Chuỗi các phát hiện về Nam Theun 2

BVR&MT – “Cái chết dưới Nước – bài học toàn cầu từ mô hình thuỷ điện điểm của Ngân hàng Thế giới (WB) Lào” là cuốn sách mô tả một chuỗi các phát hiện về dự án Nam Theun 2 từ quá trình lên kế hoạch vào cuối những năm 1980, lấy ý kiến các bên từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, xây dựng và hoàn thành vào năm 2010. Con đập vốn là niềm tự hào của WB về quy mô và vẫn thường được WB ca ngợi về tính bền vững cũng như những đóng góp của nó đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Lào – một quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, đồng hành với dự án này là những chỉ trích của dư luận về sự ủng hộ của WB cùng các tổ chức tài chính đối với các con đập lớn có tác động xấu đến môi trường và xã hội trên toàn cầu và Nam Theun 2 là một trong số đó.

Đây không phải là lần đầu tiên Nam Theun 2 bị bóc mẽ, bởi từ khi “thai nghén” từ vài thập kỷ trước cho đến khi đi vào vận hành, dự án ồn ào này đã luôn vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng địa phương, giới bảo tồn và các tổ chức xã hội. Đây cũng không phải là cuốn sách duy nhất viết về Nam Theun 2 bởi trước đó WB đã từng xuất bản một cuốn sách công phu mô tả chi tiết quá trình Nam Theun 2 từ khi được ấp ủ cho tới lúc hình hài. Tuy nhiên, “Cái chết dưới Nước” là cuốn sách đầu tiên viết về mặt trái của Nam Theun 2 – dự án thuỷ điện được “bà đỡ” Ngân hàng Thế giới (WB) coi là hình mẫu lý tưởng, là điểm sáng thành công mà tất cả các đập lớn trên thế giới cần học hỏi – với những phân tích ngắn gọn nhưng sâu sắc và toàn diện. Tác phẩm có sự đóng góp của 17 cá nhân, trong đó có nhiều người từng gắn bó lâu dài với dự án trong vai trò nhà nghiên cứu độc lập, nhà phê bình hoặc nhà vận động, tuy nhiên, chấp bút chính cho công trình lịch sử này là Bruce Shoemaker và đồng biên tập viên William Robichaud – cả hai cũng từng tham gia vào dự án Nam Theun 2 từ những năm 1990 với nhiều cách khác nhau. Sách được Đại học Wisconsin Press xuất bản vào tháng 6 năm nay và trong, trước, sau khoảng thời gian này, hai tác giả đã tham gia khá nhiều buổi nói chuyện tại một số quốc gia trên thế giới nhằm giới thiệu nội dung cuốn sách và chia sẻ về những vấn đề liên quan tại khu vực Mê Kông.

Ngày 29/10/2018, Bruce Shoemaker đã có buổi giới thiệu cuốn sách tại Hà Nội với sự góp mặt của những đại diện đặc biệt quan tâm tới Mê Kông trong lĩnh vực quản trị nguồn nước, tái định cư, sinh kế và các vấn đề kinh tế, môi trường, xã hội khác.

Tác giả Bruce Shoemaker tại buổi ra mắt sách tại Hà Nội ngày 29/10/2018
Bruce Shoemaker là nhà nghiên cứu độc lập về những vấn đề tranh chấp tài nguyên và phát triển khu vực Mê Kông. Ông đã tiến hành nghiên cứu tổng thể tác động của đập Nam Theun 2 cũng như những dự án phát triển khác trong khu vực.

William Robichaud là nhà sinh vật học bảo tồn và một trong những lĩnh vực trọng tâm của ông là bảo tồn các khu rừng và động vật hoang dã quan trọng trên toàn cầu của lưu vực sông Nam Theun 2. Ông làm việc tại Đông Nam Á trong 25 năm và năm 2015, ông được IUCN trao Giải thưởng Harry Messel dành cho các nhà Lãnh đạo bảo tồn với những đóng góp vào việc bảo tồn ở Lào và Việt Nam.

Phát hiện đầu tiên có thể kể tới là trước bối cảnh xã hội dân sự tại Lào còn hạn hẹp, WB vẫn khuyến khích các tổ chức phi chính phủ quốc tế về bảo tồn và phát triển tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện dự án. Tuy nhiên, một trong những thiếu sót lớn là các tổ chức phải làm việc với các cơ quan chính phủ thay vì đảm đương nhiệm vụ đại diện cho tiếng nói và mong muốn của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, các tổ chức này có nhiều quan điểm trái ngược nhau về Nam Thuen 2 khiến các chiến dịch vận động chống lại dự án bị hạn chế trong khi tiếng nói của các NGO địa phương không mang lại lợi ích đáng kể.

Điểm thứ hai, Nam Theun 2 được xây dựng trên một khu vực giao thoa giữa các sắc tộc gồm Thái, Xiêm, Việt, Chăm, Khmer và Lào nhưng lại không có sự hiểu biết rõ ràng về sự đa dạng này. Các tài liệu dự án được tổng hợp từ việc thu thập thông tin theo cách đánh giá nhanh mang tính bề mặt. Vì vậy người dân bản địa càng dễ bị tổn thương bởi những tác động tiêu cực về môi trường và xã hội. Kết quả là 17 làng với 6.300 người dân bị mất đất, trong đó 16 làng buộc phải di chuyển đến khu tái định cư mới ở vùng không bị ngập nước theo lời hứa của Công ty thủy điện Nam Theun 2 kèm kế hoạch đảm bảo 5 “trụ cột” khôi phục và cải thiện sinh kế của dân làng gồm nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp cộng đồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động phi nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, đất tại khu tái định cư hết sức cằn cỗi, gia súc bị chết hàng loạt, sản lượng nông nghiệp giảm sút khiến người dân phải đốn cây rừng và săn bắn động vật hoang dã, trong đó có loài Sao La vốn là động vật đặc hữu của Trường Sơn để mưu sinh. Nguồn sinh kế ổn định duy nhất hiện nay là đánh bắt thủy sản nhưng hoạt động này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như chất lượng nước đi xuống, quyền khai thác độc quyền của người dân không được đảm bảo và sự xâm nhập của những loài ngoại lai.

Phát hiện thứ ba, hồ chứa của Nam Theun 2 nằm trải dài theo rìa phía Tây của Khu Bảo tồn Nakai Nam Theun – vốn là Khu Bảo tồn quốc gia lớn nhất ở Lào bao gồm cao nguyên Nakai và phía động sông Nam Theun nhưng vào năm 2000, cao nguyên này đã lặng lẽ bị loại khỏi khu vực được bảo vệ nhằm giúp dự án được thực thi. Về nguyên tắc, WB đã vị phạm chính sách bảo vệ sinh cảnh sống tự nhiên tại khu bảo tồn của chính mình. Ngoài ra, Cơ quan quản lý và bảo vệ lưu vực (WMPA) cũng được thanh lập để sử dụng quỹ 25 triệu đô la Mỹ mỗi năm trong giai đoạn nhượng quyền 25 năm của Nam Theun 2. Tuy nhiên, vào cuối năm 2014, Cơ quan giám sát độc lập và tín nhiệm quốc tế PoE đã báo cáo về hoạt động kém hiệu quả của WMPA. Hiện WB, WMPA và Chính phủ Lào đang thiết kế các mô hình quản lý mới cho Khu Bảo tồn Nakai Nam Theun.

Điểm thứ tư, đối với các vấn đề ở hạ lưu, nơi 150.000 người dân sinh sống dọc sông Xe Bang Xai – con sông tiếp nhận khối lượng lớn nước hồ chứa sau khi nó đi qua tuabin, người dân phải đối mặt với nỗi lo sụt giảm sản lượng cá, mất vườn ven sông do mực nước biến động, ngập lụt trong mùa mưa, thay đổi chất lượng nước, đặc biệt là các chương trình bồi thường và sáng kiến không đầy đủ hoặc không phù hợp do WB và Công ty thủy điện Nam Theun đưa ra. Cuối cùng, khi WB chấm dứt tham gia vào Nam Theun 2, các vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Thứ năm, Dự án Nam Theun 2 hứa hẹn sẽ mang đến nguồn lợi cho doanh thu nhà nước và góp phần giảm nghèo, tuy nhiên, WB gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mục đích sử dụng nguồn thu này khiến cho Nam Theun 2 liên tục bị WB đánh giá là “không đạt”. Nhiều bằng chứng cho thấy Nam Theun 2 chưa đạt được mục tiêu giảm nghèo dề ra như việc Chính phủ Lào rơi vào khủng hoảng tài chính năm 2013 sau khi dự án đã hoạt động trong thời gian dài và tình trạng tham nhũng leo thang dựa theo báo cáo của Chính phủ năm 2015. Cuối cùng, nguồn quỹ cho chương trình giảm nghèo vốn dĩ được dự toán từ Nam Theun 2 nay lại phải “cấu” từ nhiều nhà tài trợ quốc tế khác.

Cuối cùng, các tác giả rút ra ba bài học lớn từ thất bại của Nam Theun 2 bao gồm (i) Cần thúc đẩy sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân Lào bên cạnh các thể chế chính thức, tránh kết luận vội vàng và méo mó; (ii) Xem xét vai trò của Thái Lan vì phần lớn điện ở Nam Theun 2 được bán cho Thái Lan và quản lý dựa trên nhu cầu sử dụng điện của người Thái, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điều hòa ở Băng Cốc; (iii) Cần khơi dậy các thảo luận về “thủy điện bền vững” trong bối cảnh một làn sóng công nghệ thủy điện từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam bùng nổ nhằm thay đổi các biện pháp an ninh và đánh giá của các cơ quan tài chính cùng các các cơ quan liên quan khi xây dựng dự án thủy điện.

Phạm Huyền

CHIA SẺ