BVR&MT – Sáng nay (7/8), sau gần 3 giờ thương lượng, cuộc họp lần thứ 3 của Hội đồng tiền lương quốc gia về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2018 đã kết thúc. Các bên tham gia đồng ý với mức đề xuất cuối cùng là tăng 6,5% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2017.
Trong phiên họp sáng nay, khoảng cách về mức tăng giữa các bên đại diện cho chủ sử dụng lao động là VCCI và người lao động là Tổng Liên đoàn lao động đã được thu hẹp.
Trong phiên họp đầu tiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 13,3%, VCCI đề xuất không tăng.Tại cuộc họp thứ 2, ngày 28/7, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam rút xuống còn 8%, VCCI tăng lên thành 5%.
Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, cho biết sau khi bỏ phiếu, hội đồng chốt mức tăng cuối cùng là 6,5%. Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng sẽ làm báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hàng Nghị định tăng lương tối thiểu vùng 2018 trong thời gian tới.
Nói về mức tăng 6,5%, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: “Về phía Tổng Liên đoàn lao động, chúng tôi chưa thỏa mãn với mức tăng 6,5%. Khi đưa ra mức tăng 7%, chúng tôi đã có tính toán, chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp. Tính đến năm nay tình hình kinh tế xã hội cả nước đã có rất nhiều điểm sáng, việc tăng lương tối thiểu 2018, ít nhất, thậm chí, không thể thấp hơn mức của năm 2017”.
Về phía chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho rằng: “Chúng tôi cũng chưa hài lòng với mức tăng như vậy. Mặc dù tình hình kinh tế có thể được cải thiện, nhưng doanh nhiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về thị trường, lao động, môi trường kinh doanh và các yếu tố khác. Mức độ sản xuất kinh doanh có lúc này lúc khác, việc liên tục tăng lương tối thiểu trong 5 năm từ 2013-2017 sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng mong muốn người lao động cùng thông cảm, chia sẻ, gánh vác những khó khăn hiện tại, vì sự phát triển doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế nói chung”./.