Cơ hội và thách thức mới trong việc quản lý tài nguyên và thích ứng BĐKH

BVR&MT – Hội thảo tham vấn Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ NN&PTNT phối hợp với tổ chức Lâm nghiệp quốc tế tại Việt Nam (CIFOR) tổ chức đã cho thấy chiến lược cần có các giải pháp mang tính đột phá để phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật, bảo vệ môi trường và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhằm đánh về cơ hội và thách thức cho các cơ chế tài chính mới trong việc quản lí tài nguyên thiên nhiên, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu (BDKH), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với bà Phạm Thu Thủy –  Đại diện cho CIFOR.

Bà Phạm Thu Thủy – Tổ chức Lâm nghiệp quốc tế tại Việt Nam (CIFOR).

Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050?

Bản thảo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 mặc dù đang trong quá trình hoàn thiện nhưng đã có những điểm mới ví dụ lâm nghiệp đô thị, tăng cường theo dõi, giám sát và đánh giá với bên thứ ba độc lập. Bản thảo chiến lược cũng khắc họa sự cần thiết phải nối tiếp thành công và đột phá của ngành lâm nghiệp ở giai đoạn trước trong việc xã hội hóa ngành lâm nghiệp thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES). Chúng tôi cũng kì vọng bản thảo cuối cùng của Chiến lược sẽ thể hiện định hướng rõ ràng hơn của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các công ước và chương trình quốc tế như công ước bảo tồn đa dạng sinh học, chương trình giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD+), hoàn thiện chính sách về dịch vụ hệ sinh thái và vai trò rõ ràng của ngành lâm nghiệp trong Cam kết tự nguyên quốc gia (NDC).

Thưa bà, xin bà có thể cho biết rõ hơn về vai trò và thành công của chính sách PFES tại Việt Nam ?

Theo báo cáo của Quỹ bảo vệ phát triển rừng Việt Nam, PFES đóng góp 28% vào tổng đầu tư cho ngành lâm nghiệp và gấp 1.6 lần so với ngân sách nhà nước dành cho ngành. Báo cáo của nhiều tỉnh thành như Thừa Thiên Huế và Sơn La cũng chỉ rõ, nguồn thu từ PFES có thể gấp tới 4 lần ngân sách tỉnh cung cấp cho ngành lâm nghiệp. Điều này thể hiện vai trò to lớn của PFES trong việc tạo ra nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam. Ngoài ra với nghiên cứu điểm tại Đăk Lak, Sơn La, Thừa Thiên Huế, và Vườn Quốc Gia Cát Tiên, đóng góp của PFES vào tổng thu nhập hộ gia đình có thể từ 2-100%, tùy vào diện tích rừng các bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng quản lí. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự bấp bênh của thị trường, nguồn thu nhập PFES tại nhiều nơi (e.g. Cát Tiên) trở thành nguồn thu chính của người dân. Với 4 nghiên cứu điểm này, kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng 11.2% số hộ tham gia nghiên cứu đã thoát nghèo nhờ PFES và nhờ có PFES, số hộ gia đình được nhận khoán bảo vệ rừng đã cao hơn so với thời điểm chưa có PFES. Tuy còn cần nhiều nghiên cứu nữa để khẳng định tính hiệu quả của PFES trong việc nâng cao chất lượng và diện tích rừng trên quy mô toàn quốc, những kết quả nghiên cứu ban đầu của chúng tôi chỉ ra rằng, khi có thêm sự có mặt của PFES, diện tích rừng bị mất đã giảm đi. Hay nói cách khác, nếu không có thêm PFES, thì diện tích rừng bị mất hiện nay có thể cao hơn. 

Thưa bà hiện nay đóng góp ngày càng tăng từ nguồn thu của PFES trong hỗ trợ tài chính cho ngành lâm nghiệp, mặc dù chi trả DVMTR mới chỉ bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 2011 nhưng tổng doanh thu từ DVMTR tăng lên đáng kể theo thời gian. Trong 10 năm qua, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Theo bà nguồn tài chính này cần được tăng cường như thế nào trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn tiếp theo ?

Nguồn thu từ PFES rõ ràng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam. Duy trì nguồn tài chính này một cách ổn định và bền vững đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành lâm nghiệp trong việc đảm bảo và nâng cao diện tích và chất lượng rừng hiện có, xây dựng niềm tin đối với cả bên mua dịch vụ môi trường rừng và bên bán dịch vụ môi trường rừng thông qua cung cấp các bằng chứng đáng tin cậy về việc nhờ có PFES, số lượng và chất lượng của dịch vụ môi trường rừng đã được đảm bảo và nâng cao. Tuy nhiên, việc gia tăng nguồn thu cho PFES còn đòi hỏi việc mở rộng PFES đối với các dịch vụ môi trường rừng khác hiện còn đang chưa được đánh giá và nhận thức đầy đủ ví dụ như dịch vụ môi trường rừng ngập mặn, dịch vụ hấp thụ carbon…

Ngoài ra, ngoài PFES, chính phủ Việt Nam cần xem xét khả năng và phương án tiếp cận các nguồn tài chính mới bao gồm: (i) Thị trường mua bán và thương mại phát thải, (ii) Thuế và thuế giá trị gia tăng của hệ sinh thái rừng; (iii) Thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu rừng; (iv) Sản xuất kinh doanh không liên quan đến phá rừng; (v) Thị trường carbon tự nguyện và thị trường carbon bắt buộc. . .

Sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng là nguyên nhân chính dẫn đến 87% diện tích rừng trên thế giới bị phá. Giải quyết các nguyên nhân phá rừng và suy thoái rừng không thể chỉ được thực hiện bởi ngành lâm nghiệp mà còn cần có sự tham gia của các ngành khác. 

Khi các cơ chế khuyến khích tài chính bảo vệ rừng cao hơn so với sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững thì hệ sinh thái rừng vốn là ngôi nhà của hệ thống đa dạng sinh học mới được đảm bảo. Nhằm hướng tới mục tiêu này, sáng kiến và cơ chế tài chính liên quan đến cam kết sản xuất kinh doanh không liên quan tới phá rừng đã được thiết lập năm 4 năm trước đây. Hiện nay, sản xuất và kinh doanh không liên quan đến phá rừng là yêu cầu của thị trường toàn cầu và được kì vọng sẽ thay đổi cơ cấu sản xuất và cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho bảo vệ phát triển rừng tới năm 2030. 

Hơn 1000 thể chế tài chính (ví dụ: ngân hàng, quỹ ủy thác, nhà tài trợ), và 600 tập đoàn đa quốc gia trên toàn cầu đã cam kết sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông sản không liên quan đến phá rừng và đang xây dựng quy trình kiểm tra, sàng lọc, cấp chứng chỉ cho các bên cung ứng dịch vụ và các nước sản xuất sản phẩm nông lâm sản. Chính phủ của các nước khối Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc cũng đang ráo riết xây dựng hành lang pháp lí để kiểm duyệt và cấp chứng chỉ cho các sản phẩm nhập khẩu vào nước họ không liên quan tới phá rừng. 

Tại Việt Nam, có 92 công ty trong và ngoài nước kinh doanh trên 21 lĩnh vực và ngành nghề đã kí cam kết vào lộ trình không phá rừng cho tới năm 2030. 21 lĩnh vực bao gồm: Thời trang – trang phục và giày dép; Nông nghiệp; Xây dựng; Mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân; Chuỗi bán lẻ thực phẩm; Lâm nghiệp; Nhà cửa – Nội thất và sàn nhà – Vật dụng sửa chữa nhà cửa; Hàng tiêu dùng Thực phẩm; Giấy và bao bì, in ấn và xuất bản; Công nghiệp ô tô – Cao su – Sản xuất ô tô. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm sản tại Việt Nam chưa hề được chuẩn bị cả về kiến thức, kĩ năng và quy trình để đáp ứng với các đòi hỏi mới này của thị trường. Nếu hiện trạng này không được nghiên cứu và có phương hướng chuẩn bị lâu dài, ngành nông lâm sản của Việt Nam có nguy cơ không còn cạnh tranh trong thị trường mới, dẫn đến thiệt hại kinh tế to lớn cho nền kinh tế nước nhà. Chính phủ cần xây dựng hành lang pháp lí để hỗ trợ và giám sát các công ty thực hiện cam kết này, đồng thời nâng cao năng lực cho các bên có liên quan để đón đầu và đáp ứng với yêu cầu của thị trường mới, đảm bảo vị thế vững chắc của các ngành nông lâm sản và đóng góp bền vững của các ngành này vào nền kinh tế quốc dân trong 30 năm sắp tới.

Về vấn đề Chi trả dịch vụ môi trường hay Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) hiện trên 80% các quốc gia đã đệ trình NDC đề cập đến việc xây dựng chính sách PES như trụ cột tài chính cho quản lí tài nguyên bền vững của quốc gia mình. Và hiện nay trên thế giới có trên 400 chương trình và chính sách liên quan đến PES. Trên 60% các chính sách và chương trình này tập trung vào dịch vụ rừng đầu nguồn và bảo vệ nguồn nước. Chỉ có 1% trong số các chương trình và chính sách này đang được xây dựng để bảo vệ nguồn tài nguyên biển và rừng ngập mặn trong khi tài nguyên biển và rừng ngập mặn đóng vai trò chủ chốt cho thích ứng với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Nhận thấy nhu cầu này, xây dựng chính sách PES để bảo vệ cho sự phát triển bền vững của kinh tế biển và rừng ngập mặn đã được trên 40% quốc gia trên thế giới trong cam kết tự nguyện NDC của mình. Các cơ chế tài chính mới cho dịch vụ hệ sinh thái mới của rừng ngập mặn không chỉ đang được xây dựng ở Australia, New Zealand, các quốc đạo Fiji, Philippines và Malaysia mà còn đang được xây dựng và phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên thách thức lớn nhất hiện nay của xây dựng cơ chế tài chính cho rừng ngập mặn là minh chứng khoa học và mức sẵn lòng chi trả của người sử dụng dịch vụ môi trường rừng ngập mặn. 

Vậy trong 6 cơ chế tài chính mới đang được xem xét áp dụng trong thời gian tới thì đâu sẽ là điểm tài chính lâm nghiệp Việt Nam cần lưu ý trong giai đoạn tới?

Các  cơ chế tài chính mới này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia trong việc mở rộng nguồn tài chính hỗ trợ thực thi chính sách quản lí tài nguyên thiên nhiên bền vững. Tuy nhiên để tối ưu hóa và đảm bảo tính hiệu quả, hiệu ích và công bằng của các cơ chế chính sách này đòi hỏi những thay đổi trong chính sách về quyền sử dụng đất, cách tiếp cận trong việc quản lí tài chính và chia sẻ lợi ích, kết hợp giữa khuyến khích tài chính và khung pháp lí thực thi pháp luật và giữa lợi ích carbon và lợi ích phi carbon. Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá cũng như thiết lập quy trình ra quyết định có sự tham gia của các bên cũng là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển bền vững của các chính sách này.

Thưa bà, chúng ta có thể áp dụng đồng thời 6 cơ chế tài chính mới này trong mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu hay không? 

Tôi cho rằng cả 6 cơ chế tài chính mới được cộng đồng quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới đang xem xét xây dựng và thực hiện đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việc áp dụng riêng lẻ từng cơ chế tài chính hay kết hợp tổng thể của cả 6 cơ chế phụ thuộc vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thể chế chính trị, khả năng thực thi pháp luật, tính giải trình trách nhiệm và minh bạch hóa, trình độ dân trí và mức thu nhập của mỗi quốc gia. Tuy nhiên việc mở rộng thực hiện 6 cơ chế tài chính này cho nhiều loại hình dịch vụ hệ sinh thái mới, với nhiều người sử dụng dịch vụ môi trường mới, bằng các công cụ tài chính mới được kì vọng sẽ tạo ra nguồn lực dồi dào cho quản lí, bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên bền vững. Cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia đang phát triển và quốc gia phát triển về thích ứng với biến đổi khí hậu, chuẩn bị sẵn sàng cho thực thi các sáng kiến tài chính mới sẽ tạo tiền đề ban đầu cho các cơ chế này.

Tuy nhiên, đối với các quốc gia đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, để có thể tiếp cận và đảm bảo tính hiệu quả, hiệu ích và công bằng của các cơ chế này cần sự đồng hành của nhiều chính sách khác cũng như các giải pháp hài hòa hóa giữa bảo tồn và phát triển.

Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện này.

Văn Hoàng