Chợ Trung thu Hàng Mã rực rỡ sắc màu đồ chơi truyền thống

BVR&MT – Những ngày này, người dân Thủ đô và khách du lịch ghé thăm Hà Nội không thể bỏ qua con phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu bởi những món đồ chơi, trang trí. Những năm gần đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đã được người tiêu dùng ưa chuộng hơn so với các mặt hàng đồ chơi điện tử.

Đồ chơi Trung thu truyền thống đã được người tiêu dùng ưa chuộng.

Mỗi dịp Tết Trung thu, cả con phố Hàng Mã như khoác lên mình một bộ áo mới với đủ màu sắc rực rỡ bởi các mặt hàng như: Đèn ông sao, đèn lồng, mặt nạ, trống, dây kim tuyến trang trí… Năm nay một trong những hoạt động nổi bật nhất tại phố Hàng Mã chính là chợ Trung thu truyền thống chạy dọc các tuyến phố như Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Rươi…

Theo kế hoạch tổ chức chợ Trung thu truyền thống phường Hàng Mã năm 2019 của Ủy ban nhân dân phường Hàng Mã, hoạt động diễn ra từ ngày 30/8/2019 đến 13/9/2019 tại 6 điểm chủ yếu trên các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Rươi và các điểm giao nhau của các tuyến phố.  Với mục đích tổ chức các gian hàng, quầy trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm trung thu, đồ chơi cho thiếu nhi và các hoạt động lễ hội do Quận, phường tổ chức.

Ông Lê Công Huấn – Phó chủ tịch  Ủy ban phường Hàng Mã cho biết: “Trung thu năm nay UBND phường Hàng Mã xây dựng kế hoạch số 64KH-UBND ngày 16/8/2019, phường phối hợp với ban quản lý phố cổ tổ chức các đêm hội chợ rằm  ngay trên con Phố Bích Họa Phùng Hưng kết nối với không gian chợ Trung thu truyền thống tạo điểm mới hơn so với mọi năm. Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trưng bày các mặt hàng, gian hàng truyền thống, giới thiệu các làng nghề cho du khách trong và ngoài nước”.

Như mọi năm, các đồ chơi truyền thống có hình ảnh quen thuộc với người dân Việt như đèn lồng, mặt nạ, trống,… được bày bán số lượng nhiều. Những chiếc đầu lân, đèn ông sao 5 cánh, mặt nạ giấy bồi, trống tiêu vẫn được xếp vào hàng đầu tiên trong những lựa chọn tiêu dùng của người dân và trẻ em trước dịp Trung thu này. Những mẫu đèn cầm tay Trung thu được bán với số lượng lớn. Màu sắc đa dạng cùng những hoa văn truyền thống quen thuộc với người dân Việt Nam. Giá bán các loại đèn này vào khoảng 40.000 – 60.000 đồng/1 sản phẩm, các loại cỡ nhỏ chỉ 10.000 – 15.000 đồng/1 sản phẩm. Những chiếc đầu lân tùy vào kích cỡ giá giao động vào khoảng 500.000 – 800.000 đồng/1 sản phẩm.

Chị Thủy người bán hàng trung thu truyền thống hơn 30 năm nay tại 16 Hàng Lược chia sẻ: “Ngày nay các mặt hàng hiện đại xuất hiện nhiều trên thị trường, thế nhưng đối với gia đình chị thì điều đó không ảnh hưởng nhiều. Bởi các mặt hàng đấy chủ yếu là hàng của Trung Quốc ngày nào cũng có. Nhưng các mặt hàng truyền thống như đầu sư tử, đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi thì chỉ đến rằm trung thu mới có. Nó vừa an toàn lại mang nét truyền thống dân gian nên các phụ huynh mua nhiều cho con em mình mỗi khi trung thu về”.

Không gian Trung thu truyền thống trên con Phố Bích Họa Phùng Hưng thu hút giới trẻ và khách du lịch.

Điểm nổi bật của Trung thu năm nay là tổ chức các gian hàng truyền thống trên con Phố Bích Họa Phùng Hưng. Có thể nói đây là điểm thu hút giới trẻ và khách du lịch tới check – in bởi không gian độc đáo, mới lạ. Khi phố lên đèn cũng là lúc những chiếc đèn lồng trở nên lung linh. Dọc tuyến phố được trang trí tranh bích họa, giăng kín đèn lồng. Bên cạnh đó  những người nghệ nhân còn tự mình làm đen lồng kích thích sự tò mò của các em nhỏ và du khách. 

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó phòng hành chính  tuyên truyền hợp tác Quốc tế ban quản lý phố cổ Hà Nội cho hay: “Đây là năm thứ 2 ban quản lý phố cổ tổ chức các trò chơi, trưng bày sản phẩm truyền thống tại không gian Bích Họa Phùng Hưng. Các đồ chơi truyền thống luôn có tính giáo dục cao cho trẻ nhỏ thế nhưng ngày nay các đồ chơi ấy ngày càng mai một bởi sự trổi dậy của đồ chơi hiện đại. Với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, ban quản lý phố cổ đã nghiên cứu, tìm hiểu liên kết với các làng nghề tạo không gian mới cho trẻ nhỏ, vừa chơi vừa giáo dục và  người lớn cũng có không gian công cộng bổ ích”. 

Việc tổ chức làm các đồ chơi truyền thống cho trẻ nhỏ ngay tại các gian hàng mang ý nghĩa đặc biệt . Tạo không gian cộng đồng gắn kết những nét văn hóa truyền thống và hiện đại cho người dân. Hoạt động còn mang tính giáo dục lớn cho trẻ nhỏ và giới trẻ hiện nay. Giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống là một trong những ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức hoạt động thực tế này.

Mặc dù đón hàng nghìn khách đến đây mỗi ngày nhưng công tác an ninh luôn được các lực lượng công an ban quản lý chợ thúc trực. Tại các điểm đầu chốt, công an phường bố trí một đồng chí cảnh sát và một đồng chí tự quản luôn luôn đảm bảo duy trì từ sáng đến khi chợ kết thúc mỗi ngày theo chỉ đạo của quận. Tuy gặp nhiều khó khăn vì lý do khách quan nhưng lực lượng công an luôn cố gắng để các hoạt động ở chợ truyền thống diễn ra một cách tốt đẹp nhất. 

Hà Linh