Chính phủ giao Bộ NN-PTNT trả lời kiến nghị ‘giải cứu’ gỗ Hà Tĩnh

BVR&MT – Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn kiến nghị lần 4 của Hội doanh nghiệp Hương Khê, gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin giải cứu ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam cho Bộ NN-PTNT xem xét xử lý và có văn bản trả lời cho Hội.

Trước đó, sau lần làm việc với đại diện Bộ NN&PTNT, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Tổng cục Hải quan nhưng vẫn không được giải đáp khúc mắc, Hội DN Hương Khê tiếp tục có đơn kiến nghị, xin giải cứu gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các cơ quan quản lý.

Ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội DN Hương Khê cho hay, buổi làm việc với các cơ quan do Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, các bên liên quan đã trả lời không thoả đáng những thắc mắc của DN.

“Buổi làm việc đã kết thúc mà không đưa ra được kết luận nào nên chúng tôi tiếp tục có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng”, ông Đạt nói.

Văn bản chuyển đơn lần 4 của Hội DN Hương Khê xin giải cứu ngành xuất khẩu gỗ tới Bộ NN-PTNT, đề nghị trả lời bằng văn bản.

Trong đơn kiến nghị lần 4, Hội DN Hương Khê tiếp tục nêu, hiện rất nhiều lô gỗ đã nhập khẩu hợp pháp Trắc, Cẩm Lai, gỗ Hương … bị ách tắc trong khâu xuất khẩu bởi một thủ tục mang tính quản lý hành chính đơn thuần của cơ quan CITES.

“Cơ quan quản lý CITES Việt Nam áp dụng không đúng nội dung Công ước CITES và các quy định pháp luật trong nước đối với mẫu vật gỗ tiền công ước”, văn bản nêu.

Gỗ của các doanh nghiệp đã được nhập về nước có đầy đủ thủ tục, hồ sơ xuất xứ rõ ràng, đã thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Qua hồ sơ gỗ đã đủ căn cứ chứng minh các lô hàng của doanh nghiệp có trước khi được đưa vào quản lý bổ sung theo phụ lục II Công ước quốc tế CITES theo Thông tư 04 nêu trên.

Vậy nên hợp đồng mua bán gỗ và chứng từ liên quan chính là tài liệu chứng minh đây là mẫu vật tiền công ước chứ không cần thêm thủ tục hành chính là doanh nghiệp phải ra tận Hà Nội để xin thêm xác nhận của cơ quan CITES.

Hàng ngàn khối gỗ Trắc, Hương, Cẩm lai đang bị ách tắc vì quy định phải xin giấy phép CITES mới được xuất khẩu.

“Cơ quan quản lý Cites Việt Nam vô ý hoặc cố ý không áp dụng Điều VII Công ước Cites về “Các trường hợp miễn trừ” và Điều 1 Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006. Từ đó việc áp dụng Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ để bắt buộc tất cả các mẫu vật đều phải cấp Giấy phép (hoặc chứng chỉ) CITES là không đúng”, văn bản có nêu.

Văn bản trích dẫn một động thái mới đây của Tổng cục Lâm nghiệp khi trả lời đơn kiến nghị mặt hàng gỗ Giáng hương Tây Phi.

“Văn bản số 828/TCLN-CTVN ngày 06/6/2017, Tổng cục lâm nghiệp lại khẳng định “các lô gỗ Giáng hương tây phi nhập khẩu vào Việt Nam trước ngày 02/01/2017 thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của CITES và khi làm thủ tục thông quan không cần cấp giấy phép CITES nhập khẩu” và đề nghị Tổng cục Hải quan “tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa theo quy định”.

Tại sao cũng là mẫu vật tiền công ước, cùng một cơ quan ban hành văn bản nhưng lại có sự mâu thuẫn trong nội dung trả lời?

Hội DN Hương Khê bày tỏ sự quan ngại khi xin thủ tục cấp phép Cites, ảnh hưởng lớn tới DN, mất cơ hội kinh doanh vì tuy đã ký hợp đồng với bạn hàng, đã nhận tiền cọc nhưng không có CITES thì không được thông quan, không thể thực hiện được hợp đồng và bị phạt bồi thường thiệt hại.

Hội DN đề nghị, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam áp dụng đúng tinh thần điều VII Công ước quốc tế CITES và Điều 1 Nghị định 82/2006/NĐ-CP để miễn trừ cấp giấy phép, chứng chỉ đối với mẫu vật tiền công ước.

Trong trường hợp vẫn áp dụng phải cấp chứng chỉ Cites thì đề nghị giao quyền cho cơ quan kiểm lâm địa phương, để DN đỡ phải ra Hà Nội hoặc TP.HCM, tốn kém, khó khăn.