BVR&MT – Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần cho biết, gần một năm trở lại đây, tình hình mưa lớn, sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trên địa bàn Long An diễn biến phức tạp, làm thiệt hại đến kết cấu hạ tầng, tài sản của người dân.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trạng thái La Nina sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2018, bão sẽ bắt đầu sớm ở Bắc Biển Đông.
Để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu, các sở, ngành, địa phương chủ động công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh được rà soát, kiện toàn; nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống lụt bão theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai.
Bên cạnh đó, nội dung phòng chống thiên tai được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, nhất là phòng chống lụt, bão, hạn hán, xâm nhập mặn, chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng, giảm thiểu tác động của thiên tai; rà soát, có kế hoạch chủ động di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ cao về rủi ro thiên tai, phương án đảm bảo an toàn đối với những hộ chưa có điều kiện di dời.
Tỉnh tiếp tục củng cố lực lượng, nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; chủ động gia cố nhà cửa, dự phòng lương thực, thực phẩm, chất đốt, nước sạch, thuốc men và các nhu yếu phẩm đến từng ấp, xã, đặc biệt ở vùng thưa dân cư, dễ bị chia cắt khi có mưa lũ.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quản lý việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là công trình giao thông thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, khu dân cư, đô thị tại khu vực ven sông… nhằm hạn chế do tác động thiên tai. Ngành chức năng tăng cường kiểm ra, xử lý nghiêm trường hợp khai thác cát và hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều…
Năm 2017, tỉnh Long An bị ảnh hưởng bởi lũ sớm trên địa bàn các huyện Đồng Tháp Mười, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp với gần 1.300 ha lúa Hè thu, Thu đông. Ngoài ra, bão số 14 gây thiệt hại hơn 3.600 ha lúa Thu đông, làm sập 13 căn nhà, tốc mái 98 căn nhà, làm đổ nhiều cột điện và cây xanh… Theo thống kê, ước tính tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2017 gây ra trên địa bàn tỉnh là hơn 176 tỷ đồng.
Riêng 5 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Long An đã xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng ven sông Vàm Cỏ tại huyện Cần Đước, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.