Chương trình MTQG: Hoàn thành sớm trước thời hạn với 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên cả nước

BVR&MT – Chiều ngày 11/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp báo về Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 sẽ được tổ chức vào ngày 19/10 tại thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) với khoảng 600 đại biểu tham dự. 

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện kết quả và tác động của 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, trong đó, tập trung đánh giá thành tựu, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; đồng thời, đúc kết kinh nghiệm, đề xuất định hướng, mục tiêu, giải pháp cùng hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình giai đoạn sau năm 2020.

Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.

Toàn cảnh hội nghị.

Tính đến hết tháng 9/2019, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, (tăng 10,6 tiêu chí so với năm 2010) và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; có 93 đơn vị cấp huyện (chiếm 14% tổng số huyện, thị xã, tỉnh trong cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, cả nước đã có 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Với kết quả trên, cả nước đã hoàn thành mục tiêu 5 năm (2016-2020) sớm hơn gần 2 năm so với mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao (đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới).

Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Với những kết quả vượt bậc đó, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã quyết định tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện chương trình ngay trong năm 2019 để dành thời gian cả năm 2020 tập trung vào xây dựng khung khổ chính sách, cơ chế và định hướng chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và hướng tới 2030.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp báo.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 sẽ được diễn ra tại Trung tâm Văn hóa 03/2, thành phố Nam Định vào ngày 19/10.

Cũng trong buổi họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về chất lượng công cuộc xây dựng nông thôn mới; phương hướng xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn tiếp theo; những bất cập về tiêu chí môi trường và văn hóa ngay tại những xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới…

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn, đời sống người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Dù vẫn còn một số điểm cần khắc phục, nhưng kết quả công cuộc xây dựng nông thôn mới là thực chất. “Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của một số ngành, có thể điều chỉnh chỉ tiêu nếu thấy còn thiếu hoặc chưa phù hợp với tình hình mới. Tiêu chí là mức chuẩn để đánh giá chứ không phải là mục tiêu hướng đến. Mục tiêu cao nhất của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Chia sẻ  tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, việc xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, không phải bây giờ mới thực hiện. Xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Nam Định là sự kế thừa và phát huy trong phát triển kinh tế nông nghiệp đã được thực hiện từ trước đó.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan (bên trái) và Thứ trưởng Trần Thanh Nam (bên phải).

Bên cạnh đó, Nam Định coi trọng việc khơi dậy, phát huy nội lực cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới, biến chủ trương của nhà nước thành hành động của người dân. Bởi xây dựng nông thôn mới đáp ứng cho chính cuộc sống của người dân.

Trên thực tế, chính người dân Nam Định đã có nhiều sáng tạo, sáng kiến để đưa chương trình nông thôn mới về đích. Vai trò của chính quyền là phát huy và khơi dậy, là cầu nối chia sẻ những điển hình thành công tại các địa phương để phong trào lan tỏa.

Ông Hoan cũng cho rằng, nếu chỉ trông vào ngân sách nhà nước thì rất khó để xây dựng nông thôn mới thành công. Vì vậy, cần thực hiện xã hội hóa để xây dựng các công trình nông thôn mới, đặc biệt là việc kêu gọi con em người Nam Định trong và ngoài nước hướng về quê hương xây dựng nông thôn mới.

Để làm được điều này, khi thực hiện các chương trình cần phải nêu cao tính công khai, minh bạch để người dân biết, dân bàn và chính người dân được kiểm tra công việc.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 sẽ được diễn ra tại Nam Định. Đây là hội nghị có ý nghĩa chính trị quan trọng, được tổ chức với quy mô lớn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị và các sự kiện bên lề. Bao gồm Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 – 2020; triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới; các hoạt động trình diễn sản xuất sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Thạch Thảo – Văn Trì