Đẩy mạnh nghề dệt truyền thống của người H’Mông – Sa Pa

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Xã Tả Phìn nằm cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) khoảng 12km,  là một trong những tuyến du lịch trọng điểm của huyện Sa Pa. Không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên, nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào người Mông, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Với mong muốn giúp đồng bào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, trong thời gian qua chính quyền huyện Sa Pa đã và đang nhân rộng nhiều mô hình trồng lanh và dệt thổ cẩm.

Hình ảnh người phụ nữ H’Mông gắn bó với khung cửi

Văn hóa người H’Mông không chỉ phong phú về ẩm thực, mà còn có những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống với những hoa văn chứa đựng những ý nghĩa hết sức tinh tế, mẫu mã đa dạng phong phú của đồng bào nơi đây được gửi gắm vào những tấm vải thổ cẩm.

Nghề xe lanh dệt vải đã co từ rất lâu đời của đồng bào người Mông trên mảnh đất Sa Pa, và thông Giàng Cha, xã Tả Phìn là một trong những bản có nghề thêu dệt truyền thống lâu đời và được gìn giữ qua các thế hệ. Họ đã khám phá ra những loại cây như cây tràm, cây lanh để làm ra những bộ trang phục truyền thống.

Chị Sùng Thị Pàng một thợ dệt thổ cẩm chia sẻ: Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, từ nhỏ tôi đã được cha mẹ truyền cho nhưng chỉ dệt áo, váy cho người dân trong bản, nhưng từ khi được chính quyền địa phương dạy thêm về các mẫu dệt thổ cẩm, sản phẩm của tôi và các chị em trong thôn được khách du lịch rất thích. Người dân trong thôn cũng dần thoát nghèo từ chính nghề truyền thống mà cha ông để lại cho mình.

Những tấm vải thổ cẩm khi hoàn thành.

Đến với nơi đây du khách bắt gặp là những hình ảnh phụ nữ, em bé Mông với những bộ quần áo sặc sỡ, du khách mới hiểu được sự đa dạng sắc màu trong trang phục của người Mông. Sự tinh tế được thể hiện qua từng đường thêu, mũi chỉ tạo nên những họa tiết tinh sảo là cả một quá trình lao động cần mẫn trong lao động và trí tưởng tượng của phụ nữ Mông, ngoài ra du khách còn được trải nghiệm cách dệt vải.

Nhìn đôi bàn tay khéo léo của những cô gái Mông đang từng ngày dệt nên ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc và hi vọng về một cuộc sống tươi đẹp. Đáp ứng  những mục tiêu giảm nghèo bền vững (2016 – 2020). Từ đó khích lệ sự sáng tạo, chủ động và nội lực từ chính cộng đồng và người dân để đạt tới đích thành công. 

Hoàng Chất – Chiến Hữu