Chuyên gia kiến nghị quan trắc liên tục khu vực vụ cháy Rạng Đông

BVR&MT – Theo nhận định của giới chuyên gia môi trường, vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, nguy cơ sẽ gây ô nhiễm thủy ngân, làm nhiễm bẩn môi trường.

Hiện trường sau vụ cháy dãy nhà kho, xưởng của Công ty Rạng Đông. (Nguồn ảnh: Vietnam+)

Liên quan đến sự cố hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại kho, xưởng chứa bóng đèn, phích của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), giới chuyên gia môi trường đã bày tỏ quan ngại về mức độ nhiễm bẩn không khí, cũng như cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thủy ngân.

Nguy cơ ô nhiễm thủy ngân rất lớn

Theo báo cáo sơ bộ của Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân, trong khu vực xảy ra sự cố hỏa hoạn khoảng 6.000m2, có kho compact, kho bóng đèn huỳnh quang, kho phích, kho đèn bàn, vật tư ngành xưởng và một số kho xưởng nhỏ khác.

Trong lúc chữa cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), có hai cảnh sát phòng cháy chữa cháy và một người dân đã phải đưa đi cấp cứu do bị ngạt khói.

Đến nay, mặc dù vụ cháy không gây thiệt hại về người, tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, nguy cơ ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy là rất lớn.

Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, phó giáo sư Trần Hồng Côn – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cấu tạo của bóng đèn compact, đèn huỳnh quang bên ngoài là vỏ thủy tinh, nhựa, nhưng bên trong có hơi thủy ngân tạo ra tia cực tím chiếu vào vỏ huỳnh quang. Khi bóng đèn bị cháy, phần nhựa polyme có thể tách thành các phân tử monome (một loại chất độc hại), đồng thời thủy ngân, bột huỳnh quang bị nung trong nhiệt độ cao sẽ thành thể hơi, hòa vào không khí.

Khi các loại chất này phát tán với nồng độ cao sẽ gây hại sức khỏe con người với các triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở. Trong đó, thủy ngân là kim loại nặng độc hại, tích lũy dần trong cơ thể và khó đào thải. Nồng độ thủy ngân trong cơ thể tăng cao có thể gây thiếu máu cùng hàng loạt biến chứng nguy hiểm khác.

Theo bác sĩ Ngô Minh Hạnh – Bệnh viện 108, thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong các cơ thể sinh vật.

Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong.

Hiện trường vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. (Nguồn ảnh: Vietnam+)

Cần quan trắc liên tục

Liên quan đến thông tin trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sáng 30/9, đoàn cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường và Trung tâm quan trắc môi trường Hà Nội sẽ đến hiện trường kiểm tra, ghi nhận số liệu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị phía Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo thông tin vụ việc. Đồng thời giao Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) phối hợp với cơ quan môi trường của Hà Nội rà soát, đánh giá hiện trạng môi trường.

Theo đó, Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc sẽ cùng cơ quan môi trường Hà Nội tiến hành lấy mẫu không khí, nước, đất xung quanh khu vực xảy ra sự cố bằng các thiết bị hiện đại để tiến hành đánh giá thực trạng môi trường sau vụ cháy. Trên cơ sở đó, Tổng cục này sẽ đưa ra khuyến cáo phù hợp cho người dân.

Trong khi đó, theo tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, vụ cháy ở Công ty Rạng Đông chắc chắn là ảnh hưởng tới môi trường, thông tin nguy cơ ô nhiễm thủy ngân là hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng hiện vẫn mới chỉ là giả định và kết quả cuối cùng thì cần chờ cơ quan chức năng công bố.

“Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành lấy mẫu phân tích, bởi vụ cháy xảy ra tại các kho, xưởng khác nhau, và cả vật liệu xây dựng, nên có thể còn có nhiều loại chất khác chứ không chỉ mỗi thủy ngân. Vì thế, cần thời gian lấy mẫu, phân tích xem hàm lượng thủy ngân trong không khí và dưới đất bao nhiêu. Từ đó xác định chính xác chất gì, cũng như nơi cư trú của các chất có thể gây ô nhiễm và biện pháp cụ thể,” ông Tùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng lưu ý, trong xử lý chất thải, đèn huỳnh quang được xếp vào nhóm chất thải nguy hại. Các sự cố cháy nổ lớn thường có tác động môi trường lớn đến khu vực xung quanh, như ô nhiễm bụi mịn, phát thải các khí độc. Vì thế cần huy động cơ quan chuyên môn tiến hành quan trắc chất lượng không khí liên tục xung quanh khu vực cháy, trong đó có quan trắc hàm lượng thủy ngân trong không khí. Từ đó xác định mức độ ô nhiễm và có giải pháp xử lý phù hợp.

Vị chuyên gia Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng nhận định, sau trận mưa lớn xảy ra trong ngày hôm qua 29/8, mức độ ô nhiễm tại khu vực xảy ra vụ cháy có thể sẽ giảm. Hàm lượng thủy ngân và khói, bụi độc hại trên các mái nhà, ngọn cây, trên nền đất có thể đã bị pha loãng và rửa trôi một phần.

“Dù vậy, nguồn nước vẫn ngấm xuống đất, ảnh hưởng đến nước ngầm… Vì thế, trong thời gian chờ kết quả quan trắc, trước mắt, người dân sinh sống quanh khu vực xảy ra vụ cháy, nên áp dụng theo hướng dẫn, thông báo của chính quyền địa phương, để đảm bảo phòng ngừa và vấn đề sức khỏe,” ông Tùng chia sẻ thêm.

Hiện trường vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. (Nguồn ảnh: Vietnam+)

Không sử dụng nước trong bán kính 1km

Trước những lo ngại về vấn đề sức khỏe và môi trường, ngày 29/7, Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình đã có văn bản yêu cầu người dân không sử dụng thực phẩm nuôi trồng trong bán kính 1km kể từ khu vực kho bị cháy.

Theo thông báo trên, sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, nhiều khói bụi còn tồn dư, không khí bị nhiễm bẩn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình khuyến nghị người dân không sử dụng thực phẩm (rau, hoa quả, thịt, cá,…) được nuôi trồng trong bán kính 1km (kể từ tâm đám cháy) trong thời hạn 21 ngày.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo việc sơ tán trẻ nhỏ, người già, người ốm ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng trong thời gian từ 1 đến 10 ngày. Nếu có biểu hiện bất thường, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế kiểm tra.

Người dân không nên sử dụng nước tại các bể chứa hở trong bán kính 1km kể từ tâm đám cháy. Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình đề nghị người dân tiêu hủy các loại trái cây, rau trồng trong bán kính 500m. Nếu tiếp tục trồng, người dân nên thay đổi đất, dung dịch thủy canh mới để đảm bảo không bị ô nhiễm.

Ngoài ra, người dân cũng được cơ quan chức năng khuyến cáo nên rửa mắt mũi, xúc miệng họng hằng ngày bằng dung dịch natri clorid 4-6 lần một ngày trong thời gian 7-10 ngày tính từ khi xảy ra cháy; đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Đồng thời thay, giặt toàn bộ quần áo nhiễm khói bụi do cháy bằng cách giặt sạch nhiều lần sau đó ngâm xà phòng nóng trong 70-80 độ; thau rửa các vật dụng chứa nước, vật dụng sinh hoạt có bám bụi. Tiêu hủy các loại rau, trái cây tự trồng trong vòng bán kính 500m tính từ tâm đám cháy.

Sau khi đám cháy xảy ra, Sở Y tế Hà Nội cung đã có chỉ đạo Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân phối hợp với cơ quan công an để kịp thời công tác cứu chữa. Khi cơ quan công an kết thúc điều tra nguyên nhân thì yêu cầu thu dọn các phế liệu sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh sau đó phun thuốc.