Chiêm Hóa – Tuyên Quang: Những nông dân sản xuất giỏi ở xã đặc biệt khó khăn

BVR&MT – Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, xã Tri Phú hiện có 1.027 hộ dân, nhưng số hộ đi vào làm kinh tế thoát nghèo mới chỉ có 424 hộ. Tập trung ở các thôn Bản Tác, Bản Ba, Lăng Pục, Bản Nghiên….

Xã Tri Phú với 90% là người dân tộc thiểu số, những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đời sống của nông dân xã đã có nhiều khởi sắc, số hộ khá giàu tăng lên, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Anh Ma Văn Duy, thôn Bản Nghiên, Tri Phú (Chiêm Hóa) đang chăm sóc cây bưởi.

Đến thăm gia đình ông Ma Văn Lò, thôn Lăng Pục, với mô hình kinh tế tổng hợp, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ tạp hóa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2015, ông Lò đầu tư cải tạo 6000 m² đất đồi, đầu tư chuồng trại nuôi 50 con lợn, 500 con gà thả đồi, trồng 4ha chuối tây, xen canh cây rừng, trồng 200 gốc cam Vinh dự kiến năm nay sẽ cho thu hoạch.

Ông Lò cho biết: “Làm kinh tế từ VAC cần phải có kiến thức, khoa học kỹ thuật thì mới thành công, bản thân ông ngoài việc tham khảo qua sách, báo, ông còn bỏ nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi thành công ở trong và ngoài tỉnh để áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. Đến nay, gia đình ông Ma Văn Lò đã có cơ ngơi khang trang, thu nhập hàng năm của gia đình đều được khoảng 400 triệu tiền lãi sau khi đã trừ chi phí”.

Rời gia đình ông Lò, đến thăm gia đình thanh niên trẻ Đặng Đức Duy, thôn Bản Nghiên lúc anh đang nhễ nhại mồ hôi chăm sóc vườn bưởi ruột đỏ 800 gốc trên sườn đồi.

Anh cho biết: “Trước đây, gia đình chủ yếu chỉ sống bằng ruộng nương nhưng hiệu quả kinh tế thấp, đời sống tưởng chừng không bứt lên được. Năm 2010, anh bán thầu cho thương lái vườn nhãn 400 cây (họ tự chăm sóc và tự thu hoạch quả) được 120 triệu đồng”.

Dùng toàn bộ số tiền có được, anh cùng gia đình, cải tạo trồng mới 4ha rừng, xen canh trồng chuối tây, đào ao cá 2000 m², kinh tế đã có hướng đi lên, đến năm 2014, anh thuê nhân công cải tạo quả đồi gần nhà, trồng mới 800 gốc bưởi ruột đỏ đặc sản Tân Lạc (Hòa Bình). Trời không phụ công người, đến nay cây Bưởi đã bói những lứa quả đầu tiên, hàng năm cây chuối tây cũng mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng cho gia đình.

Dự kiến sang năm 2019, khi cây bưởi ra quả, cùng với nguồn lợi từ rừng, gia đình dự kiến sẽ thu khoảng trên dưới 1 tỷ đồng.

Bà con trồng rừng để phát triển kinh tế.

Ngoài những mô hình làm kinh tế có hiệu quả trên, còn phải kể đến các gia đình như : ông Ma Văn Duy, thôn Lăng Pục, với mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn nhất của xã trên 100 con; bà Hà Thị Cam, thôn Bản Ba với hơn 1000 gốc cam, bưởi; ông Ma Văn Chấn, thôn Bản Ba với mô hình chăn nuôi gà, cây ăn quả…..

So với tiềm năng phát triển kinh tế của xã, thì đây vẫn là con số rất nhỏ. Ông Bí Triệu Phúc Phương, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tri Phú vẫn còn đó không ít khó khăn, với hơn 200 hộ nghèo, nguyên nhân chính là thiếu kiến thức về phát triển kinh tế, tư duy ỷ lại, không dám nghĩ, dám làm. Nhưng gần đây, nổi lên các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã phần nào làm thay đổi tư duy trong đại bộ phận nhân dân.

Việt Hoàng