Chiến khu Đ: Khu rừng địa linh của tỉnh Bình Dương

BVR&MT – Đất nước đã giải phóng hơn 40 năm, thế nhưng những chiến công của quân và dân tỉnh Bình Dương vẫn còn nhớ mãi, những di tích lịch sử như: Rừng chiến khu Đ, Bầu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ… vẫn được bảo tồn và tái tạo nhằm giúp thế hệ trẻ sau này nhìn vào tấm gương của cha ông mà học tập.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tỉnh Bình Dương còn gọi với rất nhiều cái tên khác nhau như Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Tỉnh ủy Thủ Biên, tỉnh Sông Bé… Xảy ra nhiều biến động do chiến tranh và chủ trương tập trung phát triển kinh tế sau năm 1975, phải đến tháng 01/1997 thì tỉnh Sông Bé được đổi tên thành tỉnh Bình Dương. Thế hệ con cháu sau này chắc chắn sẽ vẫn còn ghi nhớ những di tích lịch sử, những trận đánh oai hùng của quân và dân tỉnh Bình Dương, những di tích lịch sử như Phú Lợi, Bầu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ… và đặc biệt là Chiến khu Đ vẫn còn lưu giữ những chiến công vang dội.

Bình Dương đang dần trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Bộ. Ảnh: Internet

Chiến khu Đ (nay thuộc huyện Tân Uyên) là căn cứ quân sự của miền Đông Nam Bộ, nơi đây để lại nhiều dấu ấn lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Được thành lập vào năm 1946, sau khi Pháp chiếm toàn bộ Tân Uyên, thì Mặt trận Việt Minh rút vào trong rừng sâu để lập căn cứ và Chiến khu Đ ra đời, nơi đây được xem là “vùng đất chết” cho thực dân Pháp và đế quốc Mỹ muốn phá hủy căn cứ này.

Chữ “Đ” có nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng nhiều người cho rằng chữ “Đ” chính là tên viết tắt của vùng đất Đất Cuốc, nơi vị tướng Huỳnh Văn Nghệ lập căn cứ đầu tiên thời kì chống Pháp. Trận đánh vang dội nhất của vị tướng Huỳnh Văn Nghệ chính là trận đánh La Ngà vào tháng 03/1948, đây được xem là trận chiến lớn nhất từ lúc Pháp tái chiếm Việt Nam. Trong trận đánh này, quân ta tiêu diệt được 02 đại đội địch, 63 xe camions và thiết giáp bắt sống nhiều chỉ huy của Pháp.

Chiến khu Đ là căn cứ kháng chiến lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ gồm các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Theo dòng chảy của lịch sử, chiến tranh lùi xa, hiện nay tỉnh Bình Dương đang phát triển mạnh, đặc biệt là Thành phố mới Bình Dương thu hút được nhiều đầu tư trong nước và quốc tế, nhiều cụm khu công nghiệp hình thành và phát triển giải quyết được bài toán việc làm cho công nhân. Dù xã hội phát triển từng ngày nhưng tỉnh Bình Dương vẫn duy trì tái tạo những di tích lịch sử để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, ngoài ra những làng nghề truyền thống của tỉnh vẫn còn phát triển như làng nghề sơn mài (làng Tương Bình Hiệp – Thủ Dầu Một, hình thành cách đây hơn 300 năm nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của người Việt), làng nghề gốm sứ (Tân Uyên – Hình thành cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đến nay chất lượng gốm sứ Bình Dương luôn được thị trường ưa chuộng), chạm khắc gỗ (thành Phố Thủ Dầu Một – hình thành cách đây hơn 200 năm, nổi tiếng với những điêu khắc gỗ cung đình, chùa, nhà cổ)…

Đoàn Caravan “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường” thắp hương ở Đài tưởng niệm Chiến khu Đ, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai.

Song song với việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống thì Bình Dương vẫn tập trung vào việc phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện tại Bình Dương đang có Khu Du lịch Đại Nam, một trong những Khu Du lịch lớn nhất Đông Nam Á, việc bảo tồn và tái tạo Làng tre Phú An cũng là một dự án lớn, ngoài việc bảo tồn phát triển các loại tre thì đây còn là nét văn hóa, truyền thống lịch sử mà ông cha ta để lại.

Bình Dương đang trở mình, dần dần trở thành một trong những trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Bộ, với vùng đất địa linh  – nhân kiệt này thì trong tương lai Bình Dương sẽ phát triển ngày càng vững mạnh từ kinh tế đến văn hóa truyền thống.

Vũ Nhân