Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do

BVR&MT – Sáng 26/6/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do”.

Xem thêm: Hội thảo Đông Nam Á về ứng dụng gỗ cứng Hoa Kỳ vào thiết kế và sản xuất đồ mộc

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị, đánh giá những cơ hội và tác động của Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) đối với nền nông nghiệp Việt Nam.

Thực tế cho thấy, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã xác định hướng phát triển hội nhập rất đúng và trúng. Nhờ đó, nền kinh tế nước nhà nói chung, nông nghiệp nói riêng đã từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải chủ động hơn nữa để khai thác tiềm năng mà các FTA mang lại.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, EVFTA tiếp tục là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam “thay da đổi thịt”. Việc tham gia các FTA mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cải cách thể chế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm trong nước…

Bên cạnh các cơ hội, thuận lợi nêu trên; khi các Hiệp định đi vào thực thi với các cam kết sâu rộng và tính ràng buộc cao, dự báo sẽ có tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ chủ động rà soát biên tập, xây dựng kế hoạch làm việc với từng hiệp hội, ngành hàng, cá địa phương để phát triển 3 nhóm kinh tế nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), lâm sản, thủy sản. Rà soát, tích hợp tinh thần của 2 hiệp định FTA thế hệ mới vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Cũng trong hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Ngày 30/6/2019 sắp tới, cả 2 Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ được ký kết. Đây là những Hiệp định thương mại tự do mang lại cơ hội rất lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp, tạo cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu (XK) cũng như nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam vốn còn nhiều dư địa. Tuy nhiên, khi tham gia vào các Hiệp định FTA, nền kinh tế nói chung của Việt Nam và ngành nông nghiệp nói riêng cũng đối diện nhiều thách thức.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Dương Quốc Thái, tác động lớn nhất của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là 2 FTA thế hệ mới CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu), là giúp mở rộng khả năng tiếp cận những thị trường xuất khẩu lớn. Bên cạnh mở rộng thị trường, 2 FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhờ chính sách miễn giảm thuế.

Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo các đại biểu và doanh nghiệp tới tham dự.

Nói về những cơ hội và thách thức với doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng: khi tham gia CPTPP và EVFTA, các doanh nghiệp sẽ đứng trước các ưu đãi về thuế quan, đặc biệt là ở 27 thị trường EU và Canada, Mexico, Peru. Bên cạnh đó là cơ hội nhập khẩu máy móc, trang thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất từ các đối tác EU – CPTPP với giá cả hợp lý hơn. Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng, nhất là đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Cam kết FTA không đồng nghĩa với giấy phép/VISA xuất khẩu cho các loại hàng hóa. Đồng thời, cam kết FTA cũng sẽ không xóa bỏ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm… Ngoài ra, hội nhập sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh từ các nông sản nhập khẩu từ EU – CPTPP. Chi phí sản xuất cũng như chi phí tuân thủ các quy tắc (lao động, môi trường…) đều sẽ tăng.

Các chuyên gia, nhà quản lý thì cho rằng, việc gia nhập 2 FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ có lợi thế cao khi thu hút đầu tư vốn nước ngoài. Một số nước không có lợi thế về nông nghiệp có thể sẽ chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Đồng thời cũng mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội tiếp cận các sản phẩm có chất lượng từ những nước tiên tiến như thịt, sữa… Đặc biệt là một số sản phẩm trái cây ôn đới, thủy sản mà Việt Nam không có.

Như vậy, để tận dụng được các lợi thế, cơ hội và khắc phục những khó khăn nêu trên, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP và EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa…

Thạch Thảo