck, Giám đốc Chương trình Cải thiện Cảnh quan của Nhóm các Đói tác Nông nghiệp Sinh Thái (EcoAgriculture Partners) cho biết. “Với công cụ này, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thay đổi điều này, từ đó, nâng cao tác động và tính bền vững các sáng kiến cảnh quan trên khắp thế giới.”
“Một câu hỏi rất đơn giản – ai có quyền ra quyết định, như thế nào và làm sao tham gia được vào quá trình bày – đã dẫn tới rất nhiều các cuộc thảo luận giữa các bên liên quan”, Roderick Zagt, Điều phối viên Chương trình của Tropenbos Quốc tế nói, “Trong 13 cuộc hội thảo được tổ chức trong quá trình xây dựng phương pháp này, chúng tôi phát hiện ra rằng, hoạt động thảo luận, đối thoại và đàm phán là công cụ hữu hiệu giúp đạt được đồng thuận trong việc tìm kiếm gải pháp giải quyết các vấn đề trong quản trị cảnh quan”.
Ấn phẩm này là sản phẩm trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Liên minh Sinh kế Xanh (Green Livelihood Alliance) – do Miliendefensie (Friends of the Earth Netherlands), IUCN Hà Lan và Tropenbos International thực hiện. Chương trình là một trong những sáng kiến nhằm mục tiêu tăng cường sự tham gia và năng lực nghiên cứu, vận động chính sách phát triển và môi trường bền vững tại 9 quốc gia với những điều kiện cảnh quan rừng khác biệt.
Tại Việt Nam, Chương trình Liên minh Sinh kế Xanh chính thức được giới thiệu vào tháng 5/2016, với sự tham gia của 3 tổ chức là Tropenbos Việt Nam, Trung tâm Thiên nhiên Việt (VietNature) và Trung tâm Con người và Thiên Nhiên (PanNature). Các hoạt động của Chương trình Việt Nam sẽ tập trung tại khu vực lưu vực sông Srêpok và các khu vực cảnh quan rừng khu vực Tây Nguyên, Việt Nam. |