Đến cuối năm 2017, cả nước còn khoảng 7% hộ nghèo

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 - 2020)

BVR&MT – Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) Ngô Trường Thi cho biết, cuối năm 2016, tỷ lệ nghèo cả nước còn 8,23%; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn 44,93%. Đến cuối năm 2017, ước tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng dưới 7%. Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40%.

Huy động  mọi nguồn lực tập trung cho người nghèo

Cũng theo thông tin từ ông Thi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 chuyển cách tiếp cận người nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều. Giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều không đơn thuần chỉ là giúp người dân đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn là việc phải đảm bảo để mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Chính phủ đã Quyết định thành lập 1 Ban Chỉ đạo chung cho cả 2 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Ở cấp địa phương, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập 1 Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG. Trong 2 năm 2016-2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các Bộ, ngành sớm nghiên cứu, xây dựng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện theo Luật Đầu tư công. Đến nay, hệ thống văn bản về giảm nghèo đã cơ bản được hoàn thiện với khoảng 67 văn bản.

“Cầm tay chỉ việc” cho bà con cách trồng cây để phát triển kinh tế.

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng nguồn lực Ngân sách trung ương là 41.449 tỷ đồng.  Nguồn lực này đã được Quốc hội, Chính phủ giao trung hạn 5 năm cho các Bộ, ngành và địa phương, trong đó số vốn đã giao trong năm 2016-2017 là 14.584,211 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 2 năm (2016-2017), Ngân sách nhà nước đã bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng… Các địa phương đã thực hiện huy động xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, theo báo cáo sơ bộ: Tổng số tiền huy động dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2016 là 7.303 tỷ đồng.

Đặc biệt, để tránh chồng chéo, trùng lắp trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, các Bộ, ngành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách giảm nghèo. Các địa phương xây dựng kế hoạch và tích cực tổ chức triển khai thực hiện các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện…

Xây dựng các mô hình giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân

Ông Thi cho biết thêm, Chương trình mục tiêu quốc gia quốc gia giảm nghèo 2016 – 2020 gồm 5 dự án. Thực hiện Chương trình 30a, trong 2 năm 2016-2017, ngân sách Trung ương bố trí 6.465 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tham gia mô hình; trong 9 tháng đầu năm 2017 tổ chức đào tạo tiếng Hàn cho 556 lao động.

Trong 2 năm 2016-2017, ngân sách Trung ương bố trí 7.812 tỷ đồng thực hiện dự án Chương trình 135. Hỗ trợ đầu tư khoảng gần 2.000 công trình,  cơ sở hạ tầng thiết yếu, duy tu bảo dưỡng 318 công trình. Bên cạnh đó, Chương trình đã dành 136 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135. Các mô hình giảm nghèo hàng năm chủ yếu tập trung xây dựng và nhân rộng 3 loại mô hình: Mô hình giảm nghèo ở các vùng đặc thù, mô hình giảm nghèo liên kết giữa người nghèo với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với củng cố an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan báo, đài biên soạn, in và phát hành các tin bài, phim tài liệu, tuyên truyền về chính sách, chương trình giảm nghèo, về các gương hộ nghèo làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo.Song song với đó là tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Qua đó giúp cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở cơ sở có thêm kiến thức và kỹ năng tổ chức thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo.

Khánh Vân