BVR&MT – Chuyển đổi số được xem là phương tiện để doanh nghiệp ngành gỗ tiến đến sản xuất thông minh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, không có một giải pháp chuyển đổi số nào tối ưu cho tất cả doanh nghiệp và phải dựa trên thực tế quy trình sản xuất, quản trị của từng doanh nghiệp để có lựa chọn phù hợp.
Trên đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Chuyển đổi số ngành gỗ do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) phối hợp Quỹ châu Á (The Asia Foundation) tổ chức, ngày 23/9.
Khảo sát Novaon Tech về thực trạng chuyển đổi số trong ngành gỗ cho thấy, có 3 mục tiêu mà doanh nghiệp ưu tiên tập trung khi chuyển đổi số là tối ưu chi phí, tăng hiệu suất lao động, xây dựng thương hiệu/tăng doanh thu và tăng trải nghiệm khách hàng. Ngoài ra, nâng cao năng lực quản trị, đơn giản hóa quy trình quản lý cũng là mục tiêu của một nhóm doanh nghiệp ngành gỗ.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt khi tiến hành chuyển đổi số là thiếu đối tác chuyên nghiệp, có năng lực tư vấn, giải pháp tốt, cạnh tranh cao; doanh nghiệp lo ngại về chi phí bỏ ra ban đầu quá lớn; kỹ năng, năng lực công nghệ, năng lực đội ngũ nhân sự còn hạn chế.
Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp đối mặt với các khó khăn như các lãnh đạo chưa có mong muốn thực hiện chuyển đổi số, chiến lược kinh doanh chưa đặt chuyển đổi số là ưu tiên và quá nhiều phần mềm, không tích hợp được với nhau.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hawa cho biết, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp gỗ đã được đề cập khá lâu và đang là vấn đề được thảo luận sôi nổi nhưng chuyển đổi số trong doanh nghiệp vẫn chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu. Trọng tâm của bước đầu là con người, từ chỗ xây dựng nhận thức đến đào tạo năng lực cho đội ngũ nhân sự phụ trách chuyển đổi số của từng doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách, nhận thức giữa đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp với những người trực tiếp chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Bước thứ hai trong chiến lược chuyển đổi số là giới thiệu những giải pháp cụ thể phù hợp cho các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, chuyển đổi số phụ thuộc vào tầm nhìn cũng như tư duy của doanh nghiệp cho nên không có giải pháp nào có thể là hay nhất, bao quát cho tất cả doanh nghiệp mà chỉ có những giải pháp phù hợp cho nhóm doanh nghiệp hoặc chỉ một doanh nghiệp cụ thể. Cùng là chuyển đổi số nhưng các doanh nghiệp không nên máy móc, rập khuôn theo kiểu đồng loạt theo kiểu “may đồng phục” với các doanh nghiệp khác, điều này không tạo ra giá trị khác biệt và vô tình tự mình gây áp lực cạnh tranh lẫn nhau.
Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số thực tế tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Chủ tịch Scansia Pacific thông tin, là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nội ngoại thất cho các thương hiệu và hệ thống phân phối lớn tại châu Âu và châu Mỹ, công ty đã bắt đầu chuyển đổi số từ rất sớm, khoảng 10 năm trước. Giá trị mà chuyển đổi số mang lại là rất lớn nhưng để có được kết quả đó doanh nghiệp cũng trải qua nhiều giai đoạn tiếp cận, thử nghiệm để chọn ra giải pháp hiệu quả nhất.
“Để chuyển đổi số, trước hết doanh nghiệp phải chuẩn hoá các quy trình nội bộ, sau đó mới lựa chọn giải pháp phần mềm từ các đơn vị bên ngoài. Nhưng vướng mắc nằm ở chỗ các đơn vị cung cấp phần mềm thì không hiểu nhiều về sản xuất và ngược lại các nhân viên sản xuất thì lại không cóchuyên môn nhiều về phần mềm để tương tác, trao đổi trong quá trình phối hợp chuyển đổi. Đây cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải. Giải pháp của Scansia Pacific là xây dựng một đội ngũ phát triển phần mềm của riêng mình và việc này phát huy hiệu quả rất tốt. Đặc thù doanh nghiệp sản xuất là các vấn đề phát sinh khá nhiều và liên tục, nhờ có đội ngũ tại chỗ mà vấn đề được xem xét, giải quyết một cách nhanh chóng”, ông Nguyễn Hoài Bảo phân tích.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chuyển đổi số không phải là đích đến mà là phương tiện để doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về chất lượng quản trị, sản xuất và tiết kiệm chi phí. Cách vận dụng phương tiện đó cũng rất đa dạng, hiệu quả đạt được phụ thuộc vào nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, giải pháp cũng như mức độ kết nối các nguồn lực trong và ngoài doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp nào nhạy bén, linh hoạt trong việc lựa chọn lộ trình, giải pháp phù hợp sẽ đạt được hiệu quả cao.