CITES, WWF và TRAFFIC công bố Hướng dẫn mới về nhận dạng ngà voi và các sản phẩm thay thế ngà

BVR&MT – Ban thư ký CITES và tổ chức WWF, TRAFFIC vừa xuất bản ấn phẩm cập nhật lần thứ 4 mang tên “Hướng dẫn nhận dạng ngà voi và các sản phẩm thay thế ngà” (Identification Guide for Ivory and Ivory Substitutes).

Đây là công cụ thiết yếu giúp các nhân viên thực thi pháp luật, các nhà khoa học pháp y, các công ty công nghệ trực tuyến và các cơ quan quản lý buôn bán động vật hoang dã nhận biết các sản phẩm ngà voi, đặc biệt là các sản phẩm đã trải qua quá trình chế tác như chạm khắc, làm tranh cũng như các sản phẩm giả ngà (được làm bằng vật liệu bắt chước hoặc trông giống ngà voi). Việc xác định chính xác đóng vai trò rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng buôn lậu các sản phẩm ngà voi và hạn chế cuộc khủng hoảng săn trộm đang làm suy kiệt các quần thể voi châu Phi.

Ảnh minh họa (TNN).

Các sản phẩm ngà voi đôi khi được dán nhãn giả trong quá trình buôn bán để lách luật, đặc biệt là để qua mặt lệnh cấm buôn bán thương mại quốc tế ngà voi. Nếu không có thiết bị chuyên biệt, chuyên môn sâu và kiểm tra kỹ càng thì rất khó phát hiện vi phạm vì các loại ngà và sản phẩm thay thế rất nhiều.

Không chỉ cung cấp quy trình, hỗ trợ trực quan, Hướng dẫn còn mô tả chi tiết, cập nhật về ngà của các loài voi khác nhau và những sản phẩm được buôn bán cũng như các phương pháp hiển thị đáng tin cậy được sử dụng để xác định chủng loại ngà tùy theo hình thức sản phẩm, chẳng hạn như ngà/răng, vật phẩm chạm khắc…

Bên cạnh đó, Hướng dẫn cũng thông tin chi tiết về các loài có liên quan nhất (voi, voi ma mút, cá voi, kỳ lân biển và hà mã) cùng các tài liệu trực quan phong phú để hỗ trợ những người làm công tác thực thi xác định ngà voi từ các sản phẩm thay thế, chẳng hạn như ngà nhựa và ngà thực vật.

Ngoài ra, Hướng dẫn cũng đề cập đến việc bán trực tuyến sản phẩm từ ngà voi – nền tảng đang ngày càng trở thành đất cho hoạt động buôn lậu ngà và việc xác định các hình ảnh kỹ thuật số tĩnh là thách thức không nhỏ.

Tổng thư ký CITES Ivonne Higuero cho biết: “Ấn bản được chờ đợi này là một công cụ quan trọng trong việc chế tài hoạt động buôn bán quốc tế của một số loài được liệt kê trong Công ước CITES. Thông qua đó, chúng tôi tái khẳng định cam kết hỗ trợ các nước tham gia CITES chống lại tội phạm về động vật hoang dã và đạt được các mục tiêu của Công ước”.

Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Bảo tồn Động vật Hoang dã thuộc WWF-US Ginette Hemley chia sẻ: “Hiện nay, việc nhận dạng ngà voi vẫn là một thách thức. Chúng ta đang ở trong thời kỳ buôn lậu ngà voi và các sản phẩm thay thế gia tăng, gây khó khăn cho việc phân biệt nguồn gốc ngà. Chúng ta cũng phải đối mặt với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại trực tuyến và những hành vi tội phạm để tránh bị phát hiện hoặc bán các sản phẩm gian lận”.

Crawford Allan – Giám đốc cấp cao thuộc TRAFFIC tuyên bố: “Các chuyên gia ngà voi thuộc Phòng thí nghiệm pháp y động vật hoang dã USFWS rất đáng khen ngợi vì nỗ lực cập nhật và mở rộng phần hình thái học của bản Hướng dẫn này. Tất cả sẽ được sử dụng trong các chương trình tập huấn thực thi pháp luật và hỗ trợ nhiều ứng dụng thực thi và bảo tồn, kể cả giúp các công ty trực tuyến chặn việc liệt kê ngà voi được đưa lên nền tảng của họ. Tăng áp lực là điều rất quan trọng để kiểm soát hoạt động buôn bán ngà bất hợp pháp”.

Hướng dẫn được xuất bản bằng bốn ngôn ngữ Anh, Trung, Pháp và Tây Ban Nha.

Nhật Anh (Theo WWF)