Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đe dọa động vật hoang dã châu Á

BVR&MT – Tốc độ chuyển đổi nhanh chóng mục đích sử dụng rừng tự nhiên tại Đông Nam Á đã đặt nhiều loài động vật vào nguy cơ tuyệt chủng mặc dù chúng không được liệt kê trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Ảnh: Dieter Telemans / Panos
Ảnh: Dieter Telemans / Panos.

Theo một nghiên cứu bằng thiết bị viễn thám của Đại học Duke có trụ sở tại Mỹ, 79 loài động vật có vú, 49 loài chim cùng 184 loài lưỡng cư trong khu vực này hiện đang sống trong phạm vi diện tích ít hơn 20.000 km2 – một phạm vi cư trú “báo động” theo đánh giá của IUCN.

Nạn phá rừng tại Đông Nam Á được cho là nghiêm trọng nhất thế giới. Trong giai đoạn 2000-2010, các quốc gia trong khu vực này mỗi năm tàn phá khoảng 480.000 ha rừng tự nhiên, khiến môi trường sống bị chia cắt và xuống cấp trầm trọng. Tàn phá rừng đã giúp khu vực này chiếm tới 56% sản lượng cao su và 39% sản lượng dầu cọ trên toàn thế giới.

Nghiên cứu phân tích nhiều khu vực rộng lớn trong vùng lục địa Đông Nam Á bao gồm tỉnh Vân Nam Trung Quốc, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Đông Ấn. Kết quả cho thấy tốc độ phá rừng hiện tại đang đe dọa 122 loài động vật có vú, 183 loài chim và 214 loài lưỡng cư đặc hữu. Cách đánh giá truyền thống theo từng loài của IUCN có vẻ như còn cập nhật quá chậm mối đe dọa ngày càng lớn này.

Theo GS Stuart Pimm tại Đại học Duke, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ viễn thám để phân tích những thay đổi cảnh quan trên lục địa Đông Nam Á và ảnh hưởng của những thay đổi này đối với sự phân bố các loài động vật trong khu vực. Nhiều loài động vật không được xếp vào danh sách “bị đe dọa” trong khi thực tế hoàn toàn trái ngược. Chẳng hạn, loài sóc họng đỏ (Dremomys gularis) có vẻ như còn tồn tại đông đảo, trong khi hầu hết đang mất dần môi trường sống.

Có 4 loài động vật có vú, 9 loài chim và 7 loài lưỡng cư được IUCN liệt kê vào danh sách những loài ít được quan tâm đang sống trong môi trường có diện tích ít hơn 5.000 km2. Những loài động vật bị đe dọa khác bao gồm chuột chũi Assam, loài chuột Leopoldamys thuộc họ Millet, gà gô đầu hạt dẻ, chim khướu Malaysia và chim sẻ xanh Việt Nam.

Nhà động vật học Achmad Farajallah thuộc Đại học Nông nghiệp Bogor cũng đưa ra báo cáo tương tự tại Indonesia vào năm 2014. Ông khẳng định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang trồng cọ đã làm suy giảm ít nhất 45% đa dạng sinh học. Ông cũng cho rằng việc sử dụng công nghệ viễn thám trong đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của động vật không nên được coi là phương thức chính yếu. Bên cạnh phân tích nguy cơ thu hẹp môi trường sống, cần đánh giá thêm những nhân tố khác có thể tác động đến nguy cơ tuyệt chủng như các thông tin về thời gian, phương thức sinh sản, thức ăn và hỗ trợ từ môi trường bao gồm không gian và nơi trú ẩn.

Vũ Trâm (biên dịch)