Con Cuông – Nghệ An: Hiệu quả từ sáng kiến tuyên truyền bảo tồn thiên nhiên bằng song ngữ Việt – Thái

BVR&MT – “Sáng kiến phát thanh đã giúp công tác tuyên truyền cộng động dễ dàng hơn, và sử dụng lâu dài, đồng thời hiệu quả tuyên truyền được tăng lên khi những thông tin quan trọng về phòng chống cháy rừng cũng như các quy định pháp luật bảo vệ động vật hoang dã được đưa đến cộng đồng đúng thời điểm và nhanh chóng”, anh Hồ Xuân Tuyên – Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Lục Dạ (VQG Pù Mát) phấn khởi chia sẻ về hiệu quả từ sáng kiến tuyên truyền bảo tồn thiên nhiên bằng song ngữ Việt – Thái cho người dân vùng đệm VQG Pù Mát.

Theo đó, bắt đầu từ tháng 12 năm 2021, Tổ chức cứu hộ Động vật hoang dã Việt Nam SVW phối hợp cùng VQG Pù Mát và Ban quản lý của 36 thôn/bản vùng đệm đã triển khai chương trình Phát thanh tuyên truyền cộng đồng trên các hệ thống loa địa phương. Bên cạnh tiếng Việt phổ thông, nội dung phát thanh còn có bản thu âm tiếng dân tộc Thái nhằm mở rộng quy mô tiếp cận thông điệp bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã cho hơn 90.000 người dân vùng đệm VQG Pù Mát.

Nghệ nhân Lê Hoàng cùng chị Phạm Hoàng và một số thành viên Nhóm bảo vệ rừng người dân tộc Thái làm việc tổng duyệt nội dung bản dịch Tiếng Thái.

Theo chị Trần Thị Yến – Cán bộ Giáo dục và Nâng cao nhận thức SVW chia sẻ: “66,89% cộng đồng người dân sinh sống trong và xung quanh VQG Pù Mát là đồng bào dân tộc Thái, nhiều người dân địa phương mong muốn được nghe phát thanh tuyên truyền bằng tiếng dân tộc mình. Để đáp ứng nguyện vọng của người dân, tất cả các bài phát thanh tuyên truyền bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã tại VQG Pù Mát đã được thực hiện với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Thái.”

Nhận thấy hiệu quả là rất thiết thực, các thành viên đã biên soạn 4 bài phát thanh mang những thông tin về VQG Pù Mát, sự cần thiết phải bảo vệ hệ động thực vật của VQG Pù Mát, đồng thời cập nhật những quy định mới nhất về phòng cháy chữa cháy rừng và thông tin pháp luật liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã. Thông qua phát thanh kêu gọi người dân cùng thực hiện “BA KHÔNG” – Không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã, không săn bắt động vật hoang dã, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Tất cả nội dung đều được dịch sang tiếng Thái bởi Nghệ nhân Ưu tú Lê Hoàng – người địa phương có am hiểu sâu sắc về ngôn ngữ, âm nhạc và bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái tại tỉnh Nghệ An.

Chị Phạm Hoàng – phát thanh viên tại địa phương đang thực hiện thu âm.

Nghệ nhân Lê Hoàng cho biết: “Chúng tôi đưa những bài tuyên truyền này, đặc biệt bằng tiếng Thái, lên hệ thống phát thanh tại các thôn bản thuộc vùng đệm của rừng để bà con có thể đón nhận và tiếp thu dễ dàng hơn. Ê kíp thực hiện chương trình bao gồm tôi, chị Phạm Hoàng – phát thanh viên tại địa phương, bé Vi Thị Cẩm Tú – thành viên CLB “Cùng em bảo vệ rừng Pù Mát” và một số thành viên Nhóm bảo vệ rừng người dân tộc Thái, chúng tôi đã phải xem bản dịch một cách tỉ mỉ và tổ chức những buổi đọc thử và tổng duyệt nội dung trước khi được thu âm”.

Vào cuối tháng 11, 4 bản thu âm phát thanh hoàn chỉnh đã được sao lưu vào 50 USB và phân phát về 11 Trạm quản lý bảo vệ rừng cùng 36 thôn bản vùng đệm VQG Pù Mát. Chương trình đã bắt đầu triển khai từ tháng 12/2021, mỗi bài sẽ được phát lặp lại hằng tuần trong suốt 1 tháng và cả 4 bài sẽ lần lượt phát xuyên suốt đến tháng 05/2022. Sau đấy, VQG Pù Mát sẽ quản lý và tiếp tục sử dụng trang thiết bị này tuyên truyền cộng đồng bảo vệ rừng và động vật hoang dã.

11 Trạm quản lý bảo vệ rừng Pù Mát tổ chức tuyên truyền và phân phát USB phát thanh về 26 thôn bản vùng đệm.

Với những tín hiệu đáng mừng trong thời gian qua, các bên tham gia hy vọng bộ phát thanh tuyên truyền sẽ hỗ trợ tích cực cho công tác giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng vùng đệm VQG Pù Mát và góp phần bảo vệ rừng và động vật hoang dã VQG Pù Mát một cách hiệu quả.

Hậu Thạch