Con người là nhân tố quyết định phạm vi voi sinh sống

BVR&MT – Trong một hệ sinh thái không bị xáo trộn, voi di chuyển khắp cảnh quan để đáp ứng sự sẵn có của thức ăn, nước uống cũng như môi trường sống hoặc sự cạnh tranh. Tuy nhiên, nghiên cứu do Tổ chức Save the Elephants mới công bố trên tạp chí Current Biology khẳng định hoạt động của con người và ranh giới khu bảo tồn mới là yếu tố quyết định chính phạm vi sinh sống của voi.

Nghiên cứu so sánh dữ liệu theo dõi 229 cá thể voi tại 19 địa điểm trên khắp châu Phi từ năm 1998 đến năm 2013 với các biến số như kiểu thảm thực vật, độ che phủ của cây, nguồn nước sẵn có và ảnh hưởng của con người. Riêng phạm vi sinh sống hàng năm của các cá thể voi này thì được xem xét bởi hai biến số: dấu chân của con người và sự chồng lấn với một khu vực được bảo vệ.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhiều biến số mà chúng tôi vốn cho rằng ảnh hưởng đến sự di chuyển của voi, chẳng hạn như độ dốc hoặc thảm thực vật… lại không đóng vai trò quan trọng trong các khung thời gian dài hơn”, Jake Wall, Giám đốc nghiên cứu Mara Elephant Project và là tác giả chính bài báo cho biết.

Những con voi khát nước tiến đến hố nước Gemsbokvlakte ở Vườn quốc gia Etosha, Namibia. Voi có khả năng thích nghi cao và có thể tồn tại trong nhiều môi trường sống khác nhau (Ảnh: Roy Terlien)

Trong các khung thời gian ngắn hơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy các yếu tố môi trường vẫn quyết định cách thức và lý do voi di chuyển trong phạm vi của chúng nhưng yếu tố con người mới quyết định cuối cùng tới quy mô/phạm vi mà chúng di chuyển.

Đồng tác giả Iain Douglas Hamilton, người sáng lập Tổ chức Save the Elephants, cùng cộng sự tại Đại học Oxford cho biết: “Các yếu tố do con người gây ra buộc voi phải lựa chọn sự an toàn, thường là ưu tiên nơi có thức ăn và nước uống lý tưởng.

Tháng 3/2021, lần đầu tiên IUCN công bố các đánh giá bảo tồn riêng biệt đối với hai loài voi châu Phi là voi rừng (Loxodonta cyclotis) và voi đồng cỏ (Loxodonta africana) sau khi bằng chứng di truyền mới nhất khẳng định chúng là các loài riêng biệt, khác với trước đây khi cả hai phân loài đều được gọi chung là “voi châu Phi”. Trong khi voi rừng bị xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp sau khi quần thể giảm 86% trong 30 năm qua thì voi đồng cỏ nằm trong nhóm có nguy cơ tuyệt chủng do số lượng giảm ít nhất 60% trong 50 năm qua.

Sau những nỗ lực không ngừng của các nhà bảo tồn và chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng săn trộm, hiện đã có một tia hy vọng cho các loài voi châu Phi với một số quần thể ổn định hoặc đang tăng lên. Tuy nhiên, phát hiện của nghiên cứu này làm nổi bật một vấn đề khác đối với các quần thể đang phục hồi.

Ben Okita-Ouma, đồng chủ tịch nhóm chuyên gia voi IUCN kiêm trưởng nhóm giám sát Tổ chức Save the Elephants, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Những gì chúng tôi đã giả định là đất đai và môi trường sống có thể còn nguyên vẹn, sẵn có và khi động vật thoát khỏi nạn săn trộm, chúng sẽ tìm thấy không gian để sống”.

Dựa trên dữ liệu theo dõi, nhóm nghiên cứu ước tính gần 2/3 lục địa đen vẫn mang đến môi trường sống thích hợp cho loài voi, tuy nhiên, voi hiện chỉ sinh sống trong 17% môi trường sống thích hợp trên khắp châu Phi, và hơn một nửa trong số đó nằm ngoài các khu bảo tồn. Với dân số của lục địa này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, các nhà bảo tồn lo ngại khó có thể đảm bảo môi trường sống vừa phù hợp vừa sẵn có cho voi.

“Ở nhiều nơi, voi sống xa các khu vực được bảo vệ – điều này cho thấy chúng cần nhiều không gian hơn so với phạm vi hiện đang được bảo vệ đối với động vật hoang dã”, Wall nhấn mạnh. Điều đáng lo là khi việc mở rộng quần thể voi trùng với việc mở rộng phạm vi sinh sống của người dân bên ngoài các khu bảo tồn thì thường sẽ xảy ra xung đột giữa người và voi.

Douglas-Hamilton hy vọng có thể chuyển từ “xung đột” sang “chung sống” bằng cách đảm bảo các cộng đồng địa phương có thể trải nghiệm và hưởng lợi từ động vật hoang dã. Tuy nhiên, điều này khá thách thức bởi ở một số nơi, mật độ dân số ngày càng tăng và cơ sở hạ tầng hiện đại như đường bộ, đường sắt, đường dây điện và các tòa nhà kiên cố… mọc lên càng nhiều.

Okita-Ouma chỉ ra việc 15 cá thể voi châu Á hoang dã di chuyển khắp Trung Quốc trong vài tháng qua để minh họa cho sự khó khăn khi con người và voi cùng chung sống. Khi đàn voi di chuyển đến các khu định cư, chính quyền Trung Quốc đã tập hợp nhân lực và 18 máy bay không người lái để theo dõi tiến trình của chúng, cố gắng chuyển hướng chúng khỏi các khu vực đã xây dựng.

“Đó là một tình huống mà mọi người đang đồng cảm theo hướng chúng tôi thực sự yêu những con vật này và chúng tôi muốn chúng không gian nhưng thực tế là nơi những cá thể voi đã đến không thể có sự tồn tại chung giữa con người và voi”, Okita-Ouma nói.

Những cá thể voi đang di chuyển (Ảnh: David Giffin)

Douglas-Hamilton, Wall và Okita-Ouma đều đồng ý rằng lập kế hoạch cho voi là chìa khóa quan trọng, đặc biệt là việc kết nối các hành lang động vật hoang dã để voi có thể di chuyển và tiếp cận các nguồn tài nguyên mà chúng cần. Chính phủ Botswana đã thực hiện thành công hành lang bảo vệ động vật hoang dã cho phép voi đi từ Vườn quốc gia Chobe tới sông Chobe, vượt qua cả các khu công nghiệp, đô thị hoặc nông nghiệp.

“Chúng ta vẫn có cơ hội để quy hoạch vùng đất của mình tốt hơn, chỉ định các vùng đất cho động vật hoang dã và đảm bảo rằng những khu vực được chỉ định cho động vật hoang dã được kết nối hiệu quả. Nếu chúng ta có thể tận dụng cơ hội đó thì tương lai của loài voi sẽ rất tươi sáng”, Okita-Ouma mong mỏi.

Thảo Vy (Theo Mongabay)

Tags:
CHIA SẺ