Có nên tổ chức thi xây dựng ý tưởng quy hoạch Thủ đô Hà Nội?

BVR&MT – Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng, trong điều chỉnh quy hoạch lần này, Hà Nội đặt vấn đề tầm nhìn, mục tiêu và quan điểm điều chỉnh quy hoạch.

Hội thảo bàn giải pháp xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Mạnh Khánh/Vietnam+)

Trước việc quy hoạch Thủ đô trước đây bộc lộ một số tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, ngày 11/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức “Hội thảo bàn giải pháp xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội.

Trên tinh thần Thủ đô là một đô thị đặc biệt, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho hay, để Hà Nội phát triển xứng tầm là niềm tự hào của cả nước thì thành phố nên tổ chức thi xây dựng ý tưởng quy hoạch. Từ đó, lựa chọn tư vấn nước ngoài để cùng các sở, ngành thành phố đóng góp nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tài nguyên, thiên nhiên, con người.

Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng, trong điều chỉnh quy hoạch lần này, Hà Nội đặt vấn đề tầm nhìn, mục tiêu và quan điểm điều chỉnh quy hoạch.

Với các định hướng phát triển không gian; quy hoạch sử dụng đất trong xây dựng; quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội; định hướng bảo tồn di sản; hạ tầng và không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm…

Nhấn mạnh đến vai trò của điều chỉnh quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, thành phố triển khai song song hai nhiệm vụ: vừa điều chỉnh quy hoạch vừa định hướng phát triển quy hoạch chung là quyết sách rất sáng tạo.

Do đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố cần tổ chức triển khai quyết liệt; trong đó, chú ý đến vấn đề điều chỉnh gia tăng dân số; quy hoạch phòng chống lũ; nâng cao chất lượng quy hoạch; có lộ trình huy động trí tuệ, nguồn lực của nhân dân.

“Đồng ý với các mục tiêu mà nhiệm vụ quy hoạch đề ra, tuy nhiên, Hà Nội cần thận trọng trong việc nghiên cứu mô hình “Thành phố trong thành phố,” ông Đào Ngọc Nghiêm lưu ý.

Bà Trần Thu Hằng, Vụ Quy hoạch-Kiến trúc (Bộ Xây dựng) gợi mở, sau khi thống nhất được những vấn đề trọng tâm trong quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch lần này, thành phố cần xin ý kiến Bộ Chính trị về các nội dung điều chỉnh và định hướng phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đây mới chỉ là bước khởi đầu mang tính chất khung. Tuy nhiên, vẫn mong muốn lãnh đạo các bộ, ngành; các chuyên gia, nhà khoa học… tiếp tục tham góp, phản biện, tạo điều kiện để việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đạt được chất lượng, hiệu quả, sớm hoàn thành đưa vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển Thủ đô.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thông tin thêm, thành phố sẽ tổ chức thêm nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên sâu hơn về vấn đề này nhằm điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong thời gian tới./.