Thủ đô Hà Nội trong ngày đầu tiên giãn cách xã hội

BVR&MT – Theo ghi nhận của Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, trong ngày đầu tiên giãn cách áp dụng Chỉ thị số 17/CT-UBND theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phố phường Hà Nội trở nên vắng vẻ hơn, nhịp sống và sinh hoạt của người dân cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, chính sự chỉ đạo và sự vào cuộc sát sao của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và đặc biệt ý thức của nhân dân Thủ đô lại đang là “điểm tựa” để tin tưởng vào sự thành công trong công cuộc phòng chống dịch những ngày sắp tới.

Bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 24/7, TP. Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lần thứ 2 thành phố Hà Nội thực hiện việc giãn cách kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện trên địa bàn. (Trong ảnh: Quảng trường Ba Đình vắng vẻ trong ngày đầu giãn cách).
Hồ Hoàn Kiếm – Trái tim của Thủ đô Hà Nội.
10h00 sáng, phố đi bộ Tràng Tiền sầm uất giờ chỉ còn lác đác vài bóng xe qua lại.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với với tòa nhà “Hàm Cá mập” nổi tiếng là nguồn cảm hứng bất tận của giới trẻ Hà Thành hôm nay trở nên vắng lặng khác thường.
Chợ Đồng Xuân cũng “khoác” lên mình vẻ đìu hiu hiếm có.
Các cửa hàng khu vực Phố cổ đều đóng cửa, tuân thủ nghiêm ngặt Chỉ thị của Thành phố.
Mặc dù vậy, nhu cầu về thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu của người dân vẫn được đáp ứng đầy đủ. (Trong ảnh: Lực lượng chức năng phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) lập chốt hướng dẫn người dân tuân thủ quy định phòng chống dịch trước khi vào chợ).
Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, anh Lê Đình Thắng, cán bộ phường Đồng Xuân (ngoài cùng bên phải ảnh) cho biết: “Chúng tôi bố trí lực lượng tại 5 chốt tại những khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn, nhất là các chợ cung cấp thực phẩm. Tất cả các biện pháp phòng chống dịch được chuẩn bị chu đáo và tuân thủ đúng biện pháp 5K của Bộ Y tế”.
Cũng theo anh Thắng, nhờ có sự đồng thuận cũng như ý thức tự giác cao của người dân, tất cả những biện pháp phòng dịch đều phát huy hiệu quả, thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Cô Bùi Thị Hải, tiểu thương chợ thực phẩm Đồng Xuân chia sẻ, ngày đầu áp dụng giãn cách cũng là ngày Rằm, tuy bán được ít hàng hơn so với mọi khi nhưng cả người mua lẫn người bán ở đây đều yên tâm khi có lực lượng chức năng khuyến cáo và hướng dẫn rất ân cần.
Cách đó không xa, một quầy thực phẩm bình ổn giá đã “mọc lên” ngay tại số 4 phố Hàng Cân với mục tiêu hỗ trợ bà con chống Covid.
Chị Lưu Hương Giang, chủ quầy bình ổn chia sẻ: “Quán chị trước dịch bán chè 4 mùa. Nay giãn cách chị mở quầy thực phẩm bình ổn giá để hỗ trợ bà con trong những ngày tới. Mong bà con mình mua được thực phẩm đúng giá chứ mấy ngày nay nghe giá tăng các loại thấy thương bà con quá”.
Phố Văn Miếu ngày đầu giãn cách.
Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng nối liền giữa thủ đô và quận Long Biên và các vùng lân cận phía đông không còn hình ảnh quen thuộc của các phương tiện nối đuôi nhau ùn tắc mỗi ngày.
Anh Ngô Văn Thành, một tài xế công nghệ thường trú tại quận Long Biên cho hay: “Ngày đầu áp dụng giãn cách cánh shipper chúng tôi cũng rất trăn trở. Ngày thường có thể kiếm được 400 ngàn nhưng nay nhu cầu lại càng hạn chế vì một số nhu yếu phẩm không được phép vận chuyển theo Chỉ thị mới nên chắc chỉ kiếm được khoảng 200 ngàn thôi. Dù vậy tôi rất tin tưởng vào công tác chống dịch của thành phố và hy vọng mọi người dân đều ý thức được điều đó”.
Hình ảnh Ga Hà Nội.
Phố Xã Đàn – Một trong những tuyến giao thông huyết mạch nối quận Đống Đa và Hai Bà Trưng cũng trong tình trạng vắng người qua lại.
Tình cảnh tương tự trên tuyến phố Xuân Thủy – Cầu Giấy.
Chợ Nhà xanh trên phố Xuân Thủy nổi tiếng là một trong những khu chợ bình dân đông đúc bậc nhất Thủ đô cũng không một bóng người.
Bến xe khách Mỹ Đình.
Tại quận Hà Đông, nhiều tuyến đường mật độ giao thông đã giảm hơn so với mọi ngày.
Nhiều hàng quán cùng tạm dừng hoạt động trong mùa dịch COVID-19.
Mặc dù lượng người tham gia giao thông trên các tuyến phố Hà Nội khá vắng vẻ nhưng tại các Trung tâm thương mại lớn như Big C, Aeon Mall… lại khá đông đúc. (Trong ảnh: Người dân tập trung khai báo y tế trước khi vào mua hàng tại Siêu thị Big C Thăng Long).
Các bạn trẻ khai báo y tế trực tuyến bằng mã QR code.
Đại diện Siêu thị Big C cho hay, mặc dù TP. Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội song các mặt hàng nhu yếu phẩm vẫn được đơn vị đảm bảo phân phối hàng ngày, không có hiện tượng khách đổ xô đi mua tích trữ như những ngày trước đó.
Người dân chủ yếu tìm tới các gian hàng thực phẩm tươi như: Rau, củ, quả, thịt, trứng, cá…; phần lớn cho biết họ không có tâm lý lo lắng phải tích trữ lương thực, thực phẩm vì tin tưởng TP. Hà Nội sẽ đáp ứng tốt nhu cầu trên.

Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường tiếp tục thực hiện ghi nhận những thông tin, hình ảnh thực tế, chính xác về công tác phòng chống dịch covid-19 của Hà Nội đến người dân thủ đô và cả nước trong nội dung tiếp theo.

Hậu Thạch – Đình Tưởng