BVR&MT – Vừa qua tại Lào Cai, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Cục Chăn nuôi (Bộ NN – PTNT) và Sở NN – PTNT tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội thảo “Phát triển chăn nuôi lợn bền vững ở Lào Cai” nhằm tìm ra giải pháp phát triển kinh tế bền vững, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo.
Trong những năm qua, ngành chăn nuôi ở tỉnh Lào Cai có sự phát triển đột phá cả về số lượng, chất lượng và hình thức chăn nuôi. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ thịt lợn không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Có thời điểm, giá thịt lợn hơi tại Lào Cai lên đến 50.000 đồng/kg, dẫn đến việc người dân ồ ạt mở trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gây khó khăn cho công tác quản lý, quy hoạch phát triển đàn. Khi giá lợn hơi xuống thấp, đã đẩy nhiều nông dân lâm vào cảnh thua lỗ, phá sản, người dân bỏ chăn nuôi hoặc chăn nuôi nhưng sử dụng thức ăn chất lượng kém, ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.
Chăn nuôi lợn là ngành kinh tế chủ chốt ở khu vực nông thôn của Lào Cai. Toàn tỉnh hiện có khoảng 70 nghìn hộ chăn nuôi lợn và hàng chục doanh nghiệp, trang trại nuôi lợn với quy mô lớn, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 50 nghìn tấn lợn hơi.
Hiện, tỉnh Lào Cai đã có quy hoạch phát triển chăn nuôi lợn tập trung số lượng lớn ở 10 xã; theo đó, duy trì đàn lợn nái khoảng 35.000 con, giảm khoảng 20.000 con để đảm bảo cung ứng 600.000 lợn giống cho thị trường. Chăn nuôi ở quy mô lớn cần sử dụng thức ăn công nghiệp đảm bảo chất lượng và chăn nuôi hộ gia đình sẽ cần tận dụng tối đa sản phẩm phụ trong nông nghiệp và đảm bảo 100% đàn lợn được tiêm phòng vắc xin đúng quy định.
Thị trường tiêu thụ thịt lợn ngày càng khắt khe, người tiêu dùng ngày càng khó tính, đòi hỏi chất lượng thịt cao, sạch bệnh, an toàn thực phẩm. Để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, tỉnh Lào Cai tập trung theo hai hướng:
Ở vùng thấp (như Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, TP. Lào Cai) phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại công nghiệp, HTX gắn với công nghệ cao, nuôi các giống lợn ngoại, lợn lai có tỷ lệ máu ngoại từ 75% trở lên, theo hướng VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Ở vùng cao (như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai) phát triển nuôi lợn đen bản địa, lợn “cắp nách” để tạo sản phẩm đặc sản hữu cơ, chất lượng thịt thơm ngon, an toàn thực phẩm. Đa dạng hóa sản phẩm như thịt lợn tươi, giò, chả, thịt lợn treo gác bếp, lạp xườn… gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu của sản phẩm, để nâng cao tính cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai thực hiện đồng bộ các giải pháp về con giống; thức ăn; thú y; đổi mới các tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết vùng và liên kết ngang, lấy hộ trang trại làm trung tâm; gắn sản xuất với giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Hoàng Tưởng