BVR&MT – CITES, cơ quan quản lý buôn bán động vật hoang dã toàn cầu đã quyết định áp dụng lệnh cấm gần như hoàn toàn việc chuyển voi châu Phi bị bắt từ tự nhiên đến các vườn thú.
Sau khi tranh cãi nảy lửa, các nước thành viên CITES đã chấp thuận một đề xuất sau khi Liên minh châu Âu (EU) rà soát và đưa vào một số ngoại lệ đối với lệnh cấm.
Quyết định này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Zimbabwe, cùng với Botswana là những nước cung cấp chính voi hoang dã châu Phi cho các vườn thú bên ngoài lục địa và cố gắng để chặn cuộc bỏ phiếu.
Nhưng với 87 phiếu ủng hộ, 29 phiếu chống và 25 phiếu trắng, cuộc bỏ phiếu đáp ứng được yêu cầu cần có 2/3 các nước thành viên thông qua.
Giám đốc động vật hoang dã thuộc HSI châu Phi Audrey Delsink cho biết: “Đây là một quyết định quan trọng của CITES đối với voi châu Phi”.
Cuộc bỏ phiếu toàn thể đã thay đổi một phần quyết định được đưa ra khi Hội nghị bắt đầu, cấm chuyển mọi cá thể voi châu Phi bị bắt trong tự nhiên tới nơi gọi là cơ sở nuôi nhốt.
Quyết định chỉ ảnh hưởng đến voi châu Phi. Voi châu Á đã được bảo vệ nhiều hơn khỏi thương mại quốc tế.
Cuộc bỏ phiếu ban đầu của CITES nhằm hạn chế buôn bán voi hoang dã châu Phi còn sống để bảo tồn trong sinh cảnh tự nhiên của chúng, về cơ bản chấm dứt việc bắt voi để chuyển đến các vườn thú và các điểm vui chơi giải trí trên khắp thế giới.
EU, vì lý do kỹ thuật nên không thể bỏ 28 phiếu trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, đã ám chỉ rằng họ có thể cùng với Hoa Kỳ và những nước khác chống đối quyết định.
Điều này đã làm dấy lên chỉ trích, nhiều người nổi tiếng như Jane Goodall, Pamela Anderson và Brigitte Bardot đã gửi thư cho Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker yêu cầu EU ủng hộ lệnh cấm.
Cuối cùng, EU đã soạn thảo một văn bản sửa đổi, chỉ ra thêm một kẽ hở rằng voi nên ở lại trong “phạm vi tự nhiên và lịch sử của chúng ở châu Phi, ngoại trừ trong những trường hợp đặc biệt… khi việc chuyển đến các địa điểm bên ngoài vẫn bảo đảm lợi ích bảo tồn nguyên vị cho voi châu Phi”.
Trong những trường hợp như vậy, quyết định chỉ được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của ủy ban động vật CITES và nhóm chuyên gia bảo tồn voi tự nhiên IUCN.
Sửa đổi của EU cũng nói rõ rằng voi châu Phi bị bắt trong tự nhiên và đã hiện diện trong các vườn thú có thể được chuyển đến các cơ sở khác bên ngoài châu Phi.
Trong khi voi ở Tây, Trung và Đông Phi từ lâu đã được CITES xếp vào danh sách các loài cần được bảo vệ nhất, và do đó bị cấm giao dịch dưới mọi hình thức thì một số giao dịch đã được cho phép ở Nam Phi, nơi quần thể voi khỏe mạnh hơn.
Theo HIS, Zimbabwe đã bắt và xuất khẩu hơn 100 cá thể voi con cho các vườn thú Trung Quốc kể từ năm 2012.
Nhật Anh (Theo AFP)