Chuyển đổi số trong báo chí không nên làm theo phong trào, cần bình tĩnh căn cứ vào tình hình thực tế

BVR&MTTrong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trong cơ quan báo chí là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, không thể có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí, có những quy trình có thể rất thành công với cơ quan này, nhưng khi áp dụng lại hoàn toàn không hiệu quả với cơ quan khác. Vì vậy, để có thể chuyển đổi số một các hiệu quả nhất, trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người làm báo và các cơ quan báo chí.

Chuyển đổi số báo chí cũng chính là vấn đề được thảo luận trong Hội thảo “Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện – Xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại” do Liên hiệp cácHội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 14/10.

Trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, báo chí có vai trò quan trọng, mang sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Không đứng ngoài cuộc, báo chí thực hiện chuyển đổi số là quá trình tất yếu để tồn tại và phát triển. Thực tế, có nhiều tờ báo đã thực sự đổi mới, thay đổi phương thức làm báo, đưa tin, ứng dụng được công nghệ thông tin, bắt tay sớm vào chuyển đổi số.
TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường của VUSTA cho biết: “Không thể có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí, có những quy trình có thể rất thành công với cơ quan này, nhưng khi áp dụng lại hoàn toàn không hiệu quả với cơ quan khác. Bởi vậy, các cơ quan Quản lý Nhà nước về báo chí, truyền thông cần có phương án để chỉ đạo xây dựng phù hợp trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, để từ đó làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội trở thành dòng chảy chính về thông tin, có vai trò định hướng dư luận trên không gian mạng”.

Đồng tình với quan điểm chuyển đổi số trong báo chí là xu hướng tất yếu Nhà báo Đặng Đình Chấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập khẳng định: “Không phải cơ quan báo chí nào cũng nhất nhất thực hiện chuyển đổi số giống nhau. Trước hết phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cảm thấy cần phải làm, cần phải chuyển đổi số thì mới giữ chân được độc giả và duy trì sự ảnh hưởng. Nếu làm tốt có thể phát triển bền vững, thậm chí là tăng doanh thu”.

Hiện nay, báo chí không còn là một tờ báo đơn thuần mà phải hướng tới là một tổ hợp tin tức đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, cho dù về quy mô có sự khác nhau đối với mỗi đơn vị báo chí. Báo chí thực hiện chuyển đổi số phải đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa nguồn thu và xây dựng tòa soạn hội tụ thực chất để không còn có sự giằng co giữa cũ và mới.

Chia sẻ với phóng viên Bảo vệ Môi trường TV (www.baovemoitruong.org.vn), Nhà báo Đặng Đình Chấn cho rằng chuyển đổi số báo chí không chỉ là đầu tư thiết bị công nghệ mà còn cần tập trung làm nội dung cho tốt, vì không có nội dung tốt và gắn được với nhu cầu thực tiễn thì không có độc giả, cũng có nghĩa là không tạo được điều kiện để có nguồn thu cho tái đầu tư cho phát triển. Mà muốn có nội dung tốt thì yếu tố quyết định là “Con người”.

Ông Vũ Xuân Bân, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cũng cho rằng, cần chú trọng đào tạo hoặc đào tạo lại để có một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo, tinh thông các công cụ số và cách tiếp cận mới mẻ, một cách nghĩ khác, làm khác, tạo ra một kết quả khác biệt, hiệu quả hơn.

Trên tinh thần đó, không chỉ cơ báo chí mà lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí cũng phải nâng cao trình độ, thấm nhuần tinh thần và sẵn sàng đối diện với những thách thức trong quá trình chuyển đổi số để đủ năng lực định hướng thông tin kịp thời, nhất là trong lĩnh vực đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, bảo vệ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.

Theo đại biểu Phạm Bích San, Khoa Truyền thông đa phương tiện, Đại học Thăng Long, chuyển đổi số là quá trình hài hòa cân đối nhiều yếu tố. Nếu cố tình đột phá thật nhanh không tính tới đủ những yếu tố liên đới thì quá trình chuyển đổi có thể còn chậm hơn là tiến hành mọi sự một cách hài hòa. Do vậy, để chuyển đổi thành công và nhanh cần tính tới những yếu tố tác động, thay vì chỉ kêu gọi đơn thuần cần chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện.Thực hiện: Đình Trà – Tuyết Lan