Chủ động cảnh báo, lập phương án phòng, chống thiên tai

BVR&MT – Thái Nguyên có nhiều huyện miền núi, địa hình dốc, nhiều sông, suối, hồ chứa, thường xuyên phải đối mặt với mưa, lũ, lốc xoáy, mưa đá, đặc biệt là những năm gần đây, thời tiết diễn biến cực đoan, bất ngờ gây thiệt hại không nhỏ. Ðể giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, tỉnh có nhiều giải pháp cảnh báo, chuẩn bị phương án phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai với tinh thần chủ động.

Công trình kè sông Cầu chống sạt lở đoạn qua phường Can Giá, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) được xây dựng hoàn thành trước mùa mưa, lũ năm nay.

Mới bước vào mùa mưa lũ năm nay, thời tiết tại tỉnh Thái Nguyên đã có những diễn biến bất thường. Rạng sáng 22/4, mưa lũ lớn cục bộ xảy ra ở sườn đông dãy Tam Ðảo thuộc thị trấn Quân Chu và xã Quân Chu, huyện Ðại Từ khiến cho 4 cầu tràn bị sạt lở, hư hỏng, đập Cây Kháo bị hư hỏng hoàn toàn; móng và tường rào Trường tiểu học và THCS thị trấn Quân Chu bị sạt lở; 80 m kênh mương, bảy công trình cấp nước tự chảy, một số tuyến đường bị sạt lở và vùi lấp; 15 gia đình bị nước tràn vào nhà gây hư hỏng tài sản vì người dân không kịp trở tay. Với sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng dân quân, xung kích tại địa phương đã khẩn trương hỗ trợ các hộ dân khắc phục hậu quả, vệ sinh nhà cửa để ổn định cuộc sống; các đập tràn bị sạt lở, hư hỏng cũng được khắc phục nhanh để giao thông trở lại bình thường.

Sườn đông dãy Tam Ðảo hàng năm thường xảy ra mưa lớn, với tinh thần chủ động phòng tránh mưa lũ, sau khi xảy ra trận lũ ống, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Thái Nguyên đã cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khảo sát thực tế, phát hiện nhiều khu vực tại sườn đông dãy Tam Ðảo có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, một số vị trí trên triền núi có nguy cơ sạt lở, đá lăn cho nên ngay lập tức chính quyền huyện Ðại Từ đã di dời khẩn cấp 13 hộ ở phía dưới.

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra 22 đợt thiên tai (nhiều hơn 13 đợt so với năm 2019), làm hai người chết, 16 người bị thương, hơn 3.400 căn nhà, 81 điểm trường, 13 công trình văn hóa, 10 trụ sở cơ quan bị ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau; hơn 200 ha lúa và hoa màu, 870 ha rừng bị thiệt hại, hơn 8.300 con gia súc, gia cầm chết. Với tinh thần chủ động phòng tránh, kịp thời khắc phục với phương châm “bốn tại chỗ” và năm 2020, tỉnh đã bố trí gần 157 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Kết quả là thiệt hại giảm đến mức thấp nhất, đời sống nhân dân, sản xuất sớm ổn định trở lại.

Bước vào mùa mưa lũ năm nay, tỉnh đã chủ động đề ra phương án phòng, chống, khắc phục kịp thời để giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại. Ðến nay, Thái Nguyên đã và đang lắp đặt 29 trạm đo mưa ở các xã xung yếu, có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống; lắp đặt 12 ca-mê-ra dọc sông Cầu, tại các điểm xung yếu để quan sát mực nước lũ trên sông Cầu.

Khi có mưa từ 50 mm trở lên, các trạm đo mưa, các ca-mê-ra quan sát mực nước sông Cầu sẽ thường xuyên truyền số liệu về cường độ, lưu lượng mưa đến các trưởng thôn, bản, lãnh đạo chính quyền, cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp. Qua đó, chính quyền địa phương, nhất là trưởng thôn, xóm sẽ cảnh báo kịp thời nguy cơ lũ ống, lũ quét, mực nước tại các ngầm tràn, mức nước trên sông Cầu cho người dân vùng hạ du biết.

Với bảy tuyến đê có tổng chiều dài hơn 48 km tại huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên, thời gian vừa qua, tỉnh và các địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng, xử lý các sự cố liên quan an toàn đê tại các điểm xung yếu; rà soát các phương án để thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, phương án cứu hộ. Theo đánh giá, các tuyến đê đáp ứng yêu cầu chống lũ. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chuẩn bị, tập kết 3.500 m3 đá hộc, 80 nghìn bao tải, hơn 1.000 rọ thép, 800 m3 đá dăm, 17.600 m2 bạt chống sóng tại các kho của Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên sẵn sàng đưa ra sử dụng khi cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng cho biết: Ngay từ khi bước vào mùa mưa lũ năm nay, chúng tôi yêu cầu các sở, ngành liên quan, các địa phương tuyệt đối không chủ quan lơ là công tác PCTT –

TKCN; thường xuyên rà soát, kịp thời bổ sung để phương châm “bốn tại chỗ” vận hành hiệu quả, đồng bộ, thông suốt, trước mắt là bảo đảm để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra an toàn.