Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: Hãy biết hy sinh tham vọng và ích kỷ để giúp thiên nhiên được bảo tồn và phục hồi

THÂM NHẬP THỦ PHỦ "HÀNG RỪNG" TẠI MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

BVR&MT – “Mỗi người hãy biết hy sinh các tham vọng ích kỉ của mình một ít, giúp thiên nhiên được bảo tồn và phục hồi cho chúng ta và thế hệ mai sau” – GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ về “những hình ảnh tàn sát thú rừng”.

Bài liên quan:

Bài 1: “Hàng rừng”… có nhiều trong các nhà hàng

Bài 2: Truy vết nguồn gốc “hàng rừng”

Bài 3: “Hàng rừng” bày bán công khai ngoài đường quốc lộ

Bài 4: Mục sở thị tủ đông lạnh chứa thịt thú rừng

PV: Sau khi theo dõi loạt bài phóng sự “Thâm nhập cung đường buôn bán động vật hoang dã tại Miền Trung – Tây Nguyên” của Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường ông nghĩ gì về nạn săn bắt, buôn bán động, sử dụng vật hoang dã ở nước ta hiện nay?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Nạn buôn bán động vật hoang dã thực sự là một vấn đề nóng. Việt Nam ta cũng là một trong những điểm thế giới cảnh báo tình trạng buôn bán động vật hoang dã, họ đã có nhiều động thái quan trọng nhằm kiềm chế tình hình.

Việc buôn bán động vật hoang dã từ các nước Lào, Campuchia, Myanmar chuyển sang Việt Nam rồi Việt Nam buôn bán sang các nước khác hoặc tiêu thụ trong nước… cũng dần được xiết chặt.

Chính phủ cũng rất quyết tâm thực hiện điều này, cụ thể, trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như Luật Lâm nghiệp năm 2017 đều cấm tuyệt đối các hành vi trên.

Theo tôi, để cải thiện tình hình còn khá là phức tạp như loạt bài phóng sự điều tra của Cơ quan Báo chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn đã chỉ ra, thì các lực lượng hải quan, công an, kiểm lâm phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa. Vì tính chất xuyên quốc gia, sự siêu lợi nhuận của loại tội phạm buôn bán “hàng rừng” này.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam.

PV: Thưa GS, tình trạng săn bắt động vật hoang dã như hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Bảo vệ động vật hoang dã, đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà Đảng và Nhà nước cũng đã nêu rõ, luật pháp quy định, thông tư cũng đề cập kỹ, các bộ ngành đều quán triệt bằng văn bản từ lâu.

Nhưng ý thức chấp hành của người dân còn thiếu. Do đó đã tiếp tay cho việc buôn bán động vật hoang dã, làm suy giảm tài nguyên và đa dạng sinh học. Rất đáng báo động!

Thành thử, là chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, trong đó có động vật hoang dã thì Thủ tướng Chính phủ đã duyệt từ năm 2000, thực hiện đến 2020 rồi tầm nhìn đến 2030 và 2045. Theo tôi thì: phải tuyên truyền, noi gương, giám sát, làm sao thực hiện nghiêm túc chiến lược đã đề ra đó.

Còn hiện tại, bây giờ làm sao có hành động cụ thể để tuân thủ các chủ trương hết sức đúng đắn trên. Không chỉ nói mà phải làm thật sự cho mục tiêu đó. Phải có những chính sách, pháp luật và thứ căn bản nữa là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho dân, bằng mọi giá phổ biến một cách hiệu quả giá trị quý báu của loài động vật trong hoang dã đối với con người và sự phát triển bền vững của thiên nhiên. Nó có các chức năng về sức khoẻ, sinh thái; văn hóa và cả tâm linh.

Nhiều loài động vật hoang dã bị săn bắt để giết thịt hoặc đem nấu cao.

Nó có nhiều chức năng và các giá trị đôi khi còn màu nhiệm nữa. Từ đó, cùng với nâng cao nhận thức, kêu gọi vận động, cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý, thậm chí xử lý hình sự, nhằm kiềm chế các tham vọng ích kỉ, muốn “ăn thịt” hết các loài hoang dã, muốn buôn bán vận chuyển chúng để trục lợi, bất chấp các hậu quả mà cả cộng đồng và thế hệ mai sau phải gánh chịu.

PV: Được biết, GS là người tâm huyết với các đóng góp lớn suốt nhiều năm qua cho công tác bảo tồn, nghiên cứu, viết sách về lĩnh vực bảo tồn động vật và động vật rừng Việt Nam, cảm giác của ông lúc này thế nào khi đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi của lịch sử bảo tồn động vật hoang dã ở nước ta?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Thế giới các loài động vật ngày xưa và bây giờ có nhiều điểm cứ là… khác nhau một trời một vực. Ngày xưa trong những năm mà tôi đi nghiên cứu, tức là trước khi Giải phóng Miền Nam thì hồi đó mình chỉ đi được phía Bắc thôi. Động vật rất nhiều, đặc biệt là ở vùng Tây Bắc và Đông Bắc.

Ví dụ, như có thể gặp con voọc mũi hếch vui vầy giữa thiên nhiên tuyệt bích. Chúng là loại đặc hữu của Việt Nam đấy, cả thế giới chỉ có Việt Nam có thôi. Mà hồi đó là năm 1962, tôi lên vùng cao huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, có khi gặp hàng trăm con voọc mũi hếch “xinh đẹp”. Tiếc là lúc đó không có máy để chụp ảnh, quay phim. Bây giờ gặp được con voọc mũi hếch ở ngoài hoang dã là rất khó. Ví dụ như thế.

Hay là các loài nai, bò tót. Sau năm 1975, tôi vào Tây Nguyên, vào Vườn Quốc gia York Đôn gặp những đàn bò rừng đến 40 con; gặp cả hổ ở trạng thái hoàn toàn hoang dã. Sợ quá phải…. bỏ chạy.

Nhưng từ năm 1995 trở về đây, thực sự là các nhà khoa học cả trong nước và quốc tế đi rất nhiều nhưng hầu như không có thông tin nào về việc nhìn thấy hổ. Ở VQG Pù Mát, vào năm 1999, lần đầu tiên ở Việt Nam một “bẫy ảnh” hiện đại do châu Âu tài trợ có chụp được một bức ảnh hổ Đông Dương ở trạng thái hoàn toàn hoang dã (từ đó đến nay không nơi nào của Việt Nam chụp được bức thứ 2 nữa)…

Một con lợn rừng bị giết vẫn còn vết máu đỏ tươi.

“Bây giờ số lượng động vật giảm đi rất nhiều. So với nghiên cứu trước đây của chúng tôi, mỗi loài, số lượng cá thể có thể giảm ít nhất 60-70%. Những người yêu động vật và môi trường như tôi rất là băn khoăn, lo lắng. Nếu ta không kiên quyết bảo vệ, thì chẳng bao lâu nữa, sự tuyệt diệt của nhiều loài đã làm hổng “mắt xích” sinh thái quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái tự nhiên và cả hệ sinh thái xã hội.

PV: Xin GS cho biết, để bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học, chúng ta cần phải có những hành động cụ thể và thiết thực như thế nào vào ngay lúc này?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Mình phải cố gắng bảo vệ môi trường sống. Chính vì thế mà quốc tế đang chuẩn bị cho nhiều hội thảo, hội nghị về biến đổi khí hậu vào tháng 11 năm 2021 này. Người ta đề cập nhiều và cấp thiết đến vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có các cái loài động vật hoang dã.

Bởi vì động vật hoang dã (là vật chủ trung gian quan trọng), là yếu tố liên quan mật thiết đến nhiều loại dịch bệnh, đến sức khỏe con người (trong đó có COVID-19 đang hành hoành hiện nay, như giới khoa học đã bước đầu kết luận..) – một khi người ta bắt bẫy, buôn bán, vận chuyển và ăn thịt chúng.

Chính vì thế việc nhân loại tiến bộ đã đưa ra lời kêu gọi cho giai đoạn từ năm 2020 đến 2030, là “thập kỷ phục hồi hệ sinh thái, phục hồi các quần thể động vật hoang dã ở trên thế giới”. Họ kêu gọi các quốc gia trên thế giới ủng hộ điều quan trọng này.

Vậy nên, các Nhà báo và cả giới truyền thông ngày càng giữ các vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền để cho nhân dân biết được ý nghĩa của bảo vệ động vật hoang dã và thiên nhiên nói chung.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Nhóm PV BVR&MT