Chủ động, quyết liệt ngăn dịch Covid-19 xâm nhập các khu chế xuất, khu công nghiệp

BVR&MT – Theo đánh giá từ Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, thời gian qua, dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trực tiếp ảnh hưởng tới công nhân, lao động (CNLĐ), nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trước thực trạng này, cán bộ công đoàn chính là một trong những lực lượng tuyến đầu đã và đang ngày đêm lăn lộn, triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đoàn viên, người lao động tại Bệnh viện K – đơn vị tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Covid-19 đang tiến công công nhân, lao động

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ ngày 27/4 đến nay, dịch Covid-19 đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với 1.892 ca mắc mới, trên tổng số 4.941 ca mắc, 41 người chết. Làn sóng dịch lần thứ tư này được nhận định phức tạp hơn nhiều các đợt dịch trước đó. Theo báo cáo từ các cấp công đoàn, đến 20 giờ ngày 21/5, đã có 882 ca dương tính là CNLÐ các doanh nghiệp (DN) và khu công nghiệp (KCN) tại 11 tỉnh, thành phố, gồm TP Hà Nội (23 ca), Bắc Giang (665 ca), Bắc Ninh (32 ca), Hưng Yên (4 ca), Phú Thọ (2 ca), Ðà Nẵng (91 ca), Tuyên Quang (1 ca), Sơn La (1 ca), Hải Phòng (1 ca), Thanh Hóa (1 ca), Hải Dương (1 ca).

Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LÐLÐ Việt Nam) Hồ Thị Kim Ngân cho biết, đợt dịch lần thứ tư đã khiến nhiều bệnh viện phải phong tỏa, cách ly để kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến số đối tượng là bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ, công nhân viên chức có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 tăng cao. Tính từ ngày 17/4 đến nay, số lượng CNLÐ nhiễm Covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN- KCX). Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Thị Vân Hà cho biết, tính đến 20 giờ ngày 20/5, số CNLÐ toàn tỉnh nhiễm Covid-19 là 27 ca, với 568 F1 và hơn 5.300 F2. Nhiều khu dân cư, DN phải cách ly y tế theo quyết định của UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Bắc Giang, Nguyễn Văn Bắc cho biết: Ðến ngày 20/5, toàn tỉnh có 585 CNLÐ là F0, gần 10 nghìn CNLÐ thuộc đối tượng F1 và gần 33 nghìn người là F2. Cũng trong ngày 20/5, Ban Thường vụ LÐLÐ tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định về việc hỗ trợ đoàn viên, NLÐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ ngày 27/4 trên địa bàn tỉnh, với mức hỗ trợ hai triệu đồng/trường hợp F0. Ðối tượng đoàn viên, người lao động (NLÐ) là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được hỗ trợ 500 nghìn đồng.

Quyết liệt ngăn chặn dịch xâm nhập các KCN

Thời gian qua, LÐLÐ tỉnh Bắc Ninh luôn chủ động trong công tác phòng, chống Covid-19. Từ sau ngày 1/5, LÐLÐ tỉnh đề nghị DN tạo điều kiện để NLÐ làm việc luân phiên, bố trí ca kíp hợp lý, bảo đảm giãn cách xã hội nhưng vẫn an toàn; tuyệt đối không chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc nhằm ổn định quan hệ lao động trong thời gian xảy ra dịch. Hỗ trợ tiền ăn cho các F1 đang phải cách ly tập trung và bảo đảm thu nhập cho các F2 đang phải cách ly tại nhà để NLÐ yên tâm, tự giác khai báo y tế… Bên cạnh đó, Công đoàn kêu gọi các tổ chức, cá nhân đồng hành với LÐLÐ tỉnh trong hoạt động chăm lo NLÐ, hỗ trợ NLÐ bị ảnh hưởng; tặng quà các đơn vị đi đầu trong phòng, chống dịch. Sau năm ngày kêu gọi, đã huy động được gần 200 triệu đồng tiền mặt và hiện vật: gồm 740 suất quà, dược phẩm, khẩu trang… trị giá 133,5 triệu đồng. LÐLÐ trao 3.000 suất quà tặng CNLÐ ngoại tỉnh thuê trọ tại huyện Thuận Thành, mỗi suất ít nhất 5kg gạo. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể tặng thêm suất quà: bánh kẹo, sữa hoặc đồ dùng thiết yếu khác.

Theo số liệu khảo sát sơ bộ từ LÐLÐ tỉnh Bắc Giang, hiện có gần 50 nghìn CNLÐ đang bị cách ly tại khu nhà trọ trong toàn tỉnh. Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bắc Giang Ngô Ðức Thắng cho biết: Ðối với các trường hợp CNLÐ thuê trọ có hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn do phong tỏa, công đoàn các KCN chỉ đạo các công đoàn cơ sở rà soát các nhà trọ, lập danh sách gửi lên công đoàn các KCN để phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ các nhu yếu phẩm, như gạo, mì tôm, cá khô, lạc. Chiều 20/5, Công đoàn các KCN tỉnh xuống thôn Trung Ðồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên trao 1.555 kg gạo từ LÐLÐ tỉnh Bắc Giang tới CNLÐ đang thuê trọ tại thôn.

Phó Chủ tịch LÐLÐ thành phố Hà Nội Lê Ðình Hùng cho biết: LÐLÐ thành phố đã thành lập tổ cán bộ biệt phái gồm bảy thành viên, phối hợp cán bộ công đoàn các KCN – KCX Hà Nội, lãnh đạo các DN trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ổn định tình hình quan hệ lao động. Công đoàn Thủ đô đề nghị các cấp công đoàn phối hợp chính quyền đồng cấp hướng dẫn các DN thành lập Tổ an toàn Covid-19. Sau năm ngày triển khai, đến chiều 20-5, tất cả công đoàn cơ sở trong các KCN – KCX Hà Nội đã thành lập Tổ an toàn Covid-19. Ðược ví như những lá chắn thép bảo vệ NLÐ, các tổ an toàn Covid-19 nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả với lực lượng nòng cốt là cán bộ công đoàn, an toàn vệ sinh viên, CNLÐ trực tiếp tại các nhà máy. Kết quả tất cả 296 công đoàn cơ sở tại DN thành lập 1.889 tổ với 7.812 người tham gia. Nhờ hàng loạt các biện pháp, sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế, các cấp công đoàn Thủ đô góp phần hạn chế các ca lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn, trong KCX – KCN.

Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam, Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Tại các KCN – KCX chưa có CNLÐ dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 tuyệt đối không được chủ quan bởi ranh giới giữa địa bàn trắng F0 tới F0 là rất mong manh. Thời gian tới, các cấp công đoàn cần tiếp tục bám sát địa bàn, nắm vững tình hình, nhất là những địa bàn chưa có F0. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ những đối tượng là F2, F3 giúp đoàn viên, NLÐ khắc phục khó khăn; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chính sách, pháp luật cho NLÐ. Theo các báo cáo từ những địa phương có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao do có nhiều KCN như: Ðà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, tất cả đều cam kết sẽ nỗ lực hết mình, phối hợp chính quyền, DN, triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn, giảm đến mức thấp nhất tình trạng lây lan trong CNLÐ…

Sát cánh, đồng hành cùng đoàn viên, NLÐ chống dịch

Ðồng hành cùng NLÐ, Thường trực Ðoàn Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam quyết định dành kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, tổ chức một số đợt thăm hỏi, động viên tặng quà CNLÐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tương đương 1.550 suất quà với trị giá một triệu đồng/suất. Ðồng thời, dành kinh phí một tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức của 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa mỗi đơn vị 100 triệu đồng.

Tối 20/5, Tổng LÐLÐ ký Công văn số 2001 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong KCN có đông CNLÐ. Tổng Liên đoàn đề nghị Công đoàn các tỉnh, thành phố đang có dịch Covid-19 phối hợp cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân hảo tâm chăm lo chu đáo cho đoàn viên, NLÐ đang ở khu vực bị phong tỏa. Khi các điều kiện an toàn, sớm đưa cán bộ công đoàn, các tình nguyện viên vào trao quà, nhu yếu phẩm cho CNLÐ. Không để đoàn viên, NLÐ trong khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu đói. Công đoàn các cấp tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với tư tưởng chỉ đạo là thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhất là thông điệp 5K của Bộ Y tế. Chủ động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động chăm lo, hỗ trợ, bảo đảm chế độ, tiền lương cho đoàn viên, NLÐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nhất là các ca F0, F1, F2 và CNLÐ đang phải nghỉ việc do dịch, do thực hiện cách ly trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cơ quan nhà nước. Triển khai, hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc thực hiện chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLÐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ ngày 27-4 theo Quyết định số 2606/QÐ-TLÐ của Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn kịp thời, đúng đối tượng. Theo đó, hỗ trợ các ca F0 ba triệu đồng/ trường hợp.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị trực tuyến với các LÐLÐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư, công đoàn Tổng công ty trực thuộc về công tác phòng, chống dịch trong CNLÐ, Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam, Nguyễn Ðình Khang biểu dương các cấp công đoàn đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, cách làm sáng tạo hướng đến NLÐ, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch, nhất là ở những nơi dịch Covid-19 đang bùng phát. Xác định trong thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đồng chí Nguyễn Ðình Khang yêu cầu, công đoàn các cấp tuyệt đối không được lơ là, thực hiện nghiêm túc những phương án mà cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo; đồng thời phối hợp người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo đảm năng suất lao động, an toàn, hiệu quả.

Các cấp công đoàn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nắm tình hình đời sống của công nhân, căn cứ vào các quy định hiện hành để hỗ trợ cho những đoàn viên, NLÐ gặp khó khăn do dịch, kể cả những nơi chưa có tổ chức công đoàn. Tại DN chưa có tổ chức công đoàn, công đoàn cấp trên cơ sở phải chủ động hỗ trợ, giúp đoàn viên, NLÐ ổn định cuộc sống. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất chính sách lên Tổng LÐLÐ nhằm kịp thời chăm lo đoàn viên, NLÐ phòng, chống dịch, bảo đảm quan hệ lao động ổn định tại DN, nhất là DN tại các KCN – KCX.

Ðồng thời, Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Nguyễn Ðình Khang yêu cầu, từ nay đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức công đoàn các cấp tích cực phối hợp Ban Quản lý các KCN, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia để mỗi CNLÐ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, góp phần để ngày bầu cử toàn quốc diễn ra thành công, an toàn, hiệu quả…