CITES CoP 18 đồng ý bảo vệ hươu cao cổ

BVR&MT – Loài động vật cao nhất thế giới sẽ được bảo vệ hơn nữa sau khi các quốc gia bỏ phiếu chấm dứt tình trạng thương mại quốc tế tràn lan các bộ phận của hươu cao cổ.

Hiện quần thể hươu cao cổ ít hơn voi, chúng đã giảm 40% kể từ năm 1985 xuống chỉ còn 97.500 cá thể. Các nhà khoa học gọi đó là “tuyệt chủng thầm lặng”. Tuy nhiên, cuộc tranh luận gay gắt tại Hội nghị thượng đỉnh CITES đã phơi bày sự chia rẽ về Bắc – Nam ở châu Phi.

Có rất ít dữ liệu về xuất khẩu các bộ phận của hươu cao cổ, chẳng hạn như chiến lợi phẩm là đầu, vật phẩm chạm khắc xương và da, nhưng hồ sơ thương mại cho thấy chỉ riêng Mỹ đã nhập khẩu 40.000 bộ phận hươu cao cổ trong khoảng thời gian 2006-2015, tương đương với ít nhất 3.750 cá thể.

Hươu cao cổ gặm cỏ ở VQG Nairobi. (Ảnh: Stuart Price/Grayling Kenya).

“Quần thể hươu cao cổ hiện tại bị phân mảnh, trước kia chúng có mặt ở khắp những vùng rộng lớn của châu Phi”, đại biểu Cộng hòa Chad, một trong 32 quốc gia ở Đông, Trung và Tây Phi ủng hộ động thái.

Tiến sĩ Fred Bercovitch, chuyên gia về hươu cao cổ, mô tả quần thể hươu suy giảm là “tuyệt chủng thầm lặng”, và nói rằng những người mua các bộ phận hươu cao cổ hiện tại không biết món hàng họ mua liệu có bắt nguồn từ các phân loài đang bị đe dọa nghiêm trọng hay không.

Ông cho rằng tốc độ sinh sản rất chậm khiến hươu cao cổ rất dễ rơi vào tình trạng nguy cấp. Cá thể cái có thể sinh sản sau sáu năm và cứ mỗi hai năm sau đó mới sinh được một cá thể con.

“Tuy nhiên, khoảng 1/2 số cá thể non bị sư tử giết chết trước khi chúng một tuổi. Ngay cả trong tự nhiên, hươu cao cổ về cơ bản không tăng quần thể”.

Ông nói thêm rằng săn bắn, cùng với phá hủy sinh cảnh, nội chiến và biến đổi khí hậu là những lý do chính khiến số lượng hươu giảm.

Tuy nhiên, 8 quốc gia Nam Phi phản đối mạnh mẽ quy định thương mại mới, cho rằng số lượng hươu cao cổ đang gia tăng ở nước họ chính nhờ việc săn bắn lấy chiến lợi phẩm và bán các bộ phận đã mang lại nguồn quỹ để bảo tồn.

Nhưng đề xuất đã được thông qua với tỷ lệ 106 nước ủng hộ và 21 nước chống.

Elizabeth Bennett thuộc WCS hoan nghênh quy định thương mại mới: “Tương lai của hươu cao cổ vẫn chưa rõ ràng nhưng hiện tại chúng tôi rất lạc quan cho loài mang tính biểu tượng của châu Phi này”.

Có chín phân loài hươu cao cổ. Một số phân loài, như hươu cao cổ Nubia, đang trên bờ vực tuyệt chủng khi chỉ còn lại vài trăm cá thể. Quần thể lớn nhất, hươu cao cổ Masai, trong 30 năm qua đã giảm một nửa xuống còn 35.000 cá thể. Tuy nhiên, một số quần thể quan trọng khác, như ở Nam Phi, đang gia tăng.

Các quy định mới không vi phạm thương mại quốc tế, nhưng sẽ yêu cầu nghiêm ngặt về giấy phép và cung cấp dữ liệu quan trọng về thương mại trên phạm vi toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh CITES cũng ra một lệnh cấm thương mại quốc tế đối với sừng linh dương saiga. Săn bắn quá mức đã làm suy giảm quần thể của loài linh dương kỳ lạ từng có hàng triệu cá thể lang thang khắp lục địa Âu-Á này. Theo các nhà khoa học, bột sừng saiga vẫn được sử dụng trong y học cổ truyền châu Á và chỉ cá thể đực mới có sừng, một số đàn hiện nay tới 95% là cá thể cái, dẫn đến sự “sụp đổ sinh sản”.

Ngoài ra, bệnh lây lan do virus đã làm thay đổi các quần thể hoang dã. Chỉ trong bốn tháng năm 2017, gần 2/3 quần thể linh dương saiga toàn cầu đã chết. Các nhà khoa học cho rằng có thể căn bệnh này lây lan từ vật nuôi và những dịch bệnh như vậy có thể còn trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.

Mông Cổ có một đàn linh dương saiga nhỏ khoảng 3.000 cá thể và muốn có lệnh cấm thương mại để giảm nguy cơ săn trộm và bảo tồn hệ sinh thái thảo nguyên.

“Đây là một vấn đề trọng yếu đối với người dân của chúng tôi. Với mối đe dọa dịch bệnh, linh dương saiga không thể chịu thêm bất kỳ mối đe dọa nào khác”, đại biểu Mông Cổ cho biết.

Kazakhstan có một đàn lớn hơn gồm 220.000 cá thể và đang tạm cấm săn bắn cho đến cuối năm 2020. Từ đầu năm đến nay, quốc gia này đã có hai kiểm lâm viên bị giết bởi những kẻ săn trộm.

Enkhtuvshin Shiilegdamba, Giám đốc WCS Mông Cổ, hồ hởi: “Quyết định ngày hôm nay sẽ đảm bảo rằng loài linh dương saiga có từ thời tiền sử – từng đi sánh vai với voi ma mút lông xoăn – sẽ còn hiện diện ở Trung Á trong nhiều thế hệ nữa”.

Nhật Anh (Theo The Guardian)

CHIA SẺ