Chiến lược năng lượng của AIIB gây tranh cãi

BVR&MT – Ngân hàng Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) được khởi xướng và hoạt động với nguồn vốn chủ yếu của Trung Quốc đã kết thúc đợt tham vấn lần hai về chiến lược năng lượng của mình.

Từ khi ngân hàng được thành lập năm 2016, chiến lược năng lượng luôn được coi là phép thử quan trọng nhất đối với cam kết của chủ tịch AIIB, ông Jin Liqun, về việc sẽ thiết lập một ngân hàng xanh và sạch. Tuy nhiên, dự thảo chiến lược năng lượng của Ngân hàng vẫn gây nhiều tranh cãi vì chưa hẳn đi theo hướng mà ngân hàng cam kết.

“Năng lượng hiện đại”

AIIB đã công bố dự thảo Chiến lược năng lượng và tổ chức tham vấn rộng rãi trong vòng hai tháng hồi cuối năm ngoái. Dự thảo chiến lược đầu tiên nhận định rằng có đến 2 tỷ người ở châu Á vẫn phải sử dụng các nguồn năng lượng rắn và khoảng 460 triệu nguời chưa được tiếp cận với nguồn điện. Do đó, Ngân hàng phải tạm hoãn những vấn đề liên quan tới phát triển “xanh” lại để nhường chỗ cho những nhu cầu cấp thiết hơn của người dân.

Điều này cũng lý giải sự mơ hồ trong cách sử dụng cụm từ “năng lượng hiện đại” của Ngân hàng ở cả hai bản dự thảo chiến lược. Các nhà quan sát cho rằng “năng lượng hiện đại” không có nghĩa là sạch và tốt cho môi trường. Những khoản đầu tư của Ngân hàng tính đến thời điểm này đã phản ánh điều đó. Trong 9 dự án được ngân hàng phê duyệt thì có 4 dự án đầu tư cho năng lượng nhưng không có dự án nào đầu tư cho năng lượng gió hay mặt trời. Điều này có phần mâu thuẫn với những phát ngôn trước đây của Ngân hàng về chống biến đổi khí hậu. Những nguồn đầu tư của Ngân hàng thay vào đó lại tập trung vào việc điện khí hóa nông thôn, nâng cấp các nguồn năng lượng hóa thạch và xây dựng thủy điện “một cách có trách nhiệm”.

Một công nhân của nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc (Ảnh: Qiu Bo /Greenpeace)

Đầu tư “có điều kiện” cho than đá và thủy điện

Việc AIIB này có chấp nhận đầu tư cho nhiệt điện đốt than hay không đang trở thành mối quan tâm của quốc tế. Mặc dù ngân hàng này vẫn chưa chấp thuận khoản đầu tư nào liên quan đến điện than nhưng Dự thảo thứ hai đề cập đến việc cân nhắc vận hành các nhà máy sử dụng than, dầu sạch để thay thế cho những nhà máy cũ hoặc ở những khu vực không thể áp dụng các dạng năng lượng khác.

Có hay không nên đầu tư cho thủy điện cũng là vấn đề gây tranh cãi trong vòng tham vấn đầu tiên của dự thảo. Những người ủng hộ vẫn bảo vệ quan điểm thủy điện là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, không phát thải khí nhà kính, trong khi nhóm phản đối lại quan ngại về những tác động của việc xây đập tới hệ sinh thái và đời sống người dân. Tác động về lâu dài của việc phát triển thủy điện tới hệ thống sông ngòi ở châu Á là nguyên nhân gia tăng sự lo ngại của các nhà môi trường học và cộng đồng.

Tuy nhiên, AIIB vẫn khẳng định rằng việc tiếp tục phát triển thủy điện ở châu Á là không thể tránh được vì có đến 2/3 nguồn thủy năng tiềm tàng của khu vực vẫn chưa được khai thác. Đồng thời cũng phải kể đến ưu điểm giá thành rẻ của công nghệ này.

Ông Yu Xiaogang, tổ chức Green Watershed, cho rằng bản dự thảo chiến lược đã không đưa ra những đánh giá cẩn trọng và toàn diện về nguồn thủy năng. “Họ mô tả những lợi ích công nghệ và kinh tế của thủy điện nhưng không đề cập đến những tác động môi trường và xã hội của nó.” – Ông Yu nói.

AIIB hiện tại đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư cho việc mở rộng đập Tarbela ở Pakistan và đang cân nhắc tham gia dự án đầu tư nâng cấp nhà máy thủy điện Nurek ở Tajikistan. Ông Yu lo ngại rằng những dự án thủy điện quy mô lớn của AIIB sẽ khiến nhiều hộ dân phải tái định cư và phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác.

Năng lượng hạt nhân

Cũng có nhiều bất đồng trong vấn đề đầu tư cho các dự án năng lượng hạt nhân. Chủ tịch AIIB phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2016 rằng năng lượng hạt nhân có những lợi thế của một nguồn năng lượng sạch và với bài học từ thảm họa Fukushima chúng sẽ có thể được kiểm soát để điện hạt nhân trở lên an toàn hơn.

Dự thảo chiến lược đầu tiên của AIIB không hề đề cập đến việc đầu tư cho năng lượng hạt nhân, tuy nhiên vẫn để ngỏ cơ hội và nếu được công chúng chấp thuận thì dự án sẽ được cân nhắc ở một vài khu vực đặc biệt.

Tuy nhiên quan điểm của dự thảo chiến lược thứ hai lại cứng rắn hơn khi cho rằng sẽ chỉ cho phép đầu tư nâng cấp an toàn cho các nhà máy năng lượng hạt nhân đang vận hành trong vài trường hợp. Ông Yang Fuqiang, cố vấn cấp cao của Hội đồng Quốc phòng Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc, cho rằng AIIB có lẽ muốn ttránh các khoản đầu tư cho năng lượng hạt nhân vì e ngại không đủ nguồn lực và nhiều quốc gia châu Á cũng không đủ khả năng để phát triển nguồn năng lượng này.

Bình luận về chiến lược năng lượng của AIIB, ông Li Junfeng, người đứng đầu Trung tâm Chiến lược Biến đổi Khí hậu của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc cho rằng AIIB nên hội nhập vào xu hướng toàn cầu về năng lượng và ưu tiên đầu tư cho năng lượng tái tạo thay vì năng lượng hóa thạch. Trong khi đó, ông Yang cho rằng AIIB chỉ nên cân nhắc đầu tư than đá sử dụng công nghệ “sạch”. Ngoài ra, Ngân hàng cần hỗ trợ cho quá trình chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo.

Gia Quyên (Theo China Dialogue)