Chuối rừng Bến Thân

BVR&MT – Vượt mấy cây số đường rừng dốc đá dựng đứng, dây leo chằng chịt ngăn lối, về đến bản, trái chuối rừng được phơi cho héo vỏ, săn thịt rồi tiếp tục qua bàn tay các mẹ, các chị trong bản Bến Thân (xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn) thái lát, phơi nắng thêm vài buổi mới có thể đóng bao mang ra chợ Đồng Sơn, Lai Đồng chào bán. Thế nên cùng với hương vị nắng gió của đại ngàn hùng vĩ, chất chứa trong mỗi lát chuối khô cứng, cong queo như mảnh đá bị bào mòn dưới đáy suối còn có vị mặn mòi, chát đắng của mồ hôi và cả những giọt nước mắt ngậm ngùi cực nhọc của những phụ nữ Dao luống tuổi cùng nụ cười rạng ngời của trẻ nhỏ trước mỗi bữa cơm có thêm chất tươi, manh áo mới ngày lễ Tết, khai trường…

Để thu hoạch chuối rừng, người dân Bến Thân phải lên núi từ khi mờ đất và trở về nhà lúc chiều muộn.

“Nghề phụ” trên núi

Đã quen giấc, trời còn mờ tối bà Đặng Thị Lan đã tỉnh ngủ lọ mọ dậy thổi cơm chuẩn bị bữa sáng. Đã thành thói quen thường nhật, ăn chắc dạ, chẳng cần nhìn đồng hồ, bà lại tất tả đeo dao mang gùi rời nhà nhằm hướng núi Suối Lùn sừng sừng đen thẫm cắm cúi sải bước. Cả đời trèo núi leo dốc, đi trên đất bằng, người bà cũng hơi chúi về phía trước, bước chân ngắn nhưng nhanh nhẹn, dẻo dai, bàn chân đặt xuống như găm chặt vào nền đất… Hơn ba cây số đường rừng với những vách đá dựng ngược, vực sâu hun hút, suối chảy xiết chặn ngang lối đi, mặt trời đứng bóng bà mới đến được vạt chuối rừng rậm um tùm mọc ven suối nơi lưng chừng núi. Len lỏi giữa những thân chuối to như thân người trưởng thành, cao hơn ba mét tìm kiếm, hồi lâu bà mới tìm được mấy buồng ưng ý. Sải tay dao hạ thân chuối, cắt buồng, tỉa nải khéo léo để vào gùi rồi nhấc thử. Chắc phải hơn hai yến, hơi quá sức của bà nhưng bỏ bớt lại thì tiếc, công sức cả buổi mới lên được đến đây… Ngồi nghỉ một lúc cho lại sức, bà bặm môi mang gùi trên lưng cắm cúi lần bước quay về, dáng người nhỏ bé như chúi hẳn về phía trước. Hôm nay may mắn tìm được chuối sớm, chắc chỉ khoảng 15-16 giờ là bà về đến nhà, vẫn kịp thái lát mẻ chuối lấy về hôm trước đã héo vỏ, chuẩn bị cơm chiều để có thể ngủ sớm, không phải lọ mọ đêm hôm như những lần tối nhọ mặt người mới về đến bản…

Cây chuối rừng đã trở nên quen thuộc, gắn bó với người dân Bến Thân.

Sau mấy chục năm len lỏi khắp các đồi núi quanh vùng, thậm chí còn sang cả mạn Sơn La, bà Lan thuộc nằm lòng các vạt rừng, khe suối, có thể đến chính xác từng địa điểm trên núi Trò, Suối Lùn, Suối Lải… tìm chuối rừng. Bước sang tuổi 67, sức khỏe ngày một giảm sút nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, gánh nặng cơm áo luôn là mối lo thường nhật nên bà vẫn phải thường xuyên đi rừng tìm kiếm các sản vật phụ để mưu sinh…

Thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, thung lũng Bến Thân được bao phủ bởi các ngọn núi đá vôi sừng sững với hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú. Bao đời nay, đồng bào dân tộc Dao nơi đây vẫn sống dựa vào các sản vật từ rừng. Trước đây, đàn ông con trai cứ cứng chân, chắc tay là biết đeo dao lên rừng phát nương, làm rẫy, đặt bẫy săn thú, lấy gỗ dựng nhà. Rừng đóng cửa, thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, các hành vi xâm hại rừng, vi phạm pháp luật đã chấm dứt. Thời điểm nông nhàn, thanh niên trai tráng giờ ra ngoài kiếm việc làm thêm. Cánh phụ nữ luống tuổi, sức khỏe hạn chế lại cần mẫn đeo gùi vào rừng tìm lâm sản phụ như chuối rừng, cây thuốc kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Sinh sống giữa bạt ngàn rừng núi, người dân Bến Thân chẳng ai lạ giống chuối rừng trước đây vẫn mọc đầy quanh nhà, ven suối, chặt bỏ mãi không hết. Có hình dạng giống cây chuối nhà nhưng thân chuối rừng cao to hơn, sức sống mãnh liệt hơn, hoa và quả có màu đỏ thẫm. Cũng căng tròn, thơm ngọt khi chín nhưng quả chuối rừng lổn nhổn những hạt cứng, có vị chát. Do đó chỉ người đi rừng lúc thật đói mới bẻ một vài quả cố nhằn hạt lót lòng, còn lại đều để mặc cho thối rụng, làm mồi cho chim chóc, cầy, chuột núi. Thời trước, thứ duy nhất có giá trị của cây chuối rừng là thân làm thức ăn cho con lợn cọc, đàn vịt suối và lá về gói bánh. Nhưng do thân mọng nước, nặng, cũng chẳng mấy người mặn mà đeo gùi mấy cây số đường rừng mang về. Miếng cơm hàng ngày còn chưa đủ, cả năm có mấy bận lễ Tết được gói bánh, nhu cầu lá gói không cao. Thế nên ít người quan tâm đến giống chuối này, thậm chí nhiều lúc phải mất công sức phá bỏ khi chúng mọc hoang lấn vào sân vườn.

Chuối rừng đạt độ già, căng vỏ, mọng thịt, chắc hạt sẽ cho sản phẩm chất lượng nhất.

Thế rồi mấy năm trở lại đây, thấy nhiều người tìm mua chuối hột rừng khô về làm thuốc, người dân trong bản mà chủ yếu là những phụ nữ luống tuổi đã chủ động “đổi nghề” thu hoạch, chế biến chuối khô. Sản phẩm làm ra một phần được anh Trần Văn Long, người quê Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) lên định cư mở cửa hàng tạp hóa thu mua vận chuyển về quê, phần được mang bán ở chợ phiên các xã lân cận. Nghe nói sản phẩm chuối hột, đặc biệt là chuối rừng ở vùng cao có tác dụng kích thích tiêu hóa, bài trừ sỏi thận, tăng cường thanh lọc cơ thể…, bà con cũng biết vậy để đi chợ quảng cáo với khách, còn quan trọng nhất vẫn là… giá bán dao động 20.000-30.000 đồng mỗi cân tùy chất lượng, thời điểm…

Nhọc nhằn góp nhặt niềm vui

So với chục năm trước, bản người Dao Bến Thân đã có những bước chuyển mình đến ngỡ ngàng. Đường bê tông bằng phẳng nối trung tâm xã với bản, thông sang cả Xuân Sơn. Sóng điện thoại, điện lưới Quốc gia về đến từng nhà. Các nhà xây kiên cố, khang trang, nhà sàn vững chãi xuất hiện ngày càng nhiều thay thế cho các nếp nhà lụp xụp, mái lá bạc phếch dãi dầu mưa gió. Ngay đầu bản, Nhà văn hóa khu dân cư, khu lẻ trường mầm non, tiểu học được đầu tư xây dựng tươi rói màu sơn mới… Tuy nhiên, so với các địa phương khác, Bến Thân vẫn là bản nghèo. Toàn bản có 136 hộ dân với 640 nhân khẩu thì có tới 81 hộ thuộc diện nghèo và 15 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Với tỷ lệ này thì chắc chắn Bến Thân thuộc tốp các khu dân cư nghèo nhất trong tỉnh.

Theo lời của đồng chí Lý Văn Theng – Bí thư chi bộ, Trưởng khu hành chính Bến Thân, cuộc sống của người dân trong bản nhiều năm nay vẫn dựa vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy. Cả bản có 13,5ha đất nông nghiệp cằn cỗi, khai hoang ven suối, sau bao năm cải tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại đến nay cũng đã cho canh tác hai vụ mỗi năm, năng suất dần tăng lên nhưng cũng chỉ đủ đảm bảo an ninh lương thực, hạn chế thấp nhất tình trạng ăn đong mỗi khi giáp hạt.

Núi rừng bao phủ bốn bề nhưng phần lớn diện tích thuộc rừng khoanh nuôi, bảo vệ nghiêm ngặt. Khoảng 50% hộ dân có đất rừng sản xuất trồng cây nguyên liệu nhưng diện tích không lớn, hiệu quả kinh tế không cao. Thế nên mấy năm gần đây, đàn ông trong bản có sức vóc là kéo nhau đi làm thuê khắp các vùng miền. Không trình độ, tay nghề nên công việc cũng phập phù, có lúc đi biền biệt cả năm, lúc lại nằm dài ở nhà suốt tháng. Được cái ra ngoài, cùng với thu nhập khá hơn hẳn làm ruộng, được tiếp xúc, va chạm nhiều, người dân trong bản cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế làm giàu.

Trước đây có mấy người Bến Thân biết giao thương chợ búa, thế mà hiện giờ rất đông các bà các chị biết căn lịch chợ phiên Đồng Sơn, Lai Đồng để mang bán nông sản, mua sắm các vật dụng thiết yếu. Chuối rừng khô là một trong các mặt hàng chủ lực của chị em mang ra chợ. Không khuyến khích nhưng cũng không ngăn cấm, bởi lẽ chuối rừng là lâm sản phụ, không thu hoạch cũng tự già chết, lãnh đạo khu dân cư chỉ nhắc nhở bà con thu hoạch chừng mực, không tận thu, giữ gìn để phục hồi, đặc biệt là các khu vực đầu nguồn nước.

Mấy hôm nay trời nắng gắt, dọc các con đường bê tông trong bản Bến Thân la liệt các nong, bạt phơi chuối khô. Nhanh tay đảo khoảnh chuối thái lát đã khô quắt trên tấm phên nứa để trước cửa nhà, chị Đặng Thị Phương cười tươi rói: “Chỉ hết hôm nay là có thể mang bán. Chuối được nắng, đẹp thế này sẽ có giá cao hơn…”.

Theo lời chị, cùng là quả chuối trên rừng, nhưng không phải cứ hái về là có thể mang ra chợ bán với mức giá như nhau mà phụ thuộc rất nhiều vào công sức lựa chọn, chế biến. Chuối rừng ra quả quanh năm, nhưng do không có lò sấy, không thể dùng gác bếp vì ám khói nên chỉ có thể đợi ngày nắng nóng để phơi khô. Hơn nữa, vào ngày hè, quả chuối cũng căng mọng, thịt trắng, hạt cứng, đen nhánh, được khách hàng ưa chuộng hơn. Cứ khoảng năm cân chuối quả tươi thì cho một cân chuối khô đạt chuẩn. Để đảm bảo năng suất, giá trị sản phẩm, người lấy chuối cần chọn những buồng già, sắp chín, quả đều và quan trọng nhất vẫn là… thời tiết. Gặp mấy buổi mưa liên tiếp, không thể phơi, công sức mấy buổi đi rừng trôi theo dòng nước mưa ngay…

Vất vả, cực nhọc, thu nhập không cao thế nhưng hầu như nhà nào ở bản Bến Thân cũng có phụ nữ đi rừng lấy chuối. Vẫn biết của chẳng tày công nhưng lúc nông nhàn, nghề phụ không có, thu nhập dù ít ỏi từ những bao chuối rừng khô cũng mang về không ít niềm vui cho những gia đình trong bản khi người già có thêm chút thức ăn tươi, đồng quà tấm bánh, trẻ nhỏ có thêm chiếc cặp, manh áo mới tới trường…

Chia sẻ với những khó khăn, nhọc nhằn của người dân Bến Thân, đồng chí Phùng Văn Đam- Phó Bí thư Thường trực xã Đồng Sơn bộc bạch: “Phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc Dao ở Bến Thân nói riêng cũng như người dân trong xã trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền xã. Mục tiêu là phải tạo ra ngành nghề phụ có thu nhập ổn định, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình theo hướng xa rừng. Chúng tôi đã đi tham quan một số mô hình trồng cây dược liệu và thấy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, quỹ đất của Bến Thân. Nếu thành công, đây sẽ là hướng đi triển vọng giúp bà con thoát nghèo bền vững…”.

Quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền xã cộng hưởng cùng tinh thần đồng thuận của người dân chắc chắn sẽ mang lại những chuyện vui, tốt đẹp giúp cuộc sống bớt khó khăn, vất vả. Đến lúc đó, sản phẩm chuối rừng khô Bến Thân sẽ mang sắc thái, hương vị khác, bớt đi vị mặn mòi, chát đắng của mồ hôi, nước mắt nhọc nhằn.