Chuyện cô Phương nuôi lươn sạch

BVR&MT – Hành trình để đến được thành công như hôm nay đối với Phương không hề dễ dàng

Từng học nhiều ngành nhưng không như ý nguyện, cô gái trẻ Chung Thị Mỹ Phương (24 tuổi; ngụ xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) về quê, mạnh dạn khởi nghiệp nuôi lươn không bùn. Sau gần 3 năm kiên trì, áp dụng khoa học – công nghệ vào việc nuôi lươn, Phương đã gặt hái thành công như mơ ước.

“Duyên nợ” với lươn

Hiện là cô chủ của Trại giống lươn 97, với thu nhập từ nuôi lươn mỗi năm hơn nửa tỉ đồng, nhưng hành trình đến được thành công như hôm nay đối với Phương không hề dễ dàng.

Phương kể chị thích nghiên cứu lươn từ lúc học lớp 9 và không hiểu vì sao lại thích. Những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, do không học giỏi các môn khoa học tự nhiên nên chị không thể thi vào khoa thủy sản. “Tôi lên TP HCM học cao đẳng nhưng do gia đình khó khăn nên phải nghỉ học đi làm công nhân. Sau gần 2 năm, tôi dành dụm được một số tiền rồi khăn gói về quê khởi nghiệp với nhiều nghề nhưng đều thất bại. Lúc đó, tôi có ý định đi học lại nên lên Cần Thơ học về đàn guitar ở một trường cao đẳng văn hóa – nghệ thuật” – Phương nhớ lại.

Cô chủ Chung Thị Mỹ Phương bên bể nuôi lươn thương phẩm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Không ngờ, “duyên nợ” khiến chị gặp lại con lươn khi một lần cùng người bạn vào Khoa Thủy sản của ĐH Cần Thơ tìm tài liệu. Người bạn này cần những tài liệu phục vụ cho việc làm luận văn tốt nghiệp. Ở đó, Phương tình cờ phát hiện tài liệu nói về lươn. Máu thích nghiên cứu về lươn lại nổi lên. Những tháng ngày sau đó, Phương thu thập thêm nhiều bài viết, tài liệu về lươn để hiểu rõ đặc tính của loài này. “Tôi cũng có những dịp đi trải nghiệm thực tế khi tham quan các trại giống nuôi lươn ở Vĩnh Long, Cần Thơ… nên từ đó, con lươn luôn hiện hữu trong đầu. Học đàn được 2 năm, tôi nghĩ muốn đi dạy phải học thêm chứng chỉ sư phạm, lại tốn thêm thời gian. Thế là tôi quyết định dẹp bỏ hết, về quê khởi nghiệp nuôi lươn sạch” – Phương bày tỏ.

Khi biết quyết định của con, cha mẹ Phương không ai hài lòng nhưng vì ý chí quyết tâm của chị, gia đình đành xuôi theo. Với số vốn ban đầu chỉ 30 triệu đồng, Phương mua con giống, bạt phủ trên diện tích đất vỏn vẹn 12 m2 để nuôi lươn. Ở vụ đầu, Phương nuôi 4.000 con lươn thương phẩm nhưng không đạt hiệu quả. Đến vụ thứ hai, chị thu hồi chỉ được phân nửa số vốn ban đầu. Dù vậy, cô gái trẻ vẫn không nản chí. Đến vụ thứ 3, kết quả đạt cao hơn.

Đầu ra ổn định

Đặc tính của lươn là thích sạch nên nước trong bể nuôi phải được xử lý qua dàn lọc, mỗi ngày phải thay 2 lần để bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, cần pha thuốc chống sốc, trị bệnh đường ruột và điều cần nhất là thức ăn để lươn có sức đề kháng tốt. Vì vậy, Phương đã nuôi thêm trùn quế làm thức ăn cho lươn để bảo đảm dinh dưỡng giai đoạn đầu, giai đoạn sau cho ăn thức ăn công nghiệp.

Phương còn tạo con giống để nuôi và bán cho người có nhu cầu. Đến nay, diện tích nuôi lươn sinh sản và lươn thương phẩm lên đến 2.000 m2. Đối với lươn sinh sản, hồ nuôi có lót bạt phủ, rải đất rồi thả chúng vào. Lươn thương phẩm được nuôi trong bể bằng gạch men.

Phương thu hoạch trứng từ lươn bố mẹ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo lời Phương, có được thành công như hôm nay, ngoài sự cố gắng, luôn học hỏi, còn một phần may mắn là được nhiều người giúp đỡ. Khi đi học ở Cần Thơ, Phương làm phục vụ ở các quán ăn để kiếm thêm thu nhập. Chị tình cờ gặp một người làm trong công ty xuất khẩu thủy sản nên bày tỏ ý định nuôi lươn của mình. Người này hứa giúp, bảo Phương khi nào khởi nghiệp thì gọi điện thoại cho hay. “Lúc bắt tay vào làm, tôi liền gọi cho “quý nhân” này và họ đã cho người xuống trại của tôi hướng dẫn cách nuôi để đạt chất lượng” – Phương kể lại thời gian đầu khởi nghiệp của mình.

Phương cho hay hiện phần lớn lươn thương phẩm của chị đều bán cho một công ty chế biến thủy sản xuất khẩu ở TP Cần Thơ để sơ chế xuất khẩu sang Nhật hoặc bán vào hệ thống siêu thị tại các thành phố lớn.

Từ lươn giống đến khi đạt trọng lượng khoảng 2-3 con/kg có thể xuất bán. Trung bình 3-4 tháng, Phương sẽ xuất bán 1 vụ khoảng 4 tấn lươn thương phẩm. Bên cạnh đó, mỗi tháng Phương còn cung cấp 200.000-300.000 con giống cho các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Với 2 khoản thu về, sau khi trừ chi phí, trung bình cô chủ trẻ có thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. “Con lươn giờ “ăn vô máu” tôi rồi. Nuôi lươn khó hay dễ là do mình, nếu nản chí thì không bao giờ nuôi được, thu được thành quả từ lươn” – Phương khẳng định.

                             Sẽ thành lập HTX nuôi lươn sạch

Phương cho biết sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chị sẽ liên kết với nhiều hộ trong xã thành lập HTX nuôi lươn sạch. Chị sẽ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc… cho xã viên và bảo đảm đầu ra ổn định. “Thương lái thường ép giá người nuôi nên khi thành lập HTX, tôi sẽ đưa lươn thương phẩm vào siêu thị cũng như cung cấp cho các khách hàng khác, như vậy đầu ra sẽ ổn định” – Phương tự tin.