Chuyện thú vị về các loài hoang dã

Thiên nhiên hoang dã luôn chứa đựng bất ngờ và là ẩn giấu khiến con người tìm kiếm. Cùng nhìn lại những thông tin thú vị trong năm 2022 để thấy thiên nhiên đa dạng nhường nào.

Lợn biển bơi từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương

Lợn biển là loài động vật có vú ở Đại Tây Dương nhưng một số được đưa vào kênh đào Panama đã tìm đường đến Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu tin rằng từ năm 1964, một đàn lợn biển Amazon và lợn biển Tây Ấn Độ đã được đưa vào kênh đào Panama để kiểm soát lục bình với hy vọng giảm khả năng sinh sản của muỗi. Hiện chúng có khoảng 30 cá thể và nhiều khả năng có thể chu du tới Thái Bình Dương.

Gen sói đỏ di truyền sang sói đồng cỏ

Các nhà nghiên cứu lấy mẫu ADN của sói đồng cỏ Louisiana và phát hiện nhiều cá thể vẫn giữ được di truyền của loài sói đỏ tổ tiên khoảng 40 năm sau khi loài này tuyệt chủng. Ở một số khu vực, gần 2/3 sói đồng cỏ có ADN của sói đỏ. Các nhà khoa học tin rằng phát hiện này có thể giúp sói đỏ trở lại từ bờ vực tuyệt chủng và Louisiana có thể là nơi lý tưởng để khôi phục loài trở lại tự nhiên.

Đếm được chồn con nhờ máy ảnh

Rất khó chụp được hình của chồn Pekan vì chúng thường chuồn lẹ trước khi máy ảnh kịp thao tác. Tuy nhiên, chồn Pekan mẹ sẽ di chuyển chậm khi mang theo con non, đôi khi chúng còn dừng lại để điều chỉnh. Nhà nghiên cứu Stephanie Cunningham cho biết: “Việc mang theo chồn Pekan con có thể hơi vướng víu với chồn mẹ nhưng điều này giúp máy ảnh trở thành một công cụ tuyệt vời để đếm số lượng chồn con”.

Sự tuyệt chủng của thỏ giày tuyết khiến hệ sinh thái suy giảm

Các nhà nghiên cứu ở Wisconsin cho biết biến đổi khí hậu đã khiến loài thỏ giày tuyết chết dần nhưng họ đặt câu hỏi vì sao các loài khác cũng biến mất, có thể thú săn mồi đang thay đổi chế độ ăn uống của chúng khi thỏ giày tuyết trở nên khan hiếm hơn. Để tìm hiểu điều này, các nhà nghiên cứu đã đưa thỏ giày tuyết trở lại hệ sinh thái để xem liệu chúng có biến mất lần nữa hay không và xem điều đó có ý nghĩa gì đối với gà thông cổ bông và nhím. Nhà nghiên cứu Evan Wilson cho biết: “Việc mất đi một loài đơn lẻ có thể có tác động lan tỏa khắp cộng đồng”.

Sự biến mất của thỏ giày tuyết đã gây ra sự phân nhánh trong toàn bộ hệ sinh thái. (Nguồn: Evan Wilson)

Kền kền đen tăng mạnh ở Trung Tây

Khí hậu ấm hơn dường như đang thúc đẩy kền kền đen tìm đến các khu vực mới. Kền kền đen thường lớn và hung dữ hơn kền kền Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng là mối lo ngại đối với người nông dân vì luôn rình rập ăn thịt gia súc. Các nhà nghiên cứu lo ngại có thể xảy ra xung đột tại đây do quần thể kền kền đen ở Trung Tây tăng lên 63% ở một số khu vực.

Thằn lằn ngoại lai lấn át loài bản địa

Kể từ khi thằn lằn Anolis nâu quá giang trên những con tàu chở hàng đến Florida vào những năm 1800, chúng đã trở thành những “kẻ bắt nạt” đối với loài thằn lằn Anolis xanh bản địa. Chúng thích ứng với điều kiện sống tốt hơn và lấn át hoàn toàn loài thằn lằn Anolis xanh bản địa cả về số lượng và phạm vi sinh cảnh.

Thằn lằn Anolis xanh phải đối mặt với sự cạnh tranh từ thằn lằn Anolis nâu xâm lấn. (Nguồn: Harry Pepper)

Lợn rừng sinh sản tăng vào mùa hạt sồi

Để nắm bắt được quá trình sinh sản của lợn rừng ở Nam Carolina, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xác những con lợn bị tiêu hủy. Nhà nghiên cứu Sarah Chinn và đồng nghiệp phát hiện trong khi những con lợn sinh con quanh năm thì khả năng mang thai của chúng đạt đỉnh điểm vào những thời điểm nhất định trong năm, trùng với mùa hạt sồi. Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện này có thể giúp các nhà quản lý động vật hoang dã cải thiện phần nào các mô hình quần thể bị ảnh hưởng bởi sự xâm lấn của những con lợn rừng này.

Mèo át sói

Khi một cộng đồng ở Nam California chứng kiến sự gia tăng số lượng mèo nhà bị chết do bị sói đồng cỏ tấn công, nhiều ý kiến nghi ngờ loài sói này đang mạo hiểm vào các khu dân cư để săn mèo. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy chính những con mèo đang lang thang vào những khu vực ưa thích của chó sói đồng cỏ, số lượng mèo tăng đến mức chúng đang chiếm giữ nhiều ngóc ngách hơn, không chỉ trong không gian dân cư mà còn hiện diện cả trong phạm vi sinh cảnh của chó sói đồng cỏ.

Thùy Dung (Theo wildlife.org)