Cơn khát gỗ trắc của Trung Quốc khuynh đảo toàn cầu

BVR&MT – Nhu cầu gỗ trắc của Trung Quốc không chỉ gây ra nạn phá rừng ở Đông Nam Á và châu Phi mà lợi tức béo bở từ việc buôn lậu loại gỗ đặc biệt này còn thúc đẩy xung đột vũ trang, ảnh hưởng tới hàng nghìn người và khiến nạn phá rừng ngày càng tệ hơn.

Trong cuộc chiến chống phá rừng và buôn lậu, cả Myanmar và Thái Lan đều ở tuyến đầu khi lực lượng kiểm lâm phải căng mình ngăn chặn nạn khai thác gỗ lậu và cơn khát gỗ trắc để làm đồ nội thất ở Trung Quốc.

Cơ quan điều tra Môi trường Quốc tế (EIA) thực hiện nhiều cuộc điều tra về nạn buôn lậu gỗ trắc ở châu Á và châu Phi – yếu tố vốn làm trầm trọng hóa những mối xung đột hiện hữu và tiếp lửa cho thế giới ngầm ở các quốc gia có liên quan. Trong khi đó, cuộc chiến chống buôn lậu này đã khiến không ít kiểm lâm phải trả giá bằng tính mạng.

EIA thực hiện cuộc điều tra trong 3 năm về đường dây buôn lậu gỗ trắc từ Senegal-Gambia sang Trung Quốc, tìm ra những bằng chứng gây sốc về việc tiền từ Trung Quốc hỗ trợ cho các nhóm vũ trang. Buôn lậu gỗ trắc gây ra những thách thức cho nền pháp trị của các nước nghèo, thổi bùng thù nghịch sắc tộc và xung đột vũ trang, chưa kể đến làm trầm trọng thêm căng thẳng ngoại giao.

Hải quan Hồng Kông bắt giữ gỗ trắc vào 17/12/2014. (Ảnh: EPA)

Ở Senegal, buôn lậu gỗ trắc là nguồn tài chính cho nhóm ly khai MFDC đang kiểm soát khu vực phía nam Casamance. Tiền từ Trung Quốc bị sử dụng cho các hoạt động nổi loạn khiến vũ trang bùng lên. Gỗ trắc từ Senegal bị đưa qua nước láng giềng Gambia nên mối liên hệ giữa MFDC với nạn buôn lậu trở thành căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước.

Theo Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), gỗ trắc phục vụ nhu cầu đóng đồ nội thất ở Trung Quốc là sản phẩm hoang dã bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới. Nhu cầu của nước này với loại gỗ được gọi là “ngà voi của rừng già” đang phá hoại những cánh rừng ở cả châu Á và châu Phi. Trung Quốc nhập gỗ trắc từ Myanmar, Lào, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia ở Đông Nam Á, từ Gabon, Cộng hòa Congo, Madagascar, Zambia, Ghana, Senegal và Gambia ở châu Phi.

Một showroom hào nhoáng ở Thượng Hải bán có thể một chiếc giường gỗ trắc được chạm trổ với giá tới 1 triệu đô la và đây là món tiền béo bở với những kẻ buôn lậu gỗ. Trong khi đó, một mét khối gỗ trắc chỉ có giá 5.000 đô la, vì thế ko ngạc nhiên khi giới buôn lậu gỗ ở Myanmar, Thái Lan và Campuchia chấp nhận rủi ro để chặt cây bán sang Trung Quốc. Những lần đụng độ giữa kiểm lâm và giới buôn lậu đã biến rừng ở các nước này thành những khu vực chiến sự. Năm 2018, Thái Lan mất 8 kiểm lâm trong cuộc chiến chống lại nạn buôn lậu gỗ trắc.

Theo Công ước CITES, lượng gỗ trắc châu Phi nhập khẩu vào Trung Quốc tăng 700% tính từ năm 2010. Hơn 540.000 tấn gỗ – tương đương 6 triệu cây – bị chặt hạ trái phép và nhập lậu từ Ghana vào Trung Quốc trong giai đoạn 2012-19. EIA khẳng định khai thác gỗ góp phần gây ra cuộc khủng hoảng sa mạc hóa ở lục địa đen, biến châu lục này thành “nạn nhân của nhu cầu gỗ trắc vô độ từ Trung Quốc”. Dù áp nhiều biện pháp chống lại nạn buôn lậu gỗ, từ tháng 2/2017 tới tháng 4/2020 Trung Quốc vẫn nhập khẩu tới 329.351 tấn gỗ trắc từ Gambia.

Chuyên gia Naomi Basik Treanor thuộc tổ chức Forest Trends cho hay nhu cầu gỗ tắc của Trung Quốc gây ra nhiều phá rừng trái phép, góp phần gây ra tệ nạn buôn lậu, tham nhũng, biển thủ, xung đột sắc tộc và chính trị: “Có bằng chứng rất rõ ràng rằng khai thác gỗ trắc lậu là để đáp ứng nhu cầu bùng nổ, để lại hệ lụy nghiêm trọng cho những hệ sinh thái trong các khu rừng giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới”.

Theo truyền thống, cha mẹ giàu có người Trung Quốc thường mua đồ nội thất bằng gỗ trắc để đầu tư hoặc để lại cho con cái. Nhưng những năm gần đây, tầng lớp trung lưu và thượng lưu tăng nhanh cũng học theo, khiến nhu cầu về các loài nguy cấp (có vai trò sống còn với động thực vật ở châu Phi cũng như Đông Nam Á, trong đó có Myanmar) tăng vọt.

Nhà nghiên cứu gỗ Xiao Di thừa nhận: “Chúng ta đều biết hầu hết gỗ bị khai thác lậu nhưng khi vào Trung Quốc với giấy tờ “hợp lệ” thì lại thành gỗ hợp pháp. Các đầu nậu người Trung Quốc hối lộ [hải quan] để mua chứng chỉ CITES”.

Có nỗi sợ rõ ràng rằng Trung Quốc đầu tư vào các nước kém phát triển theo chính sách ngoai giao “bẫy nợ” khiến các nước đi vay có nguy cơ mất chủ quyền với những tài sản chiến lược như cảng, đảo, cơ sở quân sự… Trong đó, nhu cầu gỗ trắc của Trung Quốc tàn phá nhiều cánh rừng tươi tốt.

Dù chính quyền Trung Quốc cho biết đang nỗ lực giải quyết nạn buôn lậu gỗ và các loài nguy cấp như voi, “sản phẩm” từ hổ và cá mập… bằng một chiến dịch rầm rộ với sự tham gia của ngôi sao bóng rổ Yao Ming nhằm vào giới buôn lậu động vật hoang dã nhưng nguồn tiền thu được từ hoạt động này quá lớn khiến giới vận động khó lòng ngăn chặn.

Điều rõ ràng là chính quyền Trung Quốc cần hành động hơn nữa để thông tin cho công chúng và giảm nhu cầu cũng như tìm cách giảm nạn tham nhũng. Nếu không nỗ lực, e rằng gỗ trắc ở Myanmar, Thái Lan và cả châu Phi xa xôi có nguy cơ bị xóa sổ.

Thế Anh (The Mizzima)